Pháp luật

Vụ tàu Sunrise 689: Lời khai mâu thuẫn của thủy thủ đoàn

Hiện có nhiều lời khai mâu thuẫn lẫn nhau giữa các thủy thủ đoàn, cũng như vụ việc tàu Sunrise 689 bị cướp biển tấn công theo khai báo xảy ra trên vùng biển quốc tế, nhưng chưa xác định được vị trí cụ thể… Chiều 15.10, Thiếu tướng Đỗ Minh Dân - GĐ CA tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu - cho biết, đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho Bộ CA điều tra vụ án.

Ống kim tiêm chích và mẩu thuốc lá mà theo thuyền viên là do bọn cướp biển vứt lại trên tàu. Ảnh: Phùng Bắc

Đến nay, những lời khai của thủy thủ tàu Sunrise 689 chưa được làm rõ là có xác thực hay không. Ngoài ra, các mẫu giám định khoa học kỹ thuật hình sự vẫn đang chờ kết quả, như chất lượng dầu chở trên tàu, các mẫu vật khả nghi như mẩu thuốc lá, kim tiêm chích mà cơ quan điều tra thu thập được trên tàu là của ai, có phải là của các thuyền viên hay không (trong khi đó các thủy thủ cho rằng là của bọn cướp biển để lại).

Hiện vị trí tọa độ con tàu bị nạn, theo lời khai của các thủy thủ và thuyền trưởng cũng rất “mơ hồ” là ở vùng biển quốc tế, chưa xác định chính xác tại đâu. Trên con tàu hiện đại này, có trang bị hệ thống báo động bị nạn (nút SOS), nhưng trong bản tường trình của thuyền trưởng Nguyễn Quyết Thắng không đả động đến chuyện này. Tại sao thuyền trưởng Thắng không nhấn nút báo động khi có thời gian, như tường trình là nhìn thấy cướp biển cập mạn tàu và bọn cướp biển trèo lên tàu Sunrise 689?

Máy trưởng (lái tàu) Lương Đại Thành nói với phóng viên Báo Lao Động, bọn cướp biển rất hung hăng, đe dọa giết nếu bất cứ ai kháng cự, nhưng tường trình của thuyền trưởng Nguyễn Quyết Thắng khoảng “2h sáng 6.10, lấy xong hàng, bọn cướp biển muốn chuyển tàu đi chỗ khác để tiếp tục cướp hàng thì thuyền trưởng (tức ông Thắng viết về chính mình - PV) chỉ đạo anh em thuyền viên chống đối kháng cự lại quyết liệt sau đó bọn cướp rút đi và tàu giành lại quyền kiểm soát…”.

Phần tường trình về sự “chống cự quyết liệt” của thuyền trưởng Thắng cũng không rõ ràng, trong khi cướp có súng, dao và rất hung tợn và đang ở vị thế kiểm soát, khống chế. Còn lời khai của các thuyền viên, cướp biển rất chuyên nghiệp, hung hăng, trang vũ khí… đe dọa giết bất cứ ai kháng cự, đến mức ông Thành lái tàu cho biết: “Tôi chỉ biết cầu nguyện…”.

Chưa hết, trong bản tường trình của thuyền trưởng Thắng, bọn cướp khống chế thuyền trưởng, dồn tất cả mọi người (tức 18 thủy thủ) vào một phòng, nhưng thuyền trưởng lại viết rằng, chúng khống chế thuyền trưởng và thuyền viên dồn vào một phòng, nhưng lại chỉ trói thuyền viên, không nhắc đến việc mình có bị trói hay không (!?). Với khá nhiều tình tiết mâu thuẫn nêu trên, hiện đang chờ Bộ Công an vào cuộc điều tra làm rõ.

Theo đại tá Trần Công Hiểu - Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - đây là một vụ cướp biển, nhưng sự thật thế nào thì cần điều tra làm rõ, có kết luận mới nói chính xác là bị cướp thế nào. Về lời khai của các thủy thủ, cũng như thuyền trưởng, có nhiều nghi vấn và mâu thuẫn, chưa thống nhất, cũng có thể là do tâm lý hoảng sợ sau vụ cướp? Do vậy, chiều 15.10, sau cuộc họp quan trọng giữa Bộ Công an và CA tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đi đến quyết định Bộ Công an sẽ chủ trì điều tra vụ tàu Sunrise 689 để làm rõ vụ án.

Lao Động
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo