Pháp luật

Vụ công nhân tại xưởng may đen kêu cứu: Công ty tuyển dụng phải bồi thường thiệt hại

Người lao động có thể căn cứ theo hợp đồng để yêu cầu bồi thường các khoản chênh lệch về tiền lương, ăn ở, giờ làm việc, chi phí khám, chữa bệnh và cả chi phí máy bay về nước.

Tình trạng người lao động tại Công ty Vinastar (Nga) bị bóc lột nặng nề đã được phản ánh trực tiếp với đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Nga. 102 lao động đã ký tên khẩn thiết đề nghị đại sứ quán giải thoát và đưa họ trở về Việt Nam.

 

Vấn đề đặt ra là ai phải chịu trách nhiệm về tình trạng tồi tệ của những người lao động này.

 

Công ty tuyển dụng và Vinastar phải chịu trách nhiệm

 

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Văn phòng Luật sư Giải Phóng, cho rằng trong trường hợp này, cả đơn vị môi giới lẫn đơn vị sử dụng lao động đều sai và họ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người lao động.

 

Cụ thể, đối với đơn vị môi giới họ không nói đúng sự thật về mức lương, thời gian, điều kiện làm việc tại xưởng may. Còn xưởng may Vinastar đã vi phạm hợp đồng lao động đã ký về mức thu nhập thấp, thời gian làm việc kéo dài, nơi ở và chất lượng bữa ăn tồi tệ…

 

Tuy nhiên, thủ tục và chi phí để khởi kiện tranh chấp lao động tại Nga là khá phức tạp và tốn nhiều chi phí người lao động khó kham nổi. “Hiện tại người lao động đang bị kẹt tại Nga, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga sẽ là cơ quan có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi tính mạng của họ” - luật sư Hưng nói.

 

Ông Nguyễn Xuân Vui, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ hàng không Việt Nam - một đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động (Airseco), khẳng định các công ty tuyển dụng, môi giới lao động phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người lao động.

 

Ông Vui nhấn mạnh: “Bởi họ là người môi giới, giới thiệu công việc, điều kiện làm việc, mức lương hằng tháng không đúng thực tế đã cam kết đối với người lao động. Họ phải bồi thường cho người lao động!”.

 

 

 

Công ty tuyển dụng phải trả tiền vé máy bay

 

Đồng quan điểm, ông Đàm Trung Bắc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhân lực toàn cầu - đơn vị chuyên về xuất khẩu lao động (GMAS), nói thẳng: Khi người lao động làm việc không theo đúng các điều khoản trong hợp đồng lao động thì công ty môi giới phải có trách nhiệm đàm phán với đơn vị sử dụng để trả đúng mức lương, thời gian làm việc, điều kiện ăn ở theo hợp đồng đã ký cho người lao động.

 

Ngược lại, công nhân nhận lương không theo đúng hợp đồng, bị bóc lột sức lao động, họ có quyền yêu cầu đơn vị môi giới bồi thường phần tiền lương còn thiếu. Còn cách giải quyết như thế nào thì do đơn vị môi giới đàm phán với người sử dụng lao động tự tính toán để trả cho người lao động.

 

Đối với số công nhân tại xưởng may Vinastar, nếu họ nhất quyết đòi về nước thì đơn vị môi giới phải chịu toàn bộ chi phí mua vé máy bay. Ngoài ra, các khoản tiền khám bệnh, ăn ở không đúng như trong hợp đồng, người lao động cũng có quyền yêu cầu công ty môi giới bồi thường.

 

Theo ông Bắc, với những vi phạm hợp đồng lao động trắng trợn như thế này, công ty môi giới có thể khởi kiện chủ sử dụng lao động để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, tuy nhiên đây là chuyện hiếm khi xảy ra. Riêng người lao động có quyền cầu cứu với cơ quan đại sứ quán để khởi kiện chủ sử dụng lao động tại tòa địa phương sở tại hoặc tố giác với cơ quan quản lý lao động cấp tỉnh của Nga. “Người lao động do công ty môi giới đưa đi cần dựa trên hợp đồng để yêu cầu công ty môi giới đảm bảo quyền lợi cho họ!” - ông Bắc chia sẻ.

 

Cục vẫn còn chờ…

 

Chiều 30/5, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, cho biết Cục đang theo dõi sát sao thông tin về buổi làm việc giữa đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Nga với người lao động và xưởng may Vinastar.

 

Dự kiến cuối tuần này khi có kết luận chính thức, phân luồng các đối tượng lao động đi tự do hay đi theo dạng chính thức từ đại sứ quán gửi về, Cục sẽ chính thức có biện pháp xử lý kịp thời để bảo vệ quyền lợi người lao động. “Cục đang yêu cầu các đơn vị đưa lao động sang xưởng may Vinastar báo cáo trung thực về hợp đồng lao động do họ đưa đi để giải quyết rốt ráo” - ông Quỳnh nhấn mạnh.

 

Ông Quỳnh cho biết thêm thông tin ban đầu qua điện thoại từ Đại sứ quán Việt Nam tại Nga báo cáo về, xưởng may Vinastar có giấy tờ đầy đủ. Còn visa đưa lao động sang Nga theo dạng du lịch, sau đó Công ty Vinastar chuyển đổi sang visa lao động. Đó là thông tin sơ bộ ban đầu, còn phải thẩm định kỹ càng Cục mới có quyết định chính thức.

 

Trong hợp đồng người lao động Công ty TNHH Vinastar đã ký với người lao động ghi rõ: Hợp đồng có thời hạn ba năm. Giấy phép lao động sẽ được gia hạn mỗi năm một lần. Lương khoán theo sản phẩm, thu nhập bình quân 700 USD/tháng. Giờ làm thêm theo Luật lao động Liên bang Nga (làm thêm 2-4 giờ). Người lao động sẽ làm việc 8 giờ/ngày; 26 ngày/tháng. Người sử dụng lao động sắp xếp nơi ăn ở cho người lao động và các trang thiết bị khác. Hằng năm người lao động sẽ được khám bệnh định kỳ và toàn bộ chi phí do chủ sử dụng lao động chi trả. Người lao động được nghỉ theo Luật lao động Liên bang Nga và nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1/5, ba ngày tết cổ truyền của Việt Nam. Hằng năm người lao động được nghỉ không lương 15 ngày để giải quyết việc riêng…. Chủ sử dụng lao động sẽ xem lại lương và quyết định cho bất kỳ hình thức thưởng hay phạt sau sáu tháng của người lao động

Đã mất liên lạc với toàn bộ NLĐ tại Vinastar

Thân nhân các gia đình có con làm việc tại xưởng may Vinastar lo lắng cho biết nguyên cả ngày 30/5, họ đã gọi điện thoại, nhắn tin sang cho con và người thân nhưng hoàn toàn không liên lạc được. PV cũng đã cố gắng gọi vào máy một số lao động nhưng chỉ nghe tò te… “Chúng tôi đã gọi, nhắn tin của hơn 40 số máy của anh chị em đang làm việc tại xưởng may để hỏi thăm sức khỏe nhưng không nhận được bất kỳ một hồi âm” - chị Nguyễn Duy Thanh Nhân, công nhân đầu tiên trở về từ xưởng may, lo lắng.

Đây là thông tin hết sức đáng quan ngại mà Cục Quản lý Lao động ngoài nước và các cơ quan hữu quan cần lưu tâm, có biện pháp tích cực hơn để bảo vệ người lao động.

 

 

Theo Pháp luật TP.HCM

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo