Xã hội

Vụ sập nhà 4 tầng ở Cửa Bắc: Trách nhiệm thuộc về ai?

(DNVN) - Ngôi nhà số 43 phố Cửa Bắc (Hà Nội) sập xuống đã làm 2 chết người, 3 người bị thương đang thu hút dư luận, vậy ai phải chịu trách nhiệm về sự việc nghiêm trọng này?

Như tin tức Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa, tính tới 11h30 ngày 4/8, đã có hai nạn nhân tử vong trong vụ sập nhà 4 tầng tại 43 Cửa Bắc, Ba Đình, Hà Nội. Trong đó, nạn nhân Nguyễn Văn Thanh đã tử vong vào hồi 7h25 khi đang trên đường cấp cứu. Nạn nhân cuối cùng được tìm thấy vào lúc 11h là chị Nguyễn Thị Hằng đã tử vong trước khi được đưa ra ngoài.

Trước đó, 4 người được đưa đến nơi an toàn gồm: anh Nguyễn Vĩnh Đua, anh Trần Văn Dần, anh Nguyễn Hồng Chiến và anh Nguyễn Văn Thắng. Tại hiện trường, 4 người được giải cứu khỏi đống đổ nát gồm anh Nguyễn Văn Thành, anh Nguyễn Văn Quang, chị Nguyễn Thị Hằng, chị Nguyễn Thị Thoa. 

Nguồn tin từ Công an phường Trúc Bạch cho biết, qua xác minh, chủ ngôi nhà 41 Cửa Bắc là bà Nguyễn Thị Vân. Sau khi bị xử lý vì xây không phép thì bà Vân đã xin phép sửa chữa và có công văn 1123/UBND - QLĐT của Phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình về việc chấp thuận khôi phục nhà cũ. Chủ ngôi nhà 41 Cửa Bắc tiến hành đào móng nên có thể là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến công trình nhà 43 Cửa Bắc.

Với thiệt hại nặng nề về cả người và của trong vụ việc này, câu hỏi “Trách nhiệm thuộc về ai” khiến dư luận đang rất chú ý.

Khung cảnh hoang tàn tại ngôi nhà số 43 Cửa Bắc.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, luật sư Trần Minh Hùng – Công ty Luật Gia đình cho biết, vụ việc này cần xem xét ở nhiều góc độ, đó là cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy cho căn nhà số 41 đã đúng quy định pháp luật chưa? Nhà số 41 đã tiến hành thi công có đúng giấy phép xây dựng, đúng tiêu chuẩn kỹ thuật hay không?

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần xem xét nguyên nhân sập nhà số 43 có phải là do bên nhà số 41 thi công hay là do nhà 43 xuống cấp nặng, không bảo đảm độ an toàn hay không? 

“Nếu việc nhà số 41 xây dựng đúng quy định, theo giấy phép xây dựng, theo tiêu chuẩn xây dựng thì việc truy tố trách nhiệm hình sự theo tôi là không có cơ sở. Lúc này cần phải xem xét cơ quan cấp phép xây dựng đã đúng tiêu chuẩn, quy định hay chưa mà tại sao nhà 41 xây dựng đúng tiêu chuẩn vẫn gây sụp đổ cho nhà số 43” – ông Hùng nói.

Còn ngược lại, theo ông Hùng, nếu nhà số 41 xây sai phép, xây sai tiêu chuẩn, sai kỹ thuật đẫn đến nhà số 43 bị sập thì việc khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" là có cơ sở. Trong quá trình điều tra, tùy hành vi và trách nhiệm cụ thể mà cơ quan điều tra sẽ khởi tố bị can.

Theo ông Hùng, khi xây dựng một công trình dù là lớn hay nhỏ thì công việc khảo sát bao giờ cũng là công việc đầu tiên, khảo sát đúng là tiền đề cho thiết kế chính xác. Thực tế có không ít công trình do vi phạm các quy định về khảo sát nên dẫn đến chất lượng công trình kém, thậm chí bị sụp đổ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

 

Sau khảo sát là khâu thiết kế công trình. Nếu việc thiết kế vi phạm các quy định về thiết kế, gây thiệt hại cho sức khỏe hoặc tính mạng, tài sản của người khác thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về xây dựng.

Tiếp theo khâu thiết kế thì thi công là một khâu vô cùng quan trọng. Nếu thi công không đúng với thiết kế thì công trình cũng không thể đảm bảo; những công trình bị xuống cấp, bị hư hỏng, thậm chí chưa đưa vào sử dụng đã bị đổ, bị sập chủ yếu là do khâu thi công; những người tổ chức thi công hoặc trực tiếp thi công đã bớt vật tư, thiết bị.

Ngoài ra, việc sử dụng máy móc trong khi thi công không đúng quy định, gây hậu quả cũng phải chịu trách nhiệm. Tùy theo hành vi mà chủ đầu tư (chủ nhà) có thể bị xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại theo Bộ luật dân sự hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự. Ngoài trách nhiệm hình sự thì chủ nhà số 41 còn có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường về mặt dân sự theo điều 610 Bộ luật Dân sự 2005 và mục 2 phần II Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP 8/7/2006.

Nên đọc
Hòa Hậu (t/h)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo