Vụ dân kiện Chủ tịch Hà Nội: Cục kiểm tra văn bản nói gì?
Không chỉ đâm đơn kiện đích danh Chủ tịch TP Hà Nội, gia đình ông Nguyễn Khắc Lượng còn có đơn khiếu nại gửi tới Bộ Tư pháp.
Ngày 23/4 vừa qua, Báo Giáo dục Việt Nam đã đăng tải trong bài viết “Một người dân ở làng hoa Tây Tựu kiện Chủ tịch TP Hà Nội”, phản ánh sự việc ông Nguyễn Khắc Lượng (ở đội 12 thôn Hạ, xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm) đã đâm đơn kiện đích danh Chủ tịch TP Hà Nội ra TAND TP Hà Nội sau khi TP có quyết định số 1818 ngày 21/2/2013 do ông Vũ Hồng Khanh – Phó Chủ tịch TP ký, trả lời về việc giải quyết chính sách đền bù của UBND huyện Từ Liêm là đúng.
Đặc biệt, văn bản của TP Hà Nội còn nói rõ tại thời điểm GPMB, UBND TP Hà Nội chưa ban hành chính sách hỗ trợ đất dịch vụ cho những trường hợp bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp quy định tại khoản 4, Điều 4, Nghị định 17/2006/NĐ-CP ngày 27/1/2006 của Chính phủ.
Theo quy định tại khoản 4, Điều 4 của Nghị định 17: Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp mà không được Nhà nước bồi thường bằng đất nông nghiệp tương ứng thì được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm theo quy định sau đây: “Được giao đất có thu tiền sử dụng đất tại vị trí có thể làm mặt bằng sản xuất hoặc kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp; mức đất được giao do UBND cấp tỉnh căn cứ vào khả năng quỹ đất và mức đất bị thu hồi của từng hộ gia đình, cá nhân để quy định; giá đất được giao bằng giá đất nông nghiệp tương ứng cộng với chi phí đầu tư hạ tầng trên đất nhưng không cao hơn giá đất tại thời điểm thu hồi đất đã được UBND cấp tỉnh quy định và công bố”.
Gia đình ông Nguyễn Khắc Lượng (do con trai là Nguyễn Khắc Kiên đại diện) cũng đã có đơn khiếu nại gửi tới Bộ Tư pháp, yêu cầu làm rõ việc TP Hà Nội chậm chễ ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 17 đã gây thiệt hại cho gia đình người nông dân này. Cụ thể, tới ngày 30/11/2007, UBND TP Hà Nội mới ban hành Quyết định số 137/2007/QĐ-UBND quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn TP Hà Nội và thực hiện tử 1/1/2008. Việc ban hành văn bản chậm chễ gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của gia đình ông Nguyễn Khắc Lượng.
Ngày 23/4 vừa qua, bà Mạc Thị Hoa – Phó Cục trưởng Cục kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp) đã ký văn bản số 84/KtrVB, kết luận: Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra văn bản theo thẩm quyền quy định tại Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, Cục Kiểm tra văn bản đã tiến hành kiểm tra, đồng thời để có thêm cơ sở, Cục đã chủ trì, tổ chức cuộc họp với đại diện cơ quan liên quan như: Tổng Cục quản lý đất đai – Bộ Tài nguyên và Môi trường; Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội; Sở Tư pháp TP Hà Nội. Bước đầu nhận thấy rằng, ý kiến phản ánh nêu trên của ông Kiên về quyết định số 137 là có cơ sở.
Cục kiểm tra văn bản đã có văn bản kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo việc tự kiểm tra, xử lý nội dung không phù hợp của Quyết định số 137 và thông báo kết quả xử lý cho Cục Kiểm tra văn bản theo quy định của Chính phủ.
Nhiều hộ dân không được giao quyết định thu hồi đất
Trong quá trình tìm hiểu vụ khiếu kiện của gia đình anh Nguyễn Khắc Kiên, PV đã có dịp tiếp xúc với một số hộ dân cũng bị thu hồi đất phục vụ cho dự án đề-pô xe điện tại xã Tây Tựu. Thật bất ngờ là không chỉ riêng gia đình anh Nguyễn Khắc Kiên, mà có tổng cộng 41 hộ gia đình ở đội 12 thôn Hạ bị thu hồi từ 30% diện tích đất nông nghiệp trở lên, nhưng vẫn không được áp dụng Nghị định 17 của Chính phủ. Điển hình là trường hợp của gia đình ông Nguyễn Hữu Cường bị thu hồi 960m2 (chỉ còn lại khoảng 400m2). Diện tích đất thu hồi lớn lên tới trên 50% nhưng chỉ được đền bù 280 triệu đồng, chính quyền huyện Từ Liêm đã “quên” áp dụng khoản 4 Điều 4 Nghị định 17 của Chính phủ.
Trường hợp thứ hai là hộ gia đình ông Nguyễn Khắc Hợp và Nguyễn Khắc Tiếp đều bị thu hồi trên 50% diện tích đất nông nghiệp nhưng cũng không được áp dụng khoản 4 Điều 4 Nghị định 17.
“Năm 2011, chính quyền xã đo đạc lập biên bản xác minh diện tích đất nhà tôi sử dụng, nhưng đến năm 2013 khi thu hồi đất và đền bù thì cắt gọt hết. Tôi đã đến hỏi cả Chủ tịch xã và cán bộ địa chính thì không ai trả lời được, nên bây giờ chỉ còn chờ đợi vào sự công minh ở cấp thành phố”, ông Tiếp nói.
Thậm chí một số hộ dân còn bị thu hồi 100% diện tích đất nông nghiệp để phục vụ dự án này. Có thể kể tới là gia đình của ông Nguyễn Hữu Gia bị thu 100% diện tích đất nông nghiệp thể hiện trên giấy tờ sử dụng là 744m2. Tổng số tiền đền bù chưa tới 230 triệu đồng và cũng bị “bỏ quên” không áp dụng Nghị định 17 của Chính phủ.
Ông Gia cho biết: “Xã gọi tôi lên trả tiền, từ đó tới nay tôi không được giao quyết định thu hồi đất. Tôi đã rất nhiều lần yêu cầu chính quyền xã phải giao quyết định thu hồi đất để tôi nắm được chính xác việc thu hồi nhưng xã lẩn tránh. Nếu làm ăn đàng hoàng thì tại sao phải giấu quyết định thu hồi đất? Tôi được biết là nhiều hộ khác bị thu hồi đất nhưng cũng chỉ được gọi lên nhận tiền chứ không được giao quyết định thu hồi”.
Một gia đình khác cũng bị thu hồi 100% diện tích đất nông nghiệp là trường hợp của bà Chu Viết Thao. Tổng diện tích bị thu hồi của gia đình bà Thao lên tới 1394m2 nhưng chỉ được đền hơn 400 triệu đồng, cũng không được áp dụng Nghị định 17 của Chính phủ.
Bà Thao cho biết: “Tôi chỉ là một người phụ nữ quanh năm sống ở làng quê, cũng không biết các chính sách thế nào, chỉ đến khi nhiều gia đình bị thu hồi đất cùng đợt với gia đình tôi tìm hiểu thì mới biết là nông dân làng tôi thiệt thòi quá. Chính phủ ra Nghị định cho phép áp dụng các chế độ tạo điều kiện phát triển đời sống cho người nông dân, nhưng không biết vì sao 1 năm sau TP Hà Nội mới áp dụng, để bây giờ gây ra hậu quả là chúng tôi chưa được hưởng đúng chính sách theo quy định của pháp luật. Vì vậy, tôi đề nghị Chủ tịch TP sớm làm rõ nguyên nhân, xử lý những bộ phận nào làm sai, gây ra hậu quả nghiêm trọng thế này”.
Giáo Dục Việt Nam
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo