Vụ giết khỉ khoe "chiến tích": Những tình tiết mới nhất
Tin tức trên báo Đời sống pháp luật, những ngày qua cư dân mạng đang xôn xao về việc trên mạng Facebook, chủ tài khoản có nick "Cường và Cường" đã đăng hình hình ảnh khoe chiến tích nhốt và giết khỉ trong ngày 4/1. Hình ảnh này ngay sau đó đã được cư dân mạng phát tán rộng rãi, trong đó nhiều người đã tỏ ra rất bức xúc về hành vi dã man.
Trước việc dư luận đang đặc biệt quan tâm, các cơ quan chức năng đã xác định được chủ nhân của người đã đưa những bức ảnh đó lên trang mạng xã hội là Chu Văn Cường (26 tuổi), trú tại xóm Lam Sơn, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An).
Đến sáng ngày 7/1, Hạt kiểm lâm thị xã Hoàng Mai phối hợp với chính quyền xã Quỳnh Lập và các đơn vị liên quan đã kiểm tra tại gia đình Cường và tiến hành triệu tập Cường lên CQĐT lấy lời khai. Bước đầu Cường khai nhận, những bức ảnh mà Cường đăng tải trên facebook được chụp khi qua chơi tại nhà ông Thuận cùng xóm.
Theo ông Lê Ngọc Hữu, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm thị xã Hoàng Mai, từ lời khai của Chu Văn Cường, CQĐT xác định ông Lê Bá Thuận (50 tuổi), trú cùng xóm với anh Cường là chủ nhân của toàn bộ số khỉ bị giết hại trong ảnh. Sau đó, CQĐT đã mời ông Thuận lên trụ sở UBND phường Quỳnh Lập để lấy lời khai.
Tại CQĐT, ông Thuận khai nhận, hình ảnh toàn bộ số khỉ anh Cường đăng trên mạng được chụp vào ngày 26/11 khi gia đình ông đang làm thịt khỉ để nấu cao. Số khỉ trên được ông thu mua ở các huyện khác trong tỉnh Nghệ An với giá hơn 3.000.000 đồng để nấu cao sử dụng chứ không phải mục đích kinh doanh.
"Theo thông tin mà cơ quan chức năng thu thập được, có khả năng đây là một đường dây chuyên mua bán động vật để nấu cao chứ không phải các hộ tự nấu cao để sử dụng", ông Hữu cho biết thêm.
Về khía cạnh pháp luật, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Hà Nội) cho rằng, việc đăng các ảnh khoe chiến công giết khỉ nấu cao trên trang facebook có dấu hiệu vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm. Báo Trí thức trẻ thông tin.
"Có thể xem xét xử lý hành chính và nếu có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự", luật sư Cường cho hay.
Cũng theo ông Cường, bảo vệ động vật và thực vật quý hiếm là một việc quan trọng trong nhiệm vụ bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ tính đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường nói chung đang được thế giới đặc biệt quan tâm.
"Khỉ là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB- động vật rừng – nhóm hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại theo quy định tại Nghị định 32/2006/NĐ-CP. Do đó, người nào có hành vi giết khỉ nấu cao đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật", luật sư Cường nêu rõ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo