Môi trường

Vụ phát hiện cống “bí mật” trong KCN Suối Dầu (Khánh Hòa): Doanh nghiệp đã nhận trách nhiệm

Sau khi phát hiện 2 cống “bí mật” âm trong lòng đất trong KCN Suối Dầu xả nước thải vào kênh thủy lợi N5, chiều 2/10, nhiều người dân tiếp tục kéo đến Ban điều hành KCN “tạo áp lực” để có được cuộc đối thoại với lãnh đạo đơn vị này. Tại đây, Giám đốc Công ty Cổ phần KCN Suối Dầu đã nhận trách nhiệm về một trong trong 2 ống cống "bí mật" nói trên...

Ông Thâm giải thích về sự “lệch” giữa hiện trạng cống và sơ đồ hoàn công.

“Cháy nhà, ra mặt chuột”

Như Báo Tài nguyên và Môi trường đã thông tin, chiều 1/10, người dân xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa (nơi đóng KCN Suối Dầu) đã thuê máy múc vào KCN này để đào tìm và phát hiện 2 đường ống (một đường ống có đường kính khoảng 0,5 mét, đường ống lớn có đường kính 1,2 mét) âm dưới lòng đất, đều dẫn nước bẩn vào kênh thủy lợi N5 của xã Suối Tân, khiến nhiều diện tích đồng lúa bị ảnh hưởng nặng nề trong nhiều năm qua. Tại thời điểm phát hiện, ông Phạm Văn Trọng – Trưởng Phòng tổ chức hành chính, đại diện Công ty Cổ phần KCN Suối Dầu, một mực cho rằng 2 đường ống này       không phải của KCN. Do vậy, ông Nguyễn Hồng Đức – Phó Chủ tịch UBND xã Suối Tân đã cho lấp bít cả 2 đường ống để nước không hợp lưu với kênh thủy lợi N5. Tuy nhiên, đến tối cùng ngày đã xảy ra hiện tượng nước từ các hố ga (gần các họng cống bị lấp) dâng lên làm ngập một đoạn đường chính vào KCN, tràn ra Quốc lộ 1A.

Trưa 2/10, khi thấy phía KCN “tranh thủ” khơi thông dòng chảy nơi bị lấp để thoát úng, nhiều người dân đã ra ngăn cản, rồi kéo lên Ban điều hành KCN, đòi phải đối thoại để giải quyết. Tại cuộc đối thoại với dân (có sự tham dự của lãnh đạo xã Suối Tân, Công an Đồn KCN Suối Dầu, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cam Lâm), ông Hồ Thượng Thâm – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần KCN Suối Dầu, đã thừa nhận đường ống lớn nói trên thuộc hệ thống thoát nước mưa và nước sạch rửa bể cát của KCN. “Chúng tôi nhận sơ suất vì cho đến nay mới phát hiện đường ống thoát nước mưa này lại bị đấu nối với một đường ống khác từ phía ngoài dẫn vào rồi chảy vào kênh thủy lợi N5. “Theo sơ đồ hoàn công công trình thoát nước mà chúng tôi tiếp nhận năm 2001 thì đường ống này không nối với kênh thủy lợi N5 nên trước đây chúng tôi cho rằng không có chuyện nước từ hệ thống thoát nước của mình chảy vào và làm ô nhiễm nguồn nước của kênh thủy lợi. Nhưng hiện tại tôi thấy việc đó là đúng. Tuy nhiên vấn đề nước bị ô nhiễm là do có công ty trong KCN xả lén vào chứ nước của hệ thống này vốn là nước sạch”, ông Thâm giải thích.

Thủ phạm làm ô nhiễm nước thủy lợi bị “khai quật”.

Có việc xả lén nước thải

Ngay trong ngày 1/10, phía KCN Suối Dầu đã kiểm tra và bắt quả tang Công ty Rapexco (chế biến hàng song mây xuất khẩu) trong KCN xả nước thải chưa qua xử ly vào đường ống thoát nước mưa nói trên. Nhưng theo ông Thâm nhận định, còn có những công ty khác nữa trong KCN có hành vi này nhưng chưa phát hiện được. Vì nếu chỉ một công ty Rapexco xả lén nước thải thì tại thời điểm đó, nước của đường ống thoát nước mưa không thể đen đục và hôi tanh đến mức độ như thế. Ông Thâm cũng cho biết thêm, trong KCN có trung tâm xử ly nước thải để xử ly nước thải từ toàn bộ công ty trong KCN, nhưng để tránh phí xử ly, từ trước đến nay một số công ty đã tìm cách xả lén nước thải chưa qua xử ly rất tinh vi. Do vậy, dù KCN cũng đã thành lập tổ môi trường chuyên kiểm tra vấn đề này nhưng hiệu quả phát hiện vẫn chưa cao và tình trạng xả lén nước thải vẫn còn xảy ra. “Chúng tôi lấy làm tiếc về việc có công ty trong KCN xả lén nước thải vào hệ thống thoát nước mưa làm ảnh hưởng tới nguồn nước thủy lợi và môi trường xung quanh. Không những thế, việc này còn làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của công ty chúng tôi”, ông Thâm nói.

Sau khi lấp cống, nước từ các hố ga phun lên tràn ngập đường.

Đã có hướng xử lý

Theo thống nhất của các bên liên quan trong buổi đối thoại nói trên, sáng 3/10 phía KCN sẽ cho đào 2 đường ống mà người dân phát hiện trước đó để có phương án xử ly rốt ráo. Tuy nhiên đến thời điểm đó, ông Thâm cho rằng đường ống nhỏ là để thu nước từ 2 hố ga gần phía trong cổng KCN, có chức năng tiêu nước mưa cục bộ nhưng bị các hộ dân phía ngoài thải nước bẩn vào, rồi chảy vào kênh thủy lợi N5; nó không liên quan đến hệ thống cống thoát nước mưa và nước sạch rửa bể cát của KCN nên không đào đường cống này. Ông Thâm đã cho đào bỏ bớt một đoạn của đường cống lớn và cho biết sẽ bít đường ống này tại vị trí hố ga gần kênh thủy lợi N5 để đấu nối với kênh thủy lợi này. Sau đó phía KCN sẽ cam kết với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng về việc chịu trách nhiệm đối với nguồn nước từ hệ thống của mình khi đổ vào kênh N5.

Theo ông Nguyễn Hồng Đức – Phó Chủ tịch UBND xã Suối Tân, khi phía KCN không nhận trách nhiệm về nguồn nước từ ống cống nhỏ chảy vào kênh N5 nên địa phương đã cho lấp bít đường ống này để tránh ảnh hưởng tới kênh dẫn nước thủy lợi. “Những nghi vấn của chúng tôi cũng như người dân địa phương về việc nước thải ô nhiễm của KCN xả vào kênh thủy lợi N5 trong bao năm qua, cuối cùng cũng đã được làm sáng tỏ. Chúng tôi thống nhất với phương án khắc phục do phía KCN đưa ra, đồng thời cũng mong các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh cụ thể để có cơ sở buộc phía KCN phải có phương án bồi thường thiệt hại cho người dân trong sản xuất nông nghiệp do ảnh hưởng nguồn nước ô nhiễm trong thời gian qua”, ông Đức nói.

Dù phía KCN Suối Dầu đã nhận trách nhiệm về đường ống nói trên, nhưng khi phóng viên hỏi đến vấn đề trách nhiệm đối với những thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp của người dân do đồng ruộng bị ảnh hưởng bởi nguồn nước bẩn từ KCN, ông Thâm đã từ chối trả lời. Riêng về tình trạng xả lén nước thải trong KCN, ông này nói: “Chúng tôi đề nghị lực lượng Cảnh sát môi trường sớm vào cuộc để điều tra và xử ly nghiêm những công ty trong KCN xả lén nước thải”.

Khi lộ thiên sẽ thấy rõ nước thải từ KCN chảy vào kênh thủy lợi.

Chúng tôi đã liên hệ với ông Mai Văn Thắng – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa, nhưng ông Thắng cho biết chưa nhận được thông tin về việc phát hiện 2 đường ống nói trên. Ngoài ra chúng tôi cũng rất ngạc nhiên vì cho đến chiều ngày 3/10, vẫn chưa thấy lực lượng Cảnh sát môi trường của địa phương này xuất hiện tại hiện trường để giải quyết vụ việc.

 

Theo báo TNMT
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo