Vụ lấp đất bảo tồn Sen Hồ Tây để xây bãi đỗ xe: Giao dự án cho công ty “ma”?
UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án sai quy định
Dự án xây dựng bãi đỗ xe tại khu đất cạnh Ao Sen Công đoàn, xuất hiện tại Nghị quyết số 13/ NQ-HĐND nói trên mới được HĐND phê duyệt vào “Danh mục công trình, dự án thu hồi đất trong năm kế hoạch sử dụng đất 2015 quận Tây Hồ chuyển sang năm 2016”.
Tuy nhiên, xem xét lại Nghị quyết số 06/NQ-HĐND ngày 05/12/2014 của HĐND thành phố Hà Nội “về việc thông qua danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2015; dự án, công trình chuyển mục đích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ năm 2015” hoàn toàn không có dự án bãi đỗ xe tại khu đất cạnh Ao Sen Công đoàn.
Việc phê duyệt dự án này của UBND TP Hà Nội đã vượt quá thẩm quyền, bởi lẽ, chưa có Nghị quyết chấp thuận của HĐND thành phố Hà Nội thì UBND TP đã đồng ý cho việc thu hồi đất xây dựng bãi đỗ xe của Công ty CP Nam Quốc Sơn và đến ngày 08/10/2015 UBND quận Tây Hồ đã ra Thông báo thu hồi đất số 222/TB-UBND để thực hiện dự án xây dựng bãi đỗ xe.
Tiếp đó, UBND có tờ trình số 82/TTR-UBND ngày 13/11/2015 HĐND TP. Hà Nội, trên cơ sở này ngày 05/12/2015 HĐND Tp. Hà Nội ban hành Nghị quyết số 13 nói trên (có bổ sung thu hồi đất để xây dựng dự án) chính là việc làm nhằm hợp thức hoá việc vượt quá thẩm quyền của UBND TP khi trước đó đã phê duyệt cho Công ty CP Nam Quốc Sơn thu hồi đất để xây dựng bãi đỗ xe chứ không phải dự án đã được phê duyệt từ năm 2014 để thực hiện trong năm 2015 nhưng chưa thực hiện và được chuyển sang năm 2016.
Như vậy, trước khi có Nghị quyết số 13 của HĐND thành phố Hà Nội gần 10 tháng thì ngày 11/02/2015, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 766/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng bãi đỗ xe tại khu đất cạnh Ao Sen Công đoàn thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, với diện tích đất thu hồi là 2.000 m2.
Trên thực tế, sau khi các cơ quan chức năng phường Quảng An và quận Tây Hồ tiến hành đo đạc, cắm mốc và lập hồ sơ thực địa, diện tích thực hiện dự án mới chỉ được 1.304 m2 nhưng đã chồng lấn một phần mặt nước của khu vực bảo tồn giống sen.
Dự án lấy đất vàng được giao cho công ty “ma”?
Trước đó, Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa tin về việc một số hộ dân tại phường Quảng An (quận Tây Hồ) lên tiếng phản ánh về việc Dự án xây dựng bãi đỗ xe tại khu đất cạnh Ao Sen Công đoàn đã chồng lấn một phần lên quy hoạch bảo tồn giống sen quý Hồ Tây.
Thêm vào đó, công tác bồi thường GPMB cũng xảy ra nhiều bất cập khi các hộ dân chỉ được bồi thường cây cối hoa màu với giá “bèo”, chứ không được tính phần đất họ đã bỏ công sức ra để phát hoang, san lấp từ khi còn là ruộng trũng.
Hiện dự án đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ một số hộ dân trên địa bàn phường Quảng An với nhiều nguyên do được các hộ dân đưa ra như: tính cấp thiết phải xây dựng thêm bãi đỗ xe; dự án chồng lấn quy hoạch bảo tồn, phát triển giống sen Hồ Tây. Ngoài ra, dư luận cũng nghi ngờ năng lực của chủ đầu tư dự án và xôn xao thông tin đơn vị này sau một thời gian sử dụng sẽ xin chuyển đổi mục đích để chia lô bán kiếm lời.
Trong giấy phép đăng ký kinh doanh, Công ty CP Nam Quốc Sơn có số vốn pháp định là 06 tỷ đồng; vốn điều lệ lên tới 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều năm qua, công ty này hầu như không hoạt động, không phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, thuế GTGT… Tại địa chỉ đăng ký kinh doanh và địa điểm kinh doanh của công ty này cũng không hoạt động.
Theo nguồn tin của PV, trong vài năm trở lại đây, công ty này chỉ nộp thuế môn bài để duy trì giấy phép đăng ký kinh doanh, hoàn toàn không phát sinh các giao dịch khác. Cụ thể, trong năm 2014, công ty nộp 4 triệu đồng; năm 2015 nộp 5,5 triệu đồng và tính đến thời điểm hiện tại của năm 2016, công ty này mới chỉ nộp 2,5 triệu đồng.
Toàn bộ số tiền thuế môn bài thời gian qua, công ty này cũng sử dụng hình thức hết sức đơn giản là “thanh toán online”.
Như vậy, một doanh nghiệp có vốn pháp định và vốn điều lệ lên tới hàng trăm tỷ nhưng không phát sinh hoạt động, khiến nhiều người đặt nghi vấn đây thực chất chỉ là công ty “ma” đứng ra làm bình phong để một số cá nhân trục lợi, thâu tóm tài sản nhà nước qua các hình thức đầu tư dự án!?
Trao đổi với PV, nhiều hộ dân tại Tổ 20, phường Quảng An cũng thể hiện rõ quan điểm sẽ sẵn sàng di dời, dỡ bỏ công trình, cây cối trên đất nếu UBND & HĐND TP Hà Nội đồng ý xây dựng nhà văn hóa, sân chơi công cộng, công viên cây xanh để phục vụ cộng đồng dân cư và các cháu thiếu nhi.
Liên quan đến tính pháp lý của dự án, Ban bồi thường GPMB quận Tây Hồ cũng cho rằng, Dự án đáp ứng đủ thủ tục pháp lý và được UBND TP phê duyệt với đầy đủ các quy trình, UBND quận Tây Hồ chỉ là đơn vị thực hiện. Nếu có vấn đề chồng chéo của Nghị quyết HĐND TP, đơn vị thực hiên dự án không đủ năng lực…thì quận cũng không đủ thẩm quyền giải quyết.
Theo quy định tại Điều 62 Luật đất đai năm 2013 và Điều 15 Luật Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sau đây gọi là Luật BHVBQPPL của HĐND& UBND) thì thẩm quyền quyết định thu hồi đất để thực hiện các dự án “Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật của địa phương gồm giao thông, thuỷ lợi,...” (điểm b khoản 3 Điều 62) thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (trong vụ việc này là HĐND thành phố Hà Nội) thể hiện bằng việc Hội đồng nhân dân ra Nghị quyết. Về quy trình ban hành Nghị quyết của HĐND, để ban hành Nghị quyết số 13/NQ-HĐND, theo quy định tại Chương III của Luật BHVBQPPL của HĐND& UBND, UBND Tp. Hà Nội phải trình dự thảo Nghị quyết và các phụ lục kèm theo, sau quá trình lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết và các quy trình thẩm định chặt chẽ, dự thảo Nghị quyết 13 mới được trình HĐND thành phố Hà Nội thông qua. Trên cơ sở Nghị quyết của HĐND, UBND mới ban hành các quyết định phê duyệt hoặc chấp thuận dự án phải thu hồi đất hoặc ra quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án (Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực từ 01/7/2015 thay thế Luật BHVBQPPL của HĐND& UBND vẫn giữ nguyên quy trình này).
|
Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!
End of content
Không có tin nào tiếp theo