Xã hội

Vụ nổ ở Văn Phú - Hà Đông: Cho người chồng tù tội về viếng vợ con

(DNVN) - Liên quan tới vụ nổ ở Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội) hôm 19/3 khiến mẹ con chị Đào Thị Soản (Thanh Oai, Hà Nội) thiệt mạng, vì lý do nhân đạo nên nhà chức trách đã cho phép người chồng đang chịu án tù về thắp hương vợ con nhưng anh lại ngất trong tù...

Theo tin tức trên báo Công Lý, sáng ngày 20/3, ngôi nhà của ông Đào Quang Thành (63 tuổi) và bà Nguyễn Thị Phăng (62 tuổi) ở thôn Châu Mai, xã Liên Châu, Thanh Oai, Hà Nội chìm trong không khí buồn thảm, thê lương.

Biết tin chị Đào Thị Soản (31 tuổi) và cháu Đào Thị Quỳnh (7 tuổi) tử nạn trong vụ nổ kinh hoàng ở Hà Đông xảy ra vào chiều ngày 19/3, rất đông người thân bạn bè đã đến gia đình ông Đào Quang Thành để chia sẻ nỗi đau với gia đình.

Đứng trước di ảnh hai mẹ con chị Soản những người đến chia buồn không ai cầm được nước mắt, nỗi đau như thắt lại. Con ngõ vào nhà nạn nhân ngập những vành khăn trắng, xen lẫn tiếng nhạc tiếng khóc bi thương, ai oán.

Cùng một lúc mất đi hai người thân, ông Đào Quang Thành, bố chồng chị Soản cố kìm nén nỗi đau chua xót kể, khoảng 17h30 ngày 19/3, gia đình nhận được tin báo của Công an là hai mẹ con chị Soản bị tai nạn ở khu đô thị Văn Phú Hà Đông.

Gia đình ông Đào Quang Thành đau đớn khi mất đi cả con dâu lẫn cháu nội trong vụ nổ kinh hoàng ở Hà Đông. Ảnh: Báo Phụ Nữ.

Nghe xong tin dữ, ông Thành bàng hoàng, vội vàng thông báo cho anh em trong dòng họ rồi chạy xe máy một mình đến hiện trường vụ tai nạn.

Nhìn thấy con dâu và cháu nội nằm bất động bên vũng máu, người cha già gục ngã đau đớn. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Phăng không chịu nổi cú sốc ngất lên ngất xuống, mỗi khi tỉnh dậy bà lại gào khóc gọi tên con dâu, cháu nội.

Cũng theo lời kể của ông Thành, sau khi làm xong hết các thủ tục tại nhà xác Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, 21h30 phút đêm qua chiếc xe chở linh cữu hai mẹ con chị Soản về. Do phong tục địa phương, nên thi thể hai mẹ con chị Soản không được đưa về nhà mà được đặt tại khu vực gốc đa gần nghĩa trang xã Liên Châu để làm các thủ tục chôn cất.

“Chưa bao giờ gia đình chúng tôi lại tang thương như thế này. Đau, đau lắm chú ơi, cùng một lúc gia đình chúng tôi mất cả con, lẫn cháu. Bố các cháu cũng đi biền biệt không về đưa tang hai mẹ con”, ông Thành ngậm ngùi trước nỗi đau mất con dâu, cháu nội.

Khuôn mặt sạm đen, người cha già khắc khổ tâm sự, vợ chồng chị Soản có hai người con, một trai một gái, cả hai cháu đều đang còn nhỏ, đứa lớn nhất là Đào Quang Tú (SN 2006) đang học lớp 4, và cháu Đào Quỳnh Anh (7 tuổi).

 

Cuối năm 2014, chồng chị Soản là anh Đào Quang Tiến (SN 1982) bị bắt vì tội đánh bạc và sau đó bị xử mức án 24 tháng tù giam và đang thụ án tại Trại giam Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam.

Gia đình chúng tôi đã gọi điện và viết đơn gửi tới lãnh đạo trại giam Ba Sao để xin cho anh Tiến được về để đưa tang vợ con và nhìn mặt vợ con nó lần cuối nhưng không các anh ấy bảo phải xin ý kiến cấp trên.

“Cháu nó chẳng may trót dại, gia đình tôi khẩn cầu lãnh đạo Bộ Công an và Trại giam Ba Sao Kim Bảng sớm giảm án cho cháu được về để chăm sóc các con và phụng dưỡng cha mẹ già”, người cha già cầu khẩn.

Vật vã trước nỗi đau mất con dâu, cháu nội, bà Nguyễn Thị Phăng vừa khóc vừa kể, sáng sớm ngày 19/3, chị Soản đi bán trứng vịt lộn và có đưa cả cháu Quỳnh Anh đi cùng để khám mắt cho cháu. Buổi trưa cháu vẫn gọi điện về báo là vào nhà chị gái ăn cơm, đến chiều về thì gặp nạn.
“Giá như chỉ nhanh hay chậm một phút thôi, các con cháu tôi đã không khổ đến thế”, người mẹ già xót xa.

“Soản là đưa con con dâu rất tốt, ngoan và chịu khó. Chồng nó đi tù, một mình nó chăm sóc cả gia đình. Tháng nào nó cũng đưa con vào thăm chồng và mang tiền vào gửi cho chồng để chồng đỡ phải khổ, sao ông trời nỡ bắt tội con cháu tôi. Vợ chồng tôi đều đã già, các cháu nay còn nhỏ, gia đình chúng tôi mong muốn xin giảm án cho chồng thằng Tiến, (chồng chị Soản) để nó sớm trở về chăm sóc các cháu học hành nên người”, bà Phăng nghẹn ngào nói trong nước mắt.

 

Trao đổi với báo Phụ Nữ TP. HCM về nguyện vọng của gia đình ông Thành về việc xin cho người con trai về đưa tang và nhìn mặt vợ con lần cuối, Luật sư Phạm Công Út, Đoàn Luật sư TP. HCM phân tích: Đánh bạc không phải là loại tội phạm ghê gớm so với các loại tội phạm khác gây nguy hiểm cho xã hội, do đó khi mà gia đình tội phạm có người thân qua đời mà nhất là một lúc 2 người (vợ và con) thì tính nhân đạo vốn có là không phải là người có chức vụ, quyền hạn mà bất kỳ người nào cũng cảm thông với sự bất hạnh cùng lúc ập đến.

Ông Phạm Công Út hướng dẫn: "Nói theo luật thì chẳng có lý do gì gia đình có tang thì được tạm hoãn thi hành án cả, nhưng còn nếu về tình thì hoàn toàn có thể. Điều này cũng còn tùy thuộc vào thái độ thi hành án của người xin được đình chỉ thi hành án".

Ví dụ trong đó họ thường xuyên không lao động, hay gây gổ đánh nhau,.. thì nó thể hiện bản tính thì có khi gặp hoạn nạn người khác có thể không giúp, còn nếu anh Tiến chấp hành tốt thì khi mà anh gặp rủi ro thì người bình thường còn muốn giúp huống hồ người có quyền hạn trong tay, người ta sẽ giúp ngay.

Luật sư Út cho rằng anh Đào Quang Tiến hoàn toàn có cơ hội xin về nhà như theo nguyện vọng.

Thông tin cuối cùng về việc này, ông Nguyễn Ngọc Bằng-Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII), Bộ Công an chia sẻ: "Theo pháp luật thì không được phép, thế nhưng do nhân đạo và theo mong muốn của gia đình nên chúng tôi và Công an Hà Nội đã đồng ý đưa anh ấy về để thắp hương.

 

Tuy nhiên, thông báo cho anh ấy thì anh ấy ngất, vật vã. Vì sức khỏe của anh ấy không đảm bảo như vậy, sợ có vấn đề gì xảy ra, nên chúng tôi đã không đưa anh ấy về nhà".

Khi hỏi về nguyện vọng, mong muốn của gia đình muốn xin giảm án cho phạm nhân Tiến, ông Bằng cho biết thêm: "Cái đấy phải theo pháp luật, chứ chúng tôi không quyết định trả lời ngay được. Những điều kiện nào áp dụng với anh ấy thì chúng tôi sẽ áp dụng hết cỡ thì thôi".

Nên đọc
Hòa Hậu (t/h)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo