Pháp luật

Vụ nổ xưởng thuốc trừ sâu: DN không được cấp phép pha chế hóa chất

Theo lời khai của Giám đốc Huỳnh Văn Hải, 2 ngày trước khi xảy ra vụ nổ, ông Hải mua khoảng 500kg hóa chất để pha chế sản xuất phân bón lá.

Dùng chó nghiệp vụ để tìm các phần thi thể của nạn nhân - Ảnh: Công Nguyên

Đến chiều 18/10, lực lượng chức năng vẫn tiếp tục khám nghiệm hiện trường, tìm kiếm thi thể 2 nạn nhân mất tích trong vụ nổ tại xưởng sản xuất phân bón của Công ty TNHH TM-SX Đặng Huỳnh (số 66/2 Lê Thị Riêng, P.Thới An, Q.12).

Buổi sáng, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cùng Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP, trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và điều tra nguyên nhân vụ nổ.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, Công an TP.HCM đã sử dụng chó nghiệp vụ tìm thi thể 2 nạn nhân bị mất tích là chị Nguyễn Thị Ngọc Thạnh (30 tuổi) và chị Huỳnh Thị Tâm (36 tuổi, cả hai quê H.Cao Lãnh, Đồng Tháp). Trong khi đó, lực lượng cứu hộ tỏa ra trong bán kính 200m xung quanh vụ nổ để nhặt phần thi thể 2 nạn nhân. “Các phần thi thể bay rất xa vào mái nhà xung quanh và dính trên ngọn cây nên công tác tìm kiếm rất khó khăn” - một chiến sĩ cứu hộ nói.

Nghi ngờ hóa chất gây nổ


Theo thông tin công bố trên trang web doanh nghiệp, hoạt động chính của Công ty TNHH SX-DV-TM Đặng Huỳnh là sản xuất và mua bán giống cây trồng, mua bán vật tư nông nghiệp, tư vấn kỹ thuật về cây trồng; sơ chế biến và mua bán nông sản; sản xuất phân bón; dịch vụ vệ sinh nhà cửa; mua bán hóa chất.

Theo lời khai ban đầu của Giám đốc Huỳnh Văn Hải với cơ quan chức năng, hai ngày trước khi xảy ra vụ nổ, ông Hải mua khoảng 500 kg hóa chất để sản xuất phân bón lá, nảy mầm ở chợ Kim Biên (Q.5) và một công ty kinh doanh hóa chất ở gần chợ Bà Điểm (H.Hóc Môn). Hóa chất mua về sau khi pha chế làm phân bón sẽ chiết qua can nhựa nhỏ đóng gói thành phẩm mang đi phân phối. Tuy nhiên, thành phẩm chưa phân phối ra thị trường thì xảy ra nổ.

Trung bình mỗi tháng ông Hải tổ chức sản xuất 2 lần, bán hết đợt hàng trước mới sản xuất tiếp. Thời điểm phát nổ, tại khu vực sản xuất phân bón có 3 công nhân đang làm việc, gồm Nguyễn Thị Ngọc Thạnh, Huỳnh Thị Tâm và Nguyễn Thị Cẩm Tú (cùng ngụ H.Cao Lãnh, Đồng Tháp). Chị Tú bị thương và đã tử vong tại bệnh viện.

Một cán bộ của Cảnh sát PCCC TP.HCM cho rằng: “Vụ nổ nhiều khả năng liên quan đến hóa chất, nhưng cụ thể hóa chất gì thì phải chờ kết quả giám định. Điều đáng nói, việc cơ sở pha chế hóa chất để sản xuất phân bón không được cơ quan chức năng cấp phép theo quy định, không đảm bảo an toàn điều kiện PCCC”. 

Theo PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, trong lĩnh vực phân bón có nhiều loại rất dễ gây ra cháy nổ. Ví dụ như lưu huỳnh dùng để phun cho các loại cây lấy dầu như đậu phộng, đậu nành, hướng dương. Lưu huỳnh là một yếu tố dinh dưỡng cho các cây này và cho nhiều dầu hơn. Người ta cũng dùng lưu huỳnh để phun cho hành, tỏi.

Bên cạnh đó còn có phân nitrat, nhất là nitrat kali. Đây là nguyên liệu chế pháo nên có thể hình dung được chuyện dễ cháy nổ của nitrat. Hiện nay, tuy ít người dùng nhưng người ta vẫn dùng nitrat để phun cho các loại cây ăn trái, nhất là xoài, ra hoa trái vụ. “Trong phân bón, những hóa chất này được cảnh báo phải bảo quản thật cẩn thận. Vì chỉ cần va chạm mạnh, tia lửa điện là có thể gây cháy nổ ngay lập tức”, PGS-TS Hùng nói.

Tập trung khắc phục hậu quả

Theo thống kê của Ban Điều hành KP.5, P.Thới An, xung quanh vụ nổ có 7 căn nhà bị sập và hư hỏng hoàn toàn, 30 căn nhà khác bị ảnh hưởng. Hiện cơ quan chức năng địa phương tiếp tục đến từng nhà người dân bị ảnh hưởng để thống kê thiệt hại. “May là vụ nổ xảy ra lúc 16h, chứ từ 17h30 trở đi thì thiệt hại về người chắc khủng khiếp lắm. Vì lúc đó xung quanh xưởng sản xuất phân bón này có nhiều nhà trọ dành cho công nhân và trẻ em về rất nhiều” - anh Long, Tổ trưởng tổ 8, KP.5, nói.

Có mặt tại hiện trường, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo Công an TP, các sở ngành liên quan, UBND Q.12 tập trung khắc phục hậu quả, khẩn trương điều tra xác định rõ nguyên nhân, tích cực hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng.

Cùng ngày, ông Trần Hữu Trí, Bí thư Quận ủy Q.12, cùng các đoàn thể của quận và P.Thới An đến Bệnh viện Chợ Rẫy thăm hỏi, tặng 19 triệu đồng cho chị Nguyễn Thị Thúy Vân và bé Phạm Nguyễn Thùy Dương (4 tuổi, con gái chị Vân) bị thương đang nằm điều trị tại đây; hỗ trợ gia đình chị Nguyễn Thị Cẩm Tú 17,5 triệu đồng.

Đối với 7 căn nhà bị sập hoàn toàn, quận hỗ trợ bước đầu 40 triệu đồng/căn, những căn nhà bị hư hỏng đang tiến hành giám định thiệt hại cụ thể. Những gia đình hiện không có chỗ ở do nhà cửa bị hư hỏng nặng, UBND P.Thới An tạo điều kiện đưa đến các nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn phường ở tạm. Chi phí ở trọ do phường hỗ trợ.

“Đây là một sự cố nghiêm trọng và đã để lại hậu quả nặng nề. Theo chỉ đạo của TP, các đơn vị chức năng của quận đang nỗ lực hết sức để phối hợp với Công an TP, các sở ngành tập trung khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống cho các gia đình bị ảnh hưởng”, ông Trí nói.

Chính quyền địa phương không biết?

Ông Hoàng Thế Bảo, công tác tại Bệnh viện 175 (có nhà sau lưng xưởng sản xuất phân bón), cho rằng: “Việc công ty chứa nhiều hóa chất để sản xuất phân bón từ rất lâu trong khu dân cư, người dân chúng tôi không ai biết. Nhưng chính quyền địa phương, công an khu vực sẽ biết. Tại sao họ lại để hoạt động thời gian dài rồi gây ra hậu quả đau lòng này?”.

Ông Nguyễn Minh Lộc (có nhà bị sập hoàn toàn), nói: “Tôi về xây nhà kế vách tường xưởng sản xuất công ty này 4 năm rồi mà không hề biết bên trong họ làm gì và chứa gì”./.
 

Thanh niên
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo