Pháp luật

Vụ sụt lún, mất nước do khai thác quặng tại Thái Nguyên: “Mất bò mới lo làm chuồng”

(DNVN) - Liên quan đến hoạt động khai thác quặng, gây sụt lún, mất nước, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và cuộc sống của hàng trăm hộ dân tại xã Cây Thị và thị trấn trại Cau (Đồng Hỷ, Thái Nguyên), các cơ quan chức năng đã vào cuộc làm rõ trách nhiệm của từng doanh nghiệp và tìm giải pháp khắc phục trước mắt. Tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn chưa hết lo lắng, bất an vì ảnh hưởng vẫn tiếp diễn.

“Mất bò mới lo làm chuồng”

Thông tin tới báo chí, ông Nguyễn Văn Thủy – Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ thừa nhận, có sự việc một số doanh nghiệp khai thác quặng gây ảnh hưởng sụt lún, mất nước sinh hoạt, nước sản xuất tại khu vực tổ 14 thị trấn Trại Cau. Hiện UBND huyện đã họp thống nhất phương án bồi thường, hỗ trợ di dời đối với 06 hộ bị ảnh hưởng nhiều nhất; khuyến cáo bà con sản xuất tránh xa các khu vực sụt lún.

Ban đầu doanh nghiệp chỉ đồng ý bồi thường đất thổ cư và tài sản trên đất, không bồi thường đất nông nghiệp. Sau đó huyện có ý kiến đề nghị phải bồi thường, di dời toàn bộ 06 hộ dân trên, tránh tình trạng tái lấn chiếm nếu người dân vẫn sản xuất tại đó.

Tầng sâu núi quặng tại Mỏ sắt Trại Cau có thiết kế sâu hàng trăm mét, có thể là nguyên nhân chủ yếu gây sụt lún, mất nước.

Đối với các hộ dân khác bị ảnh hưởng ít hơn, ông Thủy cho biết sẽ yêu cầu doanh nghiệp khắc phục dần. UBND huyện Đồng Hỷ cũng đề nghị các cơ quan chuyên môn vào cuộc xác định nguyên nhân, trách nhiệm của từng đơn vị; doanh nghiệp phải tính toán, cân đối việc hỗ trợ, di dời hàng trăm hộ dân đang bị ảnh hưởng, nếu dự án không có hiệu quả khai thác thì đóng cửa mỏ.

Sau khi nhận được đơn thư phản ánh của người dân, Sở TN&MT Thái Nguyên cũng đã làm việc với các Sở, ban ngành và cơ quan chức năng, theo đó xác định nguyên nhân chủ yếu là có liên quan tới mỏ khai thác tầng sâu núi quặng của Mỏ sắt Trại Cau; đồng thời yêu cầu triển khai cắm biển báo nguy hiểm những điểm sụt lún, nguy cơ mất an toàn.

Về việc Mỏ sắt Trại Cau hợp tác với Công ty CP Nhẫn để tuyển rửa quặng từ một số bãi thải nhưng đã gây ra tình trạng ô nhiễm, nước rửa quặng được đổ thẳng ra suối, bãi thải có nguy cơ tràn ra môi trường…, Sở TN&MT Thái nguyên cho biết, sẽ tiến hành kiểm tra, yêu cầu doanh nghiệp xử lý, khắc phục.

Chỉ là giải pháp tình thế

Liên quan tới vụ việc trên, lãnh đạo Công ty CP gang thép Thái Nguyên cũng phải thừa nhận, khai thác sâu như vậy chắc chắn là có ảnh hưởng, và việc di dời đối với 6 hộ dân cũng chỉ là biện pháp giải quyết tình thế trước mắt. Các hộ bị ảnh hưởng còn lại, sớm muộn gì cũng phải giải quyết dứt điểm vì hoạt động khai thác sẽ tiếp tục trong vòng 5-10 năm nữa và độ sâu theo thiết kế còn khoảng 30 mét.

 

Hiện nay Công ty đã đầu tư gần 10 tỷ đồng để tiến hành khoan 02 giếng mới, trong năm tới sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu về nước sinh hoạt cho bà con; đồng thời đề nghị lập quy hoạch xây dựng khu dân cư mới để hỗ trợ, di dời các hộ dân về sinh sống.

Mỏ quặng của Công ty luyện kim đen gây sạt lở, bên cạnh là dòng suối đục ngầu do Công ty CP Nhẫn tuyển rửa quặng từ bãi thải.

Bức xúc về những ảnh hưởng làm đảo lộn cuộc sống, sản xuất kinh doanh của gia đình, bà Trần Thị Xuân (trú tại tổ 14 thị trấn Trại Cau) cho biết, hiện gia đình bà và một số hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm đã tạm dừng chăn nuôi, ước tính thiệt hại hàng tỷ đồng/năm. Chuồng trại nuôi lợn của gia đình bà Xuân bị lún nứt, hầm biogas bị vỡ, nước sinh hoạt không đáp ứng đủ nhu cầu, trong khi nước sản xuất thì không thể sử dụng được do nghi nhiễm dầu mỡ và thuốc nổ.

“Vừa qua địa phương mới giải quyết di dời 06 hộ trong diện đặc biệt nguy hiểm, nhưng còn lại hàng trăm hộ cũng bị ảnh hưởng, thiệt hại. Nếu không có biện pháp hỗ trợ khắc phục và tìm nguồn nước đảm bảo để thay thế thì chúng tôi không thể chăn nuôi, sản xuất được. Như vậy những thiệt hại về mặt kinh tế thì ai sẽ chịu trách nhiệm (!?)”, bà Xuân bày tỏ.

Khoét sâu hàng chục mét ngay sát nhà dân để tìm quặng.

Trước đó, Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa tin phản ánh về việc hàng chục hộ dân tại xã Cây Thị và thị trấn Trại Cau (huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) kêu cứu về việc một số đơn vị khai thác khoáng sản trái phép; sai quy định, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Nhiều hộ dân tại tổ 14, thị trấn Trại Cau đang “sống dở chết dở” với tình trạng đất đai, nhà cửa bị sụt lún. Nhiêm trọng hơn, một số hộ dân hoàn toàn bị mất nước sinh hoạt khiến cho cuộc sống bị đảo lộn; thậm chí nước phục vụ tưới tiêu, sản xuất cũng không đủ.

 

Các cơ quan chức năng và Mỏ sắt Trại Cau đã lên phương án bồi thường, hỗ trợ di dời đối với 06 hộ dân bị ảnh hưởng nhiều nhất, tuy nhiên vẫn còn hàng trăm hộ dân khác bị ảnh hưởng ít nhiều nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng. 

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!

Mạnh Hùng
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo