Vụ ngâm cho “thiu” rồi mới phạt: Gây ảnh hưởng đến niềm tin
Ông Trần Phát Minh và Công ty CP đầu tư tài chính Sài Gòn Á Châu, hai cổ đông lớn của Sacombank, đã bán cổ phiếu STB cách nay nhiều tháng.
Làm ngơ hay bị qua mặt?
Như đã thông tin, ngày 12/6 Sở Giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE) đã công bố về việc hai cổ đông lớn của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (STB), ông Trần Phát Minh và Công ty CP đầu tư tài chính Sài Gòn Á Châu, đã bán một lượng lớn cổ phiếu STB, không còn là cổ đông lớn của Sacombank nhưng đã không công bố thông tin.
Dù HoSE đã không công bố công khai nhưng theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, thông tin về việc bán cổ phiếu STB của hai cổ đông lớn này trong thực tế cũng bị (hay được) ngâm nhiều tháng trước khi được công bố rộng rãi trên thị trường.
Theo quy định tại thông tư 09 hướng dẫn về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán (có hiệu lực đến ngày 31/5/2012), cổ đông lớn phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC), sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) trước ngày thực hiện giao dịch (chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng, cho tặng...) tối thiểu là ba ngày làm việc.
Ngoài ra, cổ đông lớn cũng chỉ được bắt đầu tiến hành phiên giao dịch đầu tiên sau hai mươi bốn (24) giờ kể từ khi có công bố thông tin từ SGDCK.
Trong vòng ba ngày làm việc, kể từ ngày hoàn tất giao dịch, người thực hiện giao dịch phải báo cáo SSC, SGDCK và tổ chức niêm yết về kết quả thực hiện giao dịch. |
Cụ thể, chưa đầy một tháng sau phiên mua thêm STB và trở thành cổ đông lớn của Sacombank (ngày 24-2), đến ngày 21/3 ông Trần Phát Minh đã âm thầm bán hơn 876.000 cổ phiếu STB, giảm tỉ lệ nắm giữ cổ phiếu này xuống còn 4,94%.
Tương tự, ngày 9-5 Công ty CP đầu tư tài chính Sài Gòn Á Châu đã bán 900.000 cổ phiếu STB, làm giảm tỉ lệ nắm giữ cổ phiếu này xuống còn 4,92% sau khi trở thành cổ đông lớn của ngân hàng này vào ngày 1-3.
Như vậy, ông Trần Phát Minh và Công ty CP đầu tư tài chính Sài Gòn Á Châu đã “qua mặt” các cơ quan quản lý không những một lần mà đến hai lần. “Một thị trường được xem là “bậc cao” với các quy trình quản lý chặt chẽ từng giao dịch, nhưng vẫn có những nhà đầu tư có thể “qua mặt” là điều khá bất thường...” - giám đốc môi giới một công ty chứng khoán nói.
Điều bất thường hơn nữa, theo vị này, là chỉ đến khi ông Trần Phát Minh và Công ty CP đầu tư tài chính Sài Gòn Á Châu không còn là cổ đông lớn của Sacombank sau nhiều tháng, đến ngày 8/6 Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) mới công bố quyết định xử phạt hai cổ đông này về việc... không công bố thông tin trở thành cổ đông lớn của ngân hàng này!
Chậm công bố để phạt...nặng?
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo HoSE khẳng định cơ quan này đã làm đúng quy trình. “Sau khi phát hiện các hành vi vi phạm, chúng tôi đối chiếu thông tin để có kết quả chính xác rồi yêu cầu đối tượng vi phạm giải trình trước khi báo cáo lên SSC...” - vị này nói.
Về việc ba cổ đông Sacombank gồm ông Trần Phát Minh, Công ty CP đầu tư tài chính Sài Gòn Á Châu và Công ty đầu tư Sài Gòn Exim che giấu thông tin về việc trở thành cổ đông lớn của ngân hàng này, vị lãnh đạo HoSE cho biết chỉ một tuần sau khi các cổ đông này thực hiện giao dịch, cơ quan này đã báo ngay cho SSC.
Trả lời câu hỏi vì sao HoSE không công bố ngay thông tin như từng thực hiện với hàng loạt trường hợp khác, vị này cho rằng vì đây là những trường hợp sai phạm lớn, HoSE phải báo cáo với SSC để xử phạt... nặng. Tuy nhiên trước đó, trao đổi với chúng tôi, một quan chức SSC cho rằng việc chậm xử lý là do... quy trình, trong đó có khâu báo cáo chậm từ HoSE.
“Vụ mua gom cổ phiếu STB phục vụ mục đích thâu tóm ngân hàng này của một nhóm nhà đầu tư là chuyện lớn, được dư luận rất quan tâm, nên các cơ quan quản lý lẽ ra phải công bố liền chứ không thể viện ra những lý do nào khác để trì hoãn việc công bố thông tin...” - chuyên gia Lê Đạt Chí (Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh ) nói.
Theo ông Chí, đây là câu chuyện không chỉ liên quan đến thị trường chứng khoán, đến niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường này mà còn liên quan đến niềm tin của những người gửi vào ngân hàng này. Trong khi đó, với việc ngâm “thiu” các thông tin sai phạm, bản thân các cơ quan quản lý đã tự làm giảm vai trò của mình, dần dần làm mất niềm tin nơi nhà đầu tư.
“Thị trường chứng khoán được gây dựng và phát triển trên cơ sở niềm tin, đó là niềm tin vào sự minh bạch của thị trường, sự công bằng trong xử lý các sai phạm, bảo vệ quyền lợi của tất cả các nhà đầu tư. Nếu nhà đầu tư không còn niềm tin, họ sẽ rời bỏ thị trường, nếu không muốn trở thành con mồi cho những nhà đầu tư cá mập...” - ông Chí nói.
Ngoài ra, theo ông Chí, chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ không an tâm, họ phải cân nhắc việc niêm yết cổ phiếu do lo ngại trở thành mục tiêu tấn công của những nhóm nhà đầu tư lớn, nhất là khi họ không được bảo vệ bằng các công cụ quản lý.
Theo TT
End of content
Không có tin nào tiếp theo