Pháp luật

Vụ tạm giữ hàng của Công ty Hoàng Phương: Vì sao Công an huyện Đông Anh làm khó doanh nghiệp?

Cho đến nay đã gần 4 tháng trôi qua, Công an huyện Đông Anh vẫn giữ hàng của doanh nghiệp và lại cho rằng thiệt hại này là do doanh nghiệp không hợp tác.

Ngày 8/5, Doanh nghiệp Việt nam đã đăng tải bài viết “Doanh nghiệp “kêu trời” vì bị Công an huyện Đông Anh giữ hàng” phản ánh vụ việc Công an huyện Đông Anh (Hà Nội) kiểm tra môi trường, sau đó lại kiểm tra và tạm giữ sản phẩm của Công ty TNHH Công nghệ Thực phẩm Hoàng Phương. Số lượng hàng hóa tạm giữ trị giá khoảng 800 triệu đồng, nhưng tới nay đã gần 4 tháng trôi qua, Công an huyện Đông Anh chưa giải quyết được vụ việc trên.

Ông Lê Cao Tân - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Thực phẩm Hoàng Phương cho biết, việc Công an Đông Anh tạm giữ hàng hóa quá lâu đã gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.

Bộ Công an đề nghị Công an TP Hà Nội kiểm tra vụ việc
 
Sau khi một số cơ quan báo chí đăng tải vụ việc, ngày 9/5/2014, Đại tá Hoàng Tiến Hiểu – Phó Chánh văn phòng Bộ Công an đã ký văn bản thông báo yêu cầu kiểm tra vụ việc báo nêu, trong đó nói rõ: “Bộ Công an đã có văn bản đề nghị Công an thành phố Hà Nội chỉ đạo kiểm tra, xử lý thông tin trên”.
 
Ông Lê Cao Tân – Giám đốc Công ty Hoàng Phương cho biết, số lượng hàng hóa bị tạm giữ, tính cụ thể là 166.968 lon và chai.
 
“Hiện nay, một phần lớn sản phẩm bị tạm giữ đã quá hạn sử dụng, trong những ngày tới sẽ còn nhiều sản phẩm khác cũng bị hết hạn sử dụng, hậu quả với doanh nghiệp rất lớn. Việc Công an Đông Anh nhất quyết đưa hàng đến nơi khác tạm giữ ngay trước Tết âm lịch mấy ngày đã gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, vì khi sản xuất loại hàng này chúng tôi chờ đợi nhiều vào mùa vụ. Chúng tôi đã trình bày rõ là việc dập sai nhãn mác trên sản phẩm công ty phát hiện trước rồi nên đang đợi khắc phục chứ chưa bán ra thị trường, vậy mà họ vẫn thu đi nơi khác. Sản phẩm có lỗi thì chúng tôi sửa chứ đã bán ra thị trường đâu mà thu giữ?”, ông Tân nói.
 
Ở chiều ngược lại, ông Đỗ Thế Thắng (đội công an Phụ trách xã – Công an huyện Đông Anh) phụ trách kiểm tra việc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường tại Công ty Hoàng Phương lý giải, quá trình kiểm tra, tổ công tác phát hiện Công ty Hoàng Phương  sản xuất 4 loại nước giải khát nhưng không có cam kết bảo vệ môi trường. Công ty sử dụng cam kết bảo vệ môi trường được lập cho doanh nghiệp tư nhân Hoàng Phương từ năm 2008. Từ tháng 8/2010, doanh nghiệp tư nhân Hoàng Phương chuyển thành Công ty TNHH, theo quy định thì phải lập lại cam kết bảo vệ môi trường và đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.
 
Tuy nhiên, ông Lê Cao Tân – Giám đốc Công ty Hoàng Phương đã phản đối quyết liệt giải thích này của ông Đỗ Thế Thắng.
 
Ông Tân nói: “Công an huyện Đông Anh cho rằng chúng tôi phải lập lại bản cam kết bảo vệ môi trường là không đúng. Theo Nghị định 29/2011 của Chính phủ và Thông tư 26/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện Nghị định, chúng tôi không phải lập lại bản cam kết bảo vệ môi trường. Thực chất việc lập lại bản cam kết bảo vệ môi trường không khó khăn gì với công ty, nhưng pháp luật quy định chúng tôi không cần phải làm lại, đó là ưu điểm trong giảm tải thủ tục hành chính”.
 
Giám đốc Công ty Hoàng Phương cũng cho biết: “Doanh nghiệp luôn chủ động nghiêm túc trong vấn đề bảo môi trường, 6 tháng doanh nghiệp lại thực hiện lấy mẫu giám định quan trắc môi trường một lần. Vào tháng 4 vừa qua, Trung tâm công nghệ môi trường - Bộ Tư lệnh Hóa học đã tiến hành lấy mẫu quan trắc môi trường, các chỉ tiêu của công ty đều đánp ứng đầy đủ”.
 
Công an Đông Anh đang đổ lỗi cho doanh nghiệp
 
Trước những phản ánh của Công ty Hoàng Phương về việc thời hạn tạm giữ hàng vượt quá quy định, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Cụ thể, theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) thì trường hợp vụ việc phức tạp thì thời hạn ra quyết định xử lý hành chính tối đa không quá 60 ngày. Nhưng tới nay, Công an huyện Đông Anh tạm giữ hàng hóa của Công ty Hoàng Phương đến nay đã gần 4 tháng mà chưa đưa ra biện pháp xử lý gì, khiến doanh nghiệp tiếp tục chịu thiệt thòi.
 
Công an Đông Anh dùng kho tại cây xăng này để tạm giữ hàng hóa của Công ty Hoàng Phương, đã gần 4 tháng trôi qua chưa giải quyết xong vụ việc, khiến nhiều sản phẩm của doanh nghiệp bị hết hạn sử dụng.
 
Theo ông Đỗ Thế Thắng, khi kiểm tra tạm giữ vào ngày 17/01/2014, trong biên bản đã thông báo ngày 20/01/2014 lấy mẫu để gửi giám định. Vụ việc chậm xử lý là do doanh nghiệp có đơn xin lùi thời hạn giám định chất lượng sản phẩm, và cũng không cung cấp bản đăng ký chất lượng để lấy căn cứ so sánh với kết quả giám định.
 
Tuy nhiên, ông Lê Cao Tân đã phản đối cách xử lý của Công an huyện Đông Anh. Ông Tân bức xúc nói: “Việc lấy mẫu giám định sản phẩm, chúng tôi đề nghị dừng vì Công an huyện Đông Anh làm sai quy trình. Họ gọi đại diện công ty cử người đến cùng lấy mẫu trong kho tạm giữ để đưa đi giám định, trong khi theo quy định thì trước khi lấy mẫu phải có biên bản được lập.
 
Theo quy định, mẫu được chia làm 3: Một mẫu để tại công ty, một mẫu giao cho cơ quan Công an Đông Anh, một mẫu mang đi giám định. Tất cả các mẫu phải được niêm phong. Người đại diện lấy mẫu phải có chứng chỉ được cơ quan có thẩm quyền cấp, đúng theo Thông tư 14/2011 của Bộ Y tế.
 
Tuy nhiên, cách làm việc của Công an huyện Đông Anh quá tắc trách, chỉ lấy một mẫu duy nhất, nên công ty đã phản đối và yêu cầu dừng lấy mẫu. Còn nếu họ tự lấy mẫu đi giám định thì đó là việc riêng của họ, chúng tôi kiên quyết không chấp nhận, vì làm như vậy thì chính họ đã không tôn trọng pháp luật”.
 

Nghị định 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 tại Điều 35 quy định trách nhiệm của chủ dự án sau khi bản cam kết bảo vệ môi trường được đăng ký:


1. Tổ chức thực hiện các biện pháp giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường trong bản cam kết bảo vệ môi trường đã được đăng ký.


2. Dừng hoạt động và báo cáo kịp thời cho Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có dự án để chỉ đạo và phối hợp xử lý trong trường hợp để xảy ra sự cố gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường và sức khỏe cộng đồng trong quá trình thực hiện dự án, sản xuất, kinh doanh.


3. Hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi, cung cấp mọi thông tin cần thiết có liên quan để cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tiến hành các hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh.


4. Lập lại bản cam kết bảo vệ môi trường cho dự án đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong các trường hợp sau đây:


a) Thay đổi địa điểm thực hiện;


b) Không triển khai thực hiện trong thời hạn hai mươi bốn (24) tháng, kể từ ngày bản cam kết bảo vệ môi trường được đăng ký;


c) Thay đổi quy mô, công suất, công nghệ làm gia tăng mức độ tác động xấu đến môi trường hoặc phạm vi chịu tác động do những thay đổi này gây ra.


5. Trường hợp dự án đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thay đổi tính chất hoặc quy mô đến mức tương đương với đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường được quy định tại Phụ lục II Nghị định này, chủ dự án, chủ cơ sở phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường gửi cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 18 Nghị định này để được thẩm định, phê duyệt theo quy định.


Thông tư 26/2011/TT-BTNMT ngày 18/7/2011 hướng dẫn thi hành Nghị định 29, tại Điều 45 quy định “Đối tượng phải lập, đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường; nội dung bản cam kết bảo vệ môi trường” như sau:


1. Đối tượng phải lập, đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường quy định như sau:


a) Đối tượng quy định tại Điều 29 Nghị định số 29/2011/NĐ-CP;


b) Dự án, phương án cải tạo, mở rộng, nâng cấp, nâng công suất của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động đã được đăng ký, xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường hoặc xác nhận bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc phê duyệt, xác nhận đề án bảo vệ môi trường nhưng chưa tới mức lập báo cáo đánh giá tác động môi trường quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Thông tư này.


2. Dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã được đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường nhưng chưa đi vào vận hành phải lập và đăng ký lại bản cam kết bảo vệ môi trường trong các trường hợp sau:


a) Thay đổi địa điểm thực hiện;


b) Không triển khai thực hiện trong thời hạn hai bốn (24) tháng, kể từ ngày bản cam kết bảo vệ môi trường được đăng ký; c) Tăng quy mô, công suất hoặc thay đổi công nghệ làm gia tăng phạm vi gây tác động hoặc làm gia tăng các tác động xấu đến môi trường không do chất thải gây ra hoặc làm gia tăng mức độ phát thải hoặc phát sinh các loại chất thải mới, chất thải có thành phần gây ô nhiễm cao hơn so với dự báo trong bản cam kết bảo vệ môi trường đã được đăng ký nhưng chưa tới mức phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

 
 
PV
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo