Xã hội

Vụ ngộ độc thực phẩm cty Star Fashion: Chỉ phát ngôn khi được đồng ý của lãnh đạo huyện?

(DNVN)-“Công ty chỉ phát ngôn khi có sự đồng ý của anh Đông (tức Vũ Văn Đông, phó chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ - PV) hoặc ý kiến chỉ đạo của đồng chí chủ tịch UBND huyện”. Nhân viên hành chính cho biết.

Mập mờ con số ngộ độc thực phẩm?

Trước đó, vào ngày 7.4, đã xảy vụ ngộ độc thực phẩm làm khoảng 130 công nhân  đang làm việc tại Công ty TNHH Star Fashion (Công ty Star Fashion) phải cấp cứu.

Theo thông tin từ lãnh đạo phòng LĐTB-XH huyện Chương Mỹ cho biết, sau bữa ăn trưa 7.4, hàng trăm công nhân Công ty TNHH Star Fashion (ở khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) có dấu hiệu nôn, chóng mặt, đau thắt bụng và đi ngoài nhiều lần. Tính đến sáng ngày 8.4, đã có khoảng 130 công nhân bị ngộ độc phải đi cấp cứu. Trong số khoảng 130 trường hợp này, nhiều công nhân được điều trị tại công ty, còn lại được chuyển tới Bệnh viện đa khoa Chương Mỹ.

 Công ty TNHH Star Fashion nơi hàng trăm công nhân bị ngộ độc thực phẩm

Công ty TNHH Star Fashion là công ty có 100% vốn nước ngoài, ngành nghề là may thời trang. Hiện công ty này có khoảng 2.400 lao động. Công ty TNHH Star Fashion có hợp đồng cung cấp bữa ăn với một công ty bên ngoài và trưa ngày 7.4, công ty này được cung cấp 1.200 suất ăn. “Hiện trung tâm y tế đã lấy mẫu thức ăn hôm 7.4 đưa đi xét nghiệm để làm rõ nguyên nhân dẫn tới ngộ độc”. Lãnh đạo phòng LĐTB-XH cho biết thêm.

Theo nguồn tin của PV cho biết, con số khoảng 130 người bị ngộ độc thực phẩm mà công ty Star Fashion đưa ra là không chính xác và thậm chí có nhiều trường hợp bị ngộ độc thực phẩm là phụ nữ có thai, việc này có ảnh hưởng hay không đến sức khỏe người phụ nữ và thai nhi cũng cần phải được làm rõ.

Chỉ phát ngôn có sự đồng ý của lãnh đạo UBND huyện Chương Mỹ?

Để rộng đường thông tin đến dư luận trong vụ liên quan đến ngộ độc thực phẩm tại công công ty Star Fashion, PV đã đến liên hệ và đặt lịch làm việc với công ty Star… có địa chỉ tại: Lô CN-B4, Khu Công nghiệp Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội.

Có mặt tại cổng công ty Star Fashion, PV đã liên hệ với bảo vệ của cty cũng như đưa ra các giấy tờ chứng minh PV được cơ quan cử đến tìm hiểu thông tin, nhưng khi bảo vệ gọi vào phòng hành chính của công ty và được báo lại là không thể tiếp báo chí với lí do lãnh đạo đi vắng, mặc dù PV đã nói rất rõ là chỉ đến đặt lịch làm việc.

Với mong muốn được đặt lịch làm việc với công ty Star Fashion, PV đã liên hệ trực tiếp qua số điện thoại: 04.63267466 (số lẻ: 1210) và được gặp một người phụ nữ, khi được hỏi về tên thì người phụ nữ này từ chối cung cấp và chỉ cho PV biết là đang làm việc ở phòng hành chính của công ty.

Qua người phụ nữ này, PV đã trao đổi là chỉ đặt lịch làm việc với lãnh đạo công ty chứ chưa cần làm việc ngay nhưng người phụ nữ này nhất quyết không tiếp PV với lý do: “Công ty chỉ phát ngôn khi có sự đồng ý của anh Đông (tức Vũ Văn Đông, phó chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ - PV) hoặc ý kiến chỉ đạo của đồng chí chủ tịch UBND huyện”(!?).

Khi PV đặt câu hỏi: Công ty này thuộc quyền quản lý của UBND huyện Chương Mỹ? Người phụ nữ này đã trả lời là “Đúng”.

Và điều này đã khiến PV không khỏi thắc mắc là tại sao 1 doanh nghiệp tư nhân, có tư cách pháp nhân độc lập lại phải cần tới sự chỉ đạo của UBND huyện Chương Mỹ mới có quyền được phát ngôn? Và có hay không sự khuất tất trong việc này?

Bên cạnh đó, việc PV đến đặt lịch làm việc với quý cơ quan theo đúng quy trình, thủ tục nhưng về phía công ty lại từ chối tiếp PV với lý do sếp đi vắng và không tiếp PV. Và liệu công ty này có vấn đề gì khuất tất?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này./.

 

 Theo Nghị định số 159/2013/NĐ-CP. Điều 9. Vi phạm quy định về cung cấp thông tin cho báo chí và sử dụng thông tin của cơ quan báo chí

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cản trở việc cung cấp thông tin cho báo chí của tổ chức, cá nhân;

b) Không thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định;

c) Thực hiện không đúng các quy định về đăng, phát lời phát biểu của tổ chức, cá nhân có liên quan đến tác phẩm báo chí.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Thể hiện sai ý của người trả lời phỏng vấn trên báo chí hoặc không đúng nội dung thông tin do người phát ngôn của cơ quan hành chính nhà nước cung cấp;

b) Không thực hiện yêu cầu xem lại nội dung trả lời phỏng vấn của người trả lời phỏng vấn trước khi đăng, phát nội dung trả lời phỏng vấn trên báo chí;

c) Làm sai nội dung văn bản kết luận về các vụ, việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi đăng, phát trên báo chí;

d) Sử dụng ý kiến phát biểu không nhằm mục đích trả lời phỏng vấn tại các hội nghị, các cuộc gặp gỡ, các cuộc trao đổi, nói chuyện để chuyển thành bài phỏng vấn khi chưa được sự đồng ý của người phát biểu;

đ) Cung cấp thông tin không trung thực, sai sự thật cho báo chí.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xin lỗi và cải chính nội dung đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này;

b) Buộc xin lỗi và đăng, phát đầy đủ nội dung văn bản kết luận đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều này.

Khôi Nguyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo