Vụ lừa 4.000 tỷ: Tranh cãi trách nhiệm bồi thường
Cho rằng đối tác mình ký hợp đồng là ngân hàng chứ không phải Huyền Như, các nguyên đơn dân sự và bị hại trong vụ án đồng loạt đề nghị ngân hàng phải có trách nhiệm bồi thường.
Tin Huyền Như, tiêu tan sự nghiệp
Với những hợp đồng huy động vốn hàng trăm tỷ đồng đưa về cho đơn vị, Huỳnh Thị Huyền Như đã trở thành nhân vật được kiêng nể, đầy uy tín tại ngân hàng Vietinbank lúc bấy giờ. Cũng từ đó, hành trình lừa đảo 4.000 tỷ đồng của Như trở nên quá dễ.
Trong số 12 bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên của Vietinbank phải ra trước vành móng ngựa thì có đến 10 người cho rằng mình đã vô tình phạm tội vì quá tin tưởng Như, vì người đàn bà này vốn rất giỏi giang, uy tín...
Ai cũng biết hoạt động trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng là một trong những lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm, dẫn đến rủi ro nên hàng loạt các quy định pháp luật đã được đặt ra. Thế nhưng bỏ qua mọi quy định pháp luật, họ làm việc với Như bằng lòng tin và cũng chính lòng tin đó đã làm họ phải tiêu tan sự nghiệp, ra trước vành móng ngựa.
Đứng trước tòa, bị cáo Bùi Ngọc Quyên - người từng ngồi ở ghế Phó phòng giao dịch Điên Biên Phủ phải bật khóc khi trình bày: "Xin HĐXX xem xét cho bị cáo. Chị Như là người uy tín, có công rất lớn trong việc đem doanh số về cho ngân hàng. Bị cáo kiểm tra thấy thẻ tiết kiệm là thật, tiền thật nên yên tâm, thiếu chữ ký thì Như bảo là khách quen để bổ sung sau nên bị cáo tin lời. Bị cáo cũng chỉ là nạn nhân trong vụ án này vì đã non kém trong nghiệp vụ, non kém cả trong quan hệ xã hội nên quá tin tưởng chị Như".
Rất nhiều cá nhân khác có hoàn cảnh tương tự. Cũng vì tin tưởng Như họ đã bỏ qua những công đoạn cần thiết để giải ngân hoặc có người thì ký tên vào hợp đồng tiền gửi giả để Như thế chấp vay tiền.
Đỗ Quốc Thái là một trong những người ký tên vào hợp đồng gửi tiền giả để Như thế chấp vay và chiếm đoạt của ngân hàng VIB 15 tỷ đồng. Tòa hỏi Thái việc nguyên đơn dân sự đề nghị truy tố thêm một số người và buộc liên đới bồi thường thì tính sao?
Thái thở dài, phân vua: "Tôi là bạn học của Như hồi phổ thông. Tôi nghèo lắm, chỉ làm thuê cho Như thôi. Thấy Như giàu có, Như bảo đến ngân hàng ký hợp đồng để vay tiền thì ký thôi, giờ tùy tòa quyết định"...Tất cả chỉ vì tin Như nên giờ đây người tiêu tan sự nghiệp, người số phận bấp bênh.
Ai bồi thường?
Trả lời tòa, ông Nguyễn Hữu Chấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư An Lộc xác nhận công ty còn thiệt hại 170,3 tỷ đồng. Vị đại diện này nhấn mạnh: "Tôi không quan hệ gì với bị cáo Như mà chỉ là khách hàng của Vietinbank. Do vậy, chúng tôi yêu cầu Vietinbank phải bồi thường cho chúng tôi 170,3 tỷ đồng tiền gốc và cả lãi suất theo quy định".
Tương tự, đại diện Công ty Phúc Vinh, Công ty Thịnh Phát, Công ty Hưng Yên, Công ty cổ phần chứng khoán Toàn Cầu, Ngân hàng Thương mại Quốc Tế (VIB) - chi nhánh TP.HCM...đều xác nhận bị thiệt hại khoản tiền như cáo trạng nêu và đồng loạt đề nghị tòa xem xét, tuyên buộc Vietinbank phải có trách nhiệm bồi thường.
Liên quan đến vấn đề trên, ngay từ phần thủ tục, các luật sư đã tranh cãi về tư cách của Vietinbank và một số bên trong vụ án. Luật sư của ngân hàng ACB đề nghị triệu tập ban lãnh đạo Vietinbank - chi nhánh TP.HCM với tư cách bị đơn dân sự chứ không phải là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Khi đã là bị đơn dân sự đồng nghĩa với việc phải có trách nhiệm bồi thường phần dân sự liên quan đến vụ án.
Ngay sau đó luật sư của Vietinbank "bác bỏ", khẳng định Vietinbank chỉ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khiến phiên tòa nóng ngay từ những phút đầu. Chủ tọa cho biết quá trình xét xử sẽ xem xét và xác định cụ thể.
Như vậy, khoản thiệt hại gần 4.000 tỷ đồng do Như gây ra đã rõ trong khi tổng tài sản thu được của tất cả các bị cáo, người liên quan chỉ hơn 624 tỷ đồng, còn lại hơn 3.000 tỷ đồng, ai phải bồi thường đến nay vẫn còn gây tranh cãi.
Trước đó, cũng trong phần thẩm vấn, bị cáo Phạm Anh Tuấn - nguyên Tổng Giám đốc công ty CP vận tải dầu khí Thái Bình Dương, người bị cáo buộc đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để hưởng lợi 121 tỷ đồng tiền lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng cho rằng cáo buộc của Viện kiểm sát là không đúng.
Vị cựu Tổng Giám đốc thừa nhận có làm ăn, giao dịch với Như trong quá trình Như huy động vốn. Thế nhưng, toàn bộ số tiền 121 tỷ đồng trong tài khoản của Tuấn là của cha mẹ và tài sản riêng của vợ chồng, không hề có đồng nào nhận từ Như.
Ngay sau đó, bị cáo Đỗ Quốc Thái khai theo chỉ đạo của Như đã thực hiện 21 lần chuyển tổng cộng 121 tỷ đồng vào tài khoản của Phạm Anh Tuấn.
Ngày 9/1, phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn của Viện kiểm sát.
VietnamNet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo