Pháp luật

Vụ hoa hậu Phương Nga: Phiên tòa dân chủ và quyền im lặng

Sự im lặng của Phương Nga và diễn biến của phiên xử được cựu chánh toà Hình sự TAND Tối cao Đinh Văn Quế đánh giá là "đặc biệt".

Theo nhận định của cựu chánh toà Hình sự TAND Tối cao Đinh Văn Quế trên báo Vnexpress, Ngay khi TAND TP HCM mở đầu phần xét hỏi, Trương Hồ Phương Nga (30 tuổi, Hoa hậu người Việt tại Nga 2007) - bị cáo buộc lừa đảo 16,5 tỷ đồng - đã "thực hiện quyền im lặng", không trả lời các câu hỏi của HĐXX, KSV và luật sư (kể cả người bào chữa cho mình).

Phương Nga tại toà. Ảnh: Quỳnh Trần/VNE.

Tình huống hãn hữu này có nhiều người tán đồng, song cũng có người ái ngại cho bị cáo. Còn chủ toạ phiên tòa vẫn tỏ ra bình thản, không cáu gắt cũng không dồn ép bị cáo phải khai báo mà tiếp tục xét hỏi những người tham gia tố tụng khác.

Vấn đề đặt ra là, "Quyền im lặng" được đưa vào Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2015 nhưng nó chưa được thi hành. Còn nếu hiểu một cách máy móc thì Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2003 cũng không có điều luật nào quy định "Quyền im lặng" của bị can, bị cáo. 

Nhưng căn cứ vào các quy định khác, Luật Tố Tụng Hình Sự nước ta có quy định quyền này, hay nói chính xác hơn là "quyền không khai báo, không trả lời" những câu hỏi của người tiến hành tố tụng, của luật sư tại phiên toà - thực chất đây cũng là "Quyền im lặng" đối với họ.

Diễn biến phiên xử cho thấy bị cáo Phương Nga và cả chủ toạ đã áp dụng rất kỹ các quy định trên nên phiên tòa không bị xáo trộn, vẫn diễn ra bình thường. Mặt khác, chủ toạ thể hiện sự tôn trọng "Quyền im lặng" của bị cáo nên Phương Nga đã tin tòa - những ngày sau không im lặng nữa mà khai toàn bộ tình tiết của vụ án, giúp HĐXX có những phán quyết chính xác, kịp thời.

Bên cạnh đó,  LS Hoàng Vinh Kim (Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bình Phước) phân tích: Việc đặt tiền để đảm bảo không chỉ được áp dụng tại nước ngoài mà BLTTHS năm 2003 của VN cũng quy định rõ tại điều 93 về đặt tiền để bảo đảm trong tố tụng hình sự. Tuy nhiên, ở nước ngoài được áp dụng nhiều hơn, còn VN thì cơ quan tiến hành tố tụng vẫn lo sợ nhiều vấn đề không khả thi trong việc thực hiện, báo Thanh niên đưa tin.

 

Theo LS Kim, nếu bị cáo đủ điều kiện quy định về biện pháp ngăn chặn “cấm đi khỏi nơi cư trú” thì HĐXX có thẩm quyền thay đổi biện pháp từ tạm giam sang cho tại ngoại đối với bị can, bị cáo theo quy định.

Đại úy Nguyễn Nam Hào (Cơ quan CSĐT Bộ Công an) phân tích, với trường hợp của bị cáo Phương Nga, ban đầu biện pháp tạm giam được áp dụng vì Phương Nga bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 16,5 tỉ đồng với khung hình phạt cao nhất là chung thân, là trường hợp thuộc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. 

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, khi thấy không còn cần thiết phải tạm giam hoặc có căn cứ bị can bị khởi tố oan thì cơ quan tiến hành tố tụng cần ngay lập tức làm thủ tục thay đổi biện pháp ngăn chặn, chứ không nên chờ đến lúc vụ án được đưa ra xét xử.

Nên đọc
Hồng Hà (Tổng hợp theo báo Vnexpress, Thanh niên)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo