Vụ Nhà giáo mất thi đua khen thưởng: Mập mờ lý do kỷ luật?
Trưởng phòng GDĐT ban hành văn bản trái luật?
Như Doanh nghiệp Việt Nam đã phản ánh về sự việc cô giáo Nguyễn Thị H. đang công tác ổn định tại trường THCS Hiến Nam (TP Hưng Yên) bất ngờ bị Phòng Giáo dục “gạt” ra khỏi danh sách thi đua khen thưởng, mặc dù đã được hội đồng nhà trường xét họp, đề xuất và gửi tờ trình lên Phòng GDĐT, UBND Thành phố… mà không có bất kỳ một lý do nào.
Sự mập mờ, bất thường trong vấn đề này khiến nhiều cán bộ, giáo viên nhà trường và chính người trong cuộc thấy bất bình, khó hiểu và đặt ra nhiều nghi vấn có sự “trù dập” vì trước đó cô H. đã có Đơn đề nghị gửi tới UBND TP Hưng Yên để phản đối việc bị điều chuyển công tác sang trường THCS Lam Sơn của Phòng GDĐT TP Hưng Yên, trong khi cô H. đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.
Theo đó, ngày 23/10/2014, ông Nguyễn Trọng Bình – Trưởng phòng GDĐT TP Hưng Yên đã ký Công văn số 588/PGD&ĐT điều động cô Nguyễn Thị H. tăng cường sang dạy môn Hóa tại trường THCS Lam Sơn. Thời điểm này, con cô giáo H. mới được hơn 06 tháng tuổi.
Sau khi nhận được Đơn kiến nghị của cô giáo H. gửi đến UBND TP Hưng Yên, ngày 29/10/2014, ông Bình mới ký Công văn số 617/PGD&ĐT nhất trí về việc thôi làm nhiệm vụ tăng cường giảng dạy tại trường THCS Lam Sơn đối với cô H.
Có hay không việc “trù dập” cán bộ viên chức?
Sau khi bài Doanh nghiệp Việt Nam có đăng tải bài viết “TP Hưng Yên: Nhà giáo mất thi đua khen thưởng chỉ vì khiếu nại công văn điều động?”. Sáng 02/10, ông Nguyễn Trọng Bình phản ánh đến tòa soạn, sau khi có ý kiến phản ánh của cô H. và báo nêu, ông đã làm Báo cáo gửi lên UBND TP. Hưng Yên để tường trình về vụ việc. Theo nội dung ông Bình đưa ra trong báo cáo về việc kỷ luật cô giáo Nguyễn Thị H. là do “phân công chấm bài kiểm tra chất lượng học kỳ II lớp 9 không chính xác”.
Để tìm hiểu thông tin chính xác, khách quan nhất, chúng tôi đã liên hệ làm việc với trường THCS Hiến Nam, nơi cô giáo H. đang công tác, giảng dạy. Trao đổi qua điện thoại, thầy Trương Đức Lượng – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong năm học 2014 – 2015, cô Hoài hoàn thành tốt nhiệm vụ và được hội đồng nhà trường xét thi đua khen thưởng, trường đã lập tờ trình và biên bản gửi lên Phòng GDĐT TP Hưng Yên. Tuy nhiên, sau khi Quyết định công nhận danh hiệu Lao động tiên tiến được ban hành, cô H. lại không có tên trong danh sách, và Phòng GD&ĐT TP. Hưng Yên cũng không đưa ra lý do với trường.
Thêm vào đó, thầy Lượng xác nhận, việc điều động cô H. sang trường THCS Lam Sơn, nhà trường cũng không có ý kiến đề xuất lên.
Về vấn đề cô H. bị kỷ luật với lý do phân công chấm bài kiểm tra chất lượng học kỳ II lớp 9 không chính xác, thầy Lượng cũng tỏ ra hết sức bất ngờ bởi là người lãnh đạo cao nhất, nhiều năm công tác tại trường nhưng thầy Lượng… không biết cô giáo Nguyễn Thị H. bị kỷ luật khi nào; hội đồng kỷ luật nhà trường cũng không ghi nhận hình thức kỷ luật nào tương tự như vậy đối với cô H. trong thời gian vừa qua!?
Bản thân cô H. cũng hết sức hoang mang, bất ngờ khi biết lý do mình bị loại khỏi danh sách thi đua khen thưởng. “Trong năm học vừa qua, tôi luôn hoàn thành tốt công việc, bản thân không bị kỷ luật gì, vậy tại sao Phòng lại “vẽ” ra thêm lý do để cố tình gạt tôi? Hơn nữa, việc đề xuất này được hội đồng nhà trường xem xét, đánh giá rất kỹ lưỡng trước khi đề xuất lên Phòng, nếu tôi bị kỷ luật như ông Bình nói, thì không thể được xét danh hiệu”, cô H. bức xúc.
Cô H. cũng mong muốn vụ việc sớm được nhà trường và các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm trách nhiệm của những người cố tình làm sai trái, mang lại danh dự, uy tín cho cô H. và tập thể cán bộ trường THCS Hiến Nam.
Như vậy, việc Phòng GDĐT TP Hưng Yên ban hành văn bản điều động viên chức đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi là trái quy định của pháp luật, gây bức xúc đối dư luận. Thêm vào đó, việc mập mờ lý do, hình thức kỷ luật khiến dư luận không khỏi đặt nghi vấn có hay không việc “trù dập” cán bộ, viên chức, cố tình “gạt” khỏi danh sách thi đua khen thưởng với lý do “trên trời”?
Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!
Luật Viên chức quy định: Điều 36. Biệt phái viên chức 1. Biệt phái viên chức là việc viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập này được cử đi làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ trong một thời hạn nhất định. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập quyết định việc biệt phái viên chức. 2. Thời hạn cử biệt phái không quá 03 năm, trừ một số ngành, lĩnh vực do Chính phủ quy định.
3. Viên chức được cử biệt phái phải chịu sự phân công công tác và quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi được cử đến. 4. Trong thời gian biệt phái, đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái có trách nhiệm bảo đảm tiền lương và các quyền lợi khác của viên chức. 5. Viên chức được cử biệt phái đến miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ. 6. Hết thời hạn biệt phái, viên chức trở về đơn vị cũ công tác. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái có trách nhiệm tiếp nhận và bố trí việc làm cho viên chức hết thời hạn biệt phái phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức. 7. Không thực hiện biệt phái viên chức nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
|
End of content
Không có tin nào tiếp theo