Pháp luật

Vụ tạm tha sau 10 năm ngồi tù: Nếu ép cung là trái pháp luật

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Theo quy định của pháp luật, nếu có tình trạng ép cung là trái pháp luật.

 Liên quan đến vụ án oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn (lĩnh án chung thân vì tội giết người) vừa được Viện KSND Tối cao trao quyết định trả tự do sau hơn 10 năm ngồi tù, sáng 5/11, trao đổi với báo chí, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong đường lối xử lý hình sự của Việt Nam, điều rất quan trọng là không được để lọt tội phạm, nhưng cũng kiên quyết không để oan sai cho người dân, đảm bảo chế độ pháp lý, đặc biệt là hình sự; phải văn minh, công bằng, khách quan, đảm bảo quyền và nghĩa vụ cơ bản của nhân dân được luật pháp quy định.

Trả lời câu hỏi về việc trong vụ án này, cán bộ điều tra có biểu hiện ép cung ông Chấn trong thời gian bị tạm giam, Phó Thủ tướng nói: Theo quy định của pháp luật, nếu có tình trạng ép cung là trái pháp luật, cần có biện pháp ngăn chặn có hiệu quả vấn đề này để pháp luật được thực thi ở mọi lúc, mọi nơi, kể cả trong nhà giam, nhà tạm giam.
 
Vỡ oà ngày ông Nguyễn Thanh Chấn - người phải chịu án oan ngồi tù hơn 10 năm đoàn tụ với gia đình  (Ảnh: Dân trí)
 
Tại sao lại đổ lỗi cho đại biểu Quốc hội?
 
Theo đại biểu Dương Trung Quốc, vai trò của luật sư trong những vụ án như thế này rất quan trọng. Luật sư phải được tham gia ngay trong quá trình điều tra, để tránh hiện tượng tiêu cực, nhất là việc những người bị tạm giam phải khai theo hướng của cơ quan điều tra.
 
Khi phóng viên đặt vấn đề, phải chăng suốt 10 năm qua, những lá đơn kêu oan của gia đình ông Chấn không tới được các cơ quan chức năng, hay không được trả lời? Ông Dương Trung Quốc cho biết, theo kinh nghiệm của một đại biểu Quốc hội, cơ quan chức năng có trả lời những lá đơn đó, nhưng phải làm đi làm lại nhiều lần; cũng có những đơn không trả lời, chưa trả lời nhưng vụ án vẫn được đưa ra xét xử.
 
“Không phải cá nhân tôi mà nhiều đại biểu từng tham gia vào những vụ án như thế này và đều không nhận được hồi âm, những bản án vấn tiếp tục được xử”, ông Dương Trung Quốc khẳng định.
 
Về thông tin trả lời báo Tuổi Trẻ, ông chủ tọa phiên tòa xử sơ thẩm vụ ông Nguyễn Thanh Chấn nói: “Tôi quên phiên xét xử đó rồi. Giờ bị cáo bị oan sai thì trách nhiệm là do Quốc hội chứ biết sao được”, ông Dương Trung Quốc cho rằng: Điều này thể hiện việc xét xử vụ án do nhiều lý do khác nhau, kể cả áp lực về khối lượng quá lớn, bởi họ xét xử dựa trên kết quả điều tra của cơ quan công an.
 
Ông Dương Trung Quốc khẳng định: “Nếu nói trách nhiệm của đại biểu Quốc hội thì phải chỉ rõ là của đại biểu nào, đại biểu đó có nhận được đơn và đi đến cùng theo trách nhiệm của họ hay không, không nên đổ lỗi cho nhau như vậy”./.
VOV
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo