Pháp luật

Vụ ném đá khiến công an tử vong: Có thể truy tố nhiều tội danh

Hành vi hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng và ném đá làm 2 chiến sĩ công an thương vong của nhóm đối tượng có thể bóc tách để truy tố nhiều tội danh.

Mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Krông Pa (Gia Lai) đã phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp 20 thanh niên trong vụ ném đá, tấn công, khiến Trung úy Nay Plong tử vong, còn Trung úy Nguyễn Thành Trung bị đa chấn thương, dập lá lách.

Hiện trường nơi nhóm đối tượng tấn công làm 2 chiến sỹ công an thương vong.

Tại cơ quan điều tra, bước đầu các đối tượng đã khai nhận do bức xúc trước việc thanh niên thôn Chư Đông kế bên qua thôn Cầu Đôi đập phá đồ đạc, huỷ hoại ba xe máy nên tối 21/10 khoảng 20 thanh niên thôn Cầu Đôi đã mật phục sẵn hai bên đường, chờ người làng bên kia qua chặn đường đánh trả thủ.

Khi thấy trung uý Nay Plong và trung uý Nguyễn Thành Trung - trinh sát hình sự Công an huyện Krông Pa mặc thường phục chạy xe máy đi qua, nhóm thanh niên Cầu Đôi tưởng nhầm là người của làng bên kia nên đã lao ra dùng gậy gộc, gạch đá tấn công khiến trung uý Nay Plong hi sinh tại chỗ.

Trao đổi với PV báo điện tử Người đưa tin, luật gia Dương Lê Ước An, Công ty luật TNHH Việt Kim chia sẻ: “Qua thông tin báo chí nêu có thể thấy đây là vụ việc có tính chất rất nghiêm trọng vì số người tham gia đông, hành vi côn đồ và đặc biệt là đã gây ra cái chết cho một chiến sỹ công an khi đang làm nhiệm vụ”.

Theo luật gia An: “Hành vi của các đối tượng có thể bóc tách để xử lý nhiều tội danh khác nhau. Đối với nhóm đối tượng đập phá xe máy có thể khởi tố về tội danh Hủy hoại tài sản của người khác.

Đối với những người tham gia cuộc hỗn chiến giữa hai làng cần xem xét xử lý trách nhiệm hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng hoặc tội Cố ý gây thương tích”.

 

Riêng đối với những người ném gạch đá, tấn công vào chiến sỹ công an đang trên đường làm nhiệm vụ, luật gia Dương Lên Ước An cho rằng: “Cần phải xác minh, làm rõ động cơ gây án của nhóm này. Việc tưởng nhầm là người làng bên nên mới tân công không làm cho họ thoát được trách nhiệm hình sự. Bởi lẽ họ đã chuẩn bị sẵn hung khí, có tổ chức, sẵn sàng gây sát thương cho người khác. Cơ quan điều tra nên củng cố hồ sơ để khởi tố về tội danh Giết người.”

Điều 93. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết nhiều người;

b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

 

c) Giết trẻ em;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

(...)

Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

 

(...)

Điều 245. Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

(Trích Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009)

Theo Người đưa tin
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo