Pháp luật

Vụ sữa Danlait: Trắng án cho Quản lý thị trường

Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã bác toàn bộ đơn kiện của Công ty TNHH Mạnh Cầm đối với Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tại buổi tuyên án sơ thẩm

Chiều 27/9, Tòa Hành chính - TAND TP Hà Nội đã tuyên vụ xét xử vụ Công ty TNHH Mạnh Cầm (Công ty Mạnh Cầm) khởi kiện ông Vương Trí Dũng, phó Chi Cục Trưởng Chi Cục quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội.


Theo đó, Hội đồng xét xử đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện cùng các khoản bồi thường của công ty Mạnh Cầm đối với Chi cục QLTT Hà Nội.

Hơn 7 000 lon sữa Danlait tồn kho và nguy cơ vắng bóng thương hiệu này trên thị trường Việt Nam (ảnh: T.Hà)

Liên quan đến nội dung khởi kiện của công ty Mạnh Cầm về quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Hội đồng xét xử cho rằng giấy ủy quyền số 9 mà Chi cục trưởng QLTT Hà Nội ủy quyền cho phó Chi cục trưởng Vương Chí Dũng xử phạt các quyết định vi phạm hành chính do Chi cục trưởng giao đã bao gồm thẩm quyền kí quyết định xử phạt vi phạm hành chính.


Việc Đội trưởng đội 12 quyết định kiểm tra và tạm giữ lô hàng và các chứng từ liên quan được niêm phong có sự chứng kiến của Phó giám đốc công ty là phù hợp với quy định tại điều 46 pháp lệnh xử lí vi phạm hành chính.


Đối với hành vi vi phạm về nhãn phụ đã được quyết định rõ ràng và được ông Đặng Minh Sang – phó giám đốc công ty Mạnh Cầm thừa nhận.


Tranh cãi về hàng của công ty Mạnh Cầm nhập về chưa đưa ra lưu thông trên thị trường nên công ty không vi phạm, Hội đồng xét xử cho là  là không có căn cứ sau khi viện dẫn hàng loạt các văn bản và thực tế


Không những thế, quá trình kiểm tra đội quản lí thị trường số 12 phát hiện các hóa đơn, chứng từ bán hàng của công ty Mạnh Cầm có sự chênh lệch. Giá bán giữa các chứng từ hóa đơn của công ty là không phù hợp. Từ nhận định đó, cơ quan QLTT chuyển số phiếu xuất kho này đến cơ quan thuế để giải quyết là phù hợp với quy đinh.


Về thông tin báo chí làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của sữa Thẩm phán cũng kết luận, thông tin về sản phẩm sữa Danlait không đảm bảo chất lượng không phải do ông Vương Chí Dũng cung cấp trong buổi họp báo.


Trong hàng loạt nội dung khởi kiện khác của công ty Mạnh Cẩm bị bác bỏ, yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại với lí do công ty không bán được hàng cũng được Hội đồng xét xử nhận định không thuộc trách nhiệm của Chi cục QLTT. Do vậy, công ty yêu cầu bồi thường trên 1 tỷ đồng là không có căn cứ.


Ngay sau phiên tòa, luật sư Nguyễn Thị Sinh bảo vệ quyền lợi cho Công ty Mạnh Cầm lên tiếng với báo Doanh nghiệp Việt Nam: “Việc thẩm phán tuyên bản án đó đối với công ty là không có gì lạ. Không thể cho rằng QLTT không có sai phạm! Họ không xem xét đến những yếu tố của doanh nghiệp đã đưa ra trong quá trình tố tụng. Chẳng hạn như họ sử dụng các quyền hoàn toàn không có giá trị pháp lý mà đưa vào trong xử phạt hành chính mà họ cố tình cho nó là đúng .

Nếu như việc này không được làm sáng tỏ  tôi tin là tất cả các doanh nghiệp Việt Nam nói chung chẳng ai dám đi kiện cơ quan nhà nước khi mà họ đã có hành vi sai.


Bản án không công tâm nó sẽ kéo theo những hệ lụy xã hội mà không chỉ có Mạnh Cầm hôm nay. Mạnh Cầm hôm nay không nói là thắng hay thua được. Nói gì thì nói hiện nay công ty đang đứng trước bờ vực phá sản. Vấn đề là làm rõ chân lý!”
 

 Ngày 21/2/2013, Đội Quản lí thị trường 12 (Chi cục Quản lí thị trường Hà Nội) thu hồi 5.600 hộp sữa nhãn hiệu Danlait (Công ty TNHH Mạnh Cầm phân phối) do nghi ngờ sản phẩm này có dấu hiệu vi phạm về chất lượng.
Tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm của Bộ Y tế Việt Nam và Bộ Nông nghiệp – Nông lương và Nông sản Pháp đều xác nhận sữa Danlait do công ty Mạnh Cầm nhập khẩu và phân phối đảm bảo đúng tiêu chuẩn đăng kí trên nhãn mác.

 

Thế nhưng đến ba tháng sau, phía Chi cục Quản lí thị trường Hà Nội mới tiến hành trả lại toàn bộ số sữa đã thu hồi đồng thời ra quyết định sử phạt 15 triệu đồng do ghi sai nhãn hiệu trên hàng hóa. Cụ thể, trên nhãn phụ chỉ ghi là Sữa dê Danlait trong khi tên đăng kí đầy đủ được Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế cấp là “ Thực phẩm bổ sung: Sữa dê Danlait”.

 

Phía công ty Mạnh Cầm cho biết, trong thời gian trên đã có nhiều thông tin thiếu chính xác về chất lượng sữa Danlait, gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng cho công ty Mạnh Cầm và khiến sản phẩm không còn chỗ đứng trên thị trường Việt Nam.

T.Hà
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo