Vụ "Thẩm mỹ viện Cát Tường": “Việc tìm thi thể chị Huyền phải nhờ mối duyên với nhà ngoại cảm”
Từ sau vụ việc tại thẩm mỹ viện Cát Tường, một số người tự xưng là nhà ngoại cảm “ra tay giúp đỡ tìm thi thể chị Lê Thị Thanh Huyền nhưng không thành, hàng loạt các vụ việc vạch trần các nhà ngoại cảm “rởm” đã được đưa ra ánh sáng. Là người có nhiều năm nghiên cứu về các nhà ngoại cảm, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người - đã bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này.
Nhà ngoại cảm “rởm” với cái tên “cậu Thủy” là nhân vật được dư luận những ngày gần đây lên án mạnh mẽ. Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải bày tỏ: “Tôi không biết người tên cậu Thủy đó có khả năng đến đâu hoặc có thể anh ta có một ít khả năng ngoại cảm, nhưng khi một mẫu tìm được lên tới 75 triệu với sự phối hợp của một cơ quan ngân hàng và hàng trăm mẫu đã được tiêu thụ thì dư luận đặt câu hỏi liệu có sự ăn chia trong vấn đề này?”
Theo ông Hải, hiện nay có quá nhiều thứ bị làm giả: sữa giả kém chất lượng, bằng cấp giả, bằng lái xe giả, phiếu xét nghiệm giả…Tất cả cũng chỉ vì đồng tiền, vì lợi nhuận. Vì vậy, trong việc tìm hài cốt liệt sĩ, nếu lợi dụng được thì cũng có thể bị làm giả.
Ông khẳng định quan điểm: “Ngay các nhà ngoại cảm thật mà lấy nhiều tiền quá cũng bị phê phán. Nếu mượn danh ngoại cảm để làm “rởm” thì phải bị trừng phạt theo pháp luật vì anh đã lừa đảo để lấy tiền.”
Ông cho biết thêm, những nhà ngoại cảm đã được Viện nghiên cứu, dù có khả năng thật nhưng lấy tiền cao cũng có thể bị loại khỏi danh sách và Viện cũng đã từng nhắc nhở một vài trường hợp như vậy.
Đề cập đến vụ việc thẩm mỹ viện Cát Tường có một số nhân vật “tự xưng” có khả năng ngoại cảm để giúp tìm thi thể chị Huyền, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải phân tích: “Một người muốn chỉ dẫn được phải có duyên số với người đã mất, không phải cứ gọi hồn là nhập được. Bên cạnh đó, không thể kết luận ngoại cảm có thể đúng 100%.
Một ca sĩ có thể hát rất hay nhưng trong gia đình đang có chuyện bối rối tự nhiên chất lượng bài hát cũng kém đi. Cũng như các nhà ngoại cảm trong tình trạng sức khỏe không tốt, điều kiện môi trường không tốt thì không phải lúc nào cũng làm tốt được.”
Ông lấy ví dụ về cô đồng Sinh ở Hải Dương, có những người vừa đến cửa linh hồn đã đi theo và cô Sinh đã gọi ai tên gì, vong của nhà ai đã vào rồi, nhưng có người chờ 5, 10 ngày thậm chí nửa tháng vong không về. Điều đó chứng tỏ, không phải lúc nào muốn gọi hồn cũng được.
Ông Hải cho rằng, trường hợp chị Lê Thị Thanh Huyền bị vứt xác xuống sông cũng phải có mối duyên với nhà ngoại cảm nào đó thì mới chỉ ra được. Nếu số phận chị là mất không thể tìm được xác thì rất khó có hi vọng.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, với việc tìm thi thể của chị Huyền, dư luận đang đặt ra 2 trường hợp, hoặc các nhà ngoại cảm vô cảm, không biết xúc động trước nỗi đau của gia đình, hoặc họ bất tài và theo ông, quan điểm như vậy là chưa đúng.
Ông phân tích: “Như tôi đã nói, đó là cái duyên. Những nhà ngoại cảm như cô Bích Hằng hay cô Vũ Thị Hòa đã được Viện nghiên cứu, đang trong trạng thái bị điều tra. Trong tâm trạng như vậy, họ không thể tham gia được. Còn các trường hợp khác, họ nói “các Vị” (Thần linh) báo “đó là việc không liên quan đến con”. Như vậy, bản thân họ có ý nghĩ giúp nhưng không được giúp.”
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải cho rằng, các nhà ngoại cảm giờ đang bị “nhiễu”, vận mệnh của ngoại cảm đang bị lẫn lộn trắng đen nhưng cũng là cái tốt để có sự thanh lọc. Đó là sự nhắc nhở các nhà nghiên cứu phải thận trọng hơn và các nhà ngoại cảm phải cẩn thận hơn để không bị phê phán.
Để loại trừ các nhà ngoại cảm “rởm”, ông Hải bày tỏ, trước hết cần có tấm lòng tha thiết của con cháu đối với việc đi tìm, nếu chỉ là được chăng hay chớ thì rất khó thành công. Bên cạnh đó, cần đầu tư hơn nữa cho công tác nghiên cứu, thực nghiệm của Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người nói riêng và các tổ chức nghiên cứu về lĩnh vực ngoại cảm nói chung.
Ông Hải cho biết, hiện nay, Viện chỉ là một tổ chức hoạt động tự nguyện, chưa có kinh phí, nhân sự cũng rất hạn chế. Lĩnh vực ngoại cảm như “một đứa trẻ mới sinh” cần phải nuôi nấng. Vì thế cần sự quan tâm và tạo điều kiện của các cấp, các ngành để phát triển công tác thực nghiệm và mang đến cho nhân dân những địa chỉ tin cậy.
Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo