Vụ cưỡng chế thi hành án Đăk Lăk: Đùn đẩy trách nhiệm, liệu “có tội” với dân?
Theo dư luận, trong thời gian qua Chi cục Thi hành án Dân sự (THADS) huyện Krông Năng (Dăk Lăk) trong quá trình thi hành nhiều bản án, quyết định của tòa án đã vi phạm pháp luật. Điển hình, vụ việc vợ chồng cựu quân nhân Võ Xuân Chiểu và Lê Thị Hồng Phương (trú tại thôn Tân Xuân, xã EaToh, huyện Krông Năng, Dăk Lăk) là “nạn nhân” của Chi cục THADS huyện này. Vì, tất cả những thành viên hộ ông Chiểu, bà Phương không còn nơi cư trú, tài sản của họ bị bán đấu giá tức tưởi ?!
Biết sai… nhưng vẫn làm ?
Theo hồ sơ cho thấy, bản án số 18/2009/DSST ngày 27-8-2009 của TAND huyện Krông Năng: buộc bà Phương và ông Chiểu thanh toán cho ông Nguyễn Hồng Thái (trú tại thôn Tân Đông, xã EaToh, huyện Krông Năng) số tiền 15.902.000 đồng (gồm cả gốc và lãi phát sinh). Bản án này bị kháng cáo và bản án số 138/2009/DSPT ngày 08-12-2009 của TAND tỉnh Dăk Lăk tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Tương tự, bản án số 27/2010/DSST ngày 16-8-2010 của TAND huyện Krông Năng buộc vợ chồng ông Chiểu, bà Phương trả ông Nguyễn Hữu Ký (trú tại thôn Tân Đông, xã EaToh, huyện Krông Năng) số tiền 35.018.000 đồng. Bản án này không có kháng cáo, kháng nghị.
Theo các bản án trên, người được thi hành án đã yêu cầu thi hành, Theo đó, ngày 15-11-2010, Chi cục THADS huyện Krông Năng ban hành Quyết định số 174/QĐ – THA thi hành án theo đơn yêu cầu. Cũng ngày 15-11-2010, cơ quan này có giấy triệu tập số 08/GTT-THA yêu cầu ông Chiểu, bà Phương nộp số tiền 35.018.000 đồng.
Thực tế, bản án số 18/2009/DSST ngày 27-8-2009 của TAND huyện Krông Năng và bản án số 139/2009/DSPT ngày 08-12-2009 của TAND tỉnh Dăk Lăk có hiệu lực pháp luật, được yêu cầu thi hành án, thì trước đó, ông Chiểu, bà Phương đã vay của Ngân hàng NN&PTNT Tân An (A4 – A5, Ngô Quyền, Phường Tân An, Thành phố Buôn Ma Thuột) số tiền 120 triệu đồng theo hợp đồng thế chấp tài sản số 1183/08TC ngày 06-11-2008. Như vậy, tài sản của ông Chiểu, bà Phương đang thuộc Ngân hàng NN&PTNT Tân An quản lý để đảm bảo tiền vay của nhà nước từ ngày 06-11-2008.
Ngày 20-6-2010, Chấp hành viên Nguyễn Anh Thông (nguyên là Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Krông Năng; hiện là Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện EaKar, tỉnh Dăk Lăk) ký Quyết định số 25/QĐ – CCTHADS quyết định kê biên tài sản của ông Chiểu, bà Phượng là quyền sử dụng đất và tài sản trên đất đang được thế chấp tại Ngân hàng.
Theo đó, tài sản của hộ cựu quân nhân vừa thoát nghèo sau bao nhiêu năm gây dựng đã được Công ty Cổ phần Dịch vụ đấu giá Trung Nam (số 4B – Lý Tự Trọng, Phường Tân An, Thành phố Buôn Ma Thuột) bán với giá khởi điểm với 560.375.725 đồng cho 02 loại tài sản là: diện tích 9.461 m2 đất đã được cấp GCNQSDĐ số K 562 370 thuộc thửa số 64, tờ bản đồ số 14 và diện tích 1.877 m2 đất được cấp GCNQSDĐ số K 562 368 thuộc thửa số 45, tờ bản đồ số 14. Hai thửa đất này đều thuộc thôn Tân Xuân, xã EaToh và được cấp CNQSDĐ ngày 15-8-1997. Trên đất có nhiều vật kiến trúc kiên cố và các loại cây lâu năm.
Thực tế, ông Chiểu, bà Phương có hai khối tài sản gồm: Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc thửa số 64, tờ bản đồ 14, diện tích 9.461 m2 (trong đó có 400 m2 đất ở, 9.061 m2 đất nông nghiệp) tại thôn Tân Xuân (GCNQSDĐ số K562370 ngày 15-8-1997) được thẩm định với giá 579.863.000 đồng; Quyền sử dụng thửa đất và tài sản gắn liền với đất thuộc thửa số 45, tờ bản đồ 14, diện tích 1.877 m2, tại thôn Tân Xuân (GCN QSDĐ số K562368 ngày 15-8-1997) được thẩm định với giá 82.632.000 đồng.
Tuy nhiên, theo Báo cáo của Cục THADS tỉnh Dăk Lăkcho thấy ông Chiểu, bà Phương phải thi hành án gồm các khoản: án phí 2.520.000 đồng, trả nợ theo các bản án là 50.920.000 đồng, cùng khoản lãi suất chậm thi hành án. Vậy họ phải thi hành án khoảng 53.440.000 đồng (theo án số 138/DSPT ngày 8-12-2009 của TAND tỉnh Dăk Lăk và án số 27/2010/DSST ngày 16-8-2010 của TAND huyện Krông Năng).
Như vậy, chỉ vì thi hành án khoản vay 50.920.000 đồng, ông Nguyễn Anh Thông đã kê biên, thuê bán đấu giá toàn bộ tài sản của hộ ông Chiểu, bà Phương là trái pháp luật, biết sai nhưng vẫn cố làm cho được. Vì, chỉ cần bán Quyền sử dụng thửa đất và tài sản gắn liền với đất thuộc thửa số 45, tờ bản đồ 14, diện tích 1.877 m2 đã là quá đủ. Mặc dù, hộ ông Chiểu bà Phương còn khoản vay 120 triệu của ngân hàng, nhưng đây là một giao dịch dân sự khác. Hệ quả của việc kê biên, đấu giá tài sản (chỉ để thi hành án khoảng 53.440.000 đồng) đã biến một gia đình có hai khối tài sản trị giá 662.495.000 đồng phải giao toàn bộ tài sản để… ra đường.
Xót xa hơn, sau 8 lần giảm giá, ngày 18-6-2013 toàn bộ tài sản của ông Chiểu bà Phương được bán với mức giá 394.600.000 đồng. Sau cuộc đấu giá, nhiều nhân chứng là những người tham gia đấu giá xác nhận Công ty Cổ phần Dịch vụ Đấu giá Trung Nam đã dàn xếp kết quả đấu giá ? Thế nhưng việc kiện kết quả bán đấu giá dù đã được TAND Thành phố Buôn Ma Thuột thụ lý nhưng mãi vẫn chưa xét xử được.
Giải quyết khiếu nại kiểu… đùn đẩy trách nhiệm?
Bị mất nhà cửa vì THADS, gia đình ông Chiểu đã khiếu nại khắp nơi và cũng chỉ nhận được những phiếu chuyển đơn (?). Trong khi đó, Cục THADS tỉnh Dăk Lăk đã có văn bản số 903/TB – CTHADS ngày 27-8-2014 cho rằng: Việc khiếu nại đối với quyết định của Chấp hành viên trong việc cưỡng chế đã … hết thời hiệu. Đây là sự phán quyết hết sức mơ hồ. Vì, tại điểm a, khoản 2, điều 140 – Luật THADS quy định: Thời hiệu khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên như sau: Đối với quyết định, hành vi về thi hành án trước khi áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế là 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi đó. Theo đó, chỉ khi bị cưỡng chế giao tài sản cho người mua trúng đấu giá thì hộ ông Chiểu mới phát hiện hành vi trái pháp luật của Chấp hành viên và đã làm đơn khiếu nại nên chưa thể cho rằng hết thời hiệu. Mặt khác, theo quy định tại điểm c, khoản 2, điều 142, Luật THADS quy định: Thủ trưởng cơ quan THADS cấp tỉnh giải quyết đối với các khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan THADS cấp huyện. Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Thông chưa hề có quyết định giải quyết khiếu nại nào đối với chính hành vi của vị cán bộ này gây ra. Do đó, thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với hành vi của Chấp hành viên, Chi cục trưởng phải là Cục trưởng Cục THADS tỉnh Dăk Lăk mới đúng pháp luật.
Được biết, khi phát hiện những sai phạm của Chi cục THADS huyện Krông Năng, Viện KSND huyện đã có Báo cáo số 513/BC – KSTHADS ngày 28-11-2013 theo Viện này, trong tháng 10-2014 sẽ kiểm tra lại vụ việc nhưng đến nay chưa thấy Viện này thực hiện việc kiểm tra. Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Thông lại được cấp trên “điều động” đi đơn vị khác.
Càng lạ hơn, ngày 06-4-2015, Cục THADS tỉnh Dăk Lăk có văn bản số 311/CTHADS-KT,GQKN,TC cho rằng: Chấp hành viên ra Quyết định số 39/QĐ – CCTHA thu hồi một phần tài sản đã kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá và ra Thông báo sô 41/TB-CCTHA ngày 22-10-2014 và Thông báo cho ông Chiểu, bà Phương nhận lại tài sản là Quyền sử dụng thửa đất và tài sản gắn liền với đất thuộc thửa số 45, tờ bản đồ 14, diện tích 1.877 m2. Thế nhưng, trên diện tích 1.877 m2 đất bị cưỡng chế không biết ai chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về hoa lợi cũng như những giá trị khác cho hộ ông Chiểu, bà Phương ?
Đề nghị các cơ quan chức năng tại Dăk Lăk khẩn trương giải quyết dứt điểm vụ việc cho thấu tình, đạt lý, tránh khiếu nại kéo dài.
D.M.H
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo