Vụ mua thiết bị "hồn China da của Đức": Sở Y tế HN nói gì?
Liên quan đến việc sử dụng thiết bị y tế không rõ nguồn gốc tại BV đa khoa Thường Tín (Hà Nội), chiều 29.7, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức họp báo để thông tin vụ việc.
Kiểm tra việc mua thiết bị y tế không rõ...
Theo ông Nguyễn Văn Dung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, máy xét nghiệm sinh hóa nhãn hiệu Greiner GA240, có xuất xứ Đức, được cung cấp cho BV đa khoa Thường Tín là thiết bị nằm trong gói thầu 4 được triển khai từ năm 2009 (thuộc Dự án đầu tư nâng cấp trang thiết bị cho các BV tuyến huyện do Sở Y tế Hà Nội phê duyệt). Công ty Xuất nhập khẩu Khoáng sản trúng thầu và cung cấp.
Dự án này có sự hỗ trợ của nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, trong đó, gói thầu số 4 được mở thầu vào năm 2009, đưa vào sử dụng từ năm 2010 và đến năm 2012 đã được thanh tra, kiểm toán và quyết toán.
Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, máy này đã bị hỏng và trục trặc nhiều lần (lỗi phần mềm, cháy bóng đèn nanogen). Điều đáng nói là sự trục trặc của máy này không chỉ xảy ra ở riêng BV Thường Tín, mà nó còn xảy ra tại BV đa khoa Hoài Đức. Đây là 2 trong 6 BV huyện của Hà Nội được nhận máy từ gói thầu số 4 và cũng là 2 trong số 6 BV mới được kiểm tra.
Bên cạnh đó, trên các máy này đều ghi nhãn sản xuất tháng 5.2010, có xuất xứ từ Đức, tuy nhiên những thiết bị vận hàng quan trọng trong ruột máy như: Quạt mát, mô tơ, quạt máy lại mang “Made in China”.
Giải thích vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Giám đốc Công ty CP Xuất nhập nhẩu Khoáng sản (đơn vị cung ứng) cho biết, trong cơ chế hội nhập hiện nay, rất hiếm quốc gia nào tự sản xuất tất cả các thiết bị của một máy nào đó từ A đến Z mà họ có thể sản xuất linh kiện ở nhiều nơi, trong đó có Trung Quốc.
“Do đó, mặc dù máy Greiner GA240 có một số thiết bị từ Trung Quốc nhưng về cơ bản, sản phẩm này đã được chính hãng của Đức kiểm định và lắp ráp, sau đó xuất khẩu sang Việt Nam. Đây là lô máy có đầy đủ giấy tờ pháp lý”, ông Hưng khẳng định.
Bổ sung thêm nội dung này, ông Bùi Hoàng Mai, Giám đốc Trung tâm kiểm định hiệu chuẩn thiết bị y tế (Viện Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế), đơn vị tư vấn và giám sát gói thầu này, cũng cho rằng, đối với những thiết bị nằm trong máy xét nghiệm có mang “Made in China” hoàn toàn có thể chấp nhận được vì trong Nghị định 09.2006 của Chính phủ quy định rõ về tỷ lệ xuất xứ của 1 thiết bị là bao nhiêu phần trăm, trong thiết bị có bao nhiêu phụ kiện của nước thứ 3…
Máy lậu?
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có hay không máy xét nghiệm trúng thầu thực chất là máy lậu vì hãng Greiner không có model GA240, máy này được sản xuất ở Trung Quốc rồi chuyển sang Đức, sau đó nhập khẩu về Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hưng, đại diện đơn vị trúng thầu và cung ứng máy này lúng túng khi đưa ra câu trả lời rằng, căn cứ vào biên bản thương thảo, chúng tôi đã làm theo đúng trình tự và trước khi bàn giao cho các BV, chúng tôi cũng đã có nghiệm thu.
Trong quá trình ký hợp đồng cũng có cả 1 hội đồng có chức năng kiểm soát và giám sát hàng hóa vào Việt Nam. “Đúng là đơn vị chúng tôi không phải là đơn vị trực tiếp mua mà là mua lại của công ty khác. Tuy nhiên, đây là lô máy có đầy đủ giấy tờ pháp lý vì căn cứ vào hồ sơ mời thầu, chúng tôi đã thực hiện đúng trình tự”, ông Hùng cho biết.
Kiểm định trên giấy
Về phía cơ quan giám sát của nhà nước, ông Bùi Hoàng Mai cho rằng, tất cả quy trình trên giấy tờ, đều được làm hoàn toàn đúng quy trình. Đặc biệt, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa được xem xét dựa trên các giấy tờ là hồ sơ trúng thầu và đúng là máy xét nghiệm trên có xuất xứ từ Đức. “Còn thực tế giấy tờ như thế nào, đoàn Sở Y tế cần tiếp tục chứng minh. Trong quá trình kiểm tra giám sát, chúng tôi nhận thấy thiết bị có giấy phép của Bộ Y tế và cũng đã có quá trình chạy thử máy hoàn toàn phù hợp”.
Về việc các máy xét nghiệm đã bị hỏng hơn 1 năm nay mà vẫn chưa được sửa chữa để đưa vào sử dụng, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội giải thích, đáng nhẽ, việc sửa chữa hay thiết bị trong máy, BV phải gọi báo đơn vị cung cấp thiết bị nhưng khi kiểm tra, các BV này đều chưa liên hệ với đơn vị cung cấp thiết bị mà lại liên hệ với đơn vị cung cấp hóa chất (sử dụng khi xét nghiệm của bệnh nhân) nên không đáp ứng yêu cầu.
Tuy nhiên, theo hợp đồng với Sở Y tế sau khi trúng thầu, Công ty CP Xuất nhập khẩu Khoáng sản phải đảm bảo cung ứng vật tư sửa chữa máy trong 10 năm nhưng BV đa khoa Thường Tín không gọi công ty này đến sửa chữa và không báo cáo Sở Y tế mà tự thỏa thuận với một công ty tư nhân bên ngoài để “mượn” máy xét nghiệm. Điều đáng nói, đây lại là máy xét nghiệm không rõ nguồn gốc xuất xứ và công ty cho BV mượn máy cũng chính là công ty cung ứng hóa chất xét nghiệm cho BV (trị giá 1,2 tỷ đồng/năm).
Ngay sau khi phát hiện, Sở Y tế Hà Nội đã phạt BV Thường Tín 30 triệu đồng và hủy máy xét nghiệm không rõ nguồn gốc.
Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện, Sở đã yêu cầu BV và đơn vị cung ứng máy phải phối hợp để sửa chữa những máy hỏng trong thời gian sớm nhất. Còn đối với 4 BV còn lại cũng được ung ứng các máy xét nghiệm này trong gói thầu 04, Sở sẽ tiếp tục kiểm tra trong thời gian tới. Nếu phát hiện sai phạm, Sở sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Cùng ngày 29/7, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đề nghị chỉ đạo Sở Y tế Hà Nội khẩn trương làm rõ vụ việc trên, đồng thời tăng cường công tác thanh kiểm tra hoạt động đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế Hà Nội để đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả, từ đó chấn chỉnh, xử lý nghiêm, kịp thời những hành vi vi phạm quy định pháp luật.
Theo Chinhphu.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo