Xã hội

Vụ tin tặc tấn công sân bay Việt Nam: Cần phải lên án và nghiêm trị

(DNVN) - Liên quan đến vụ tin tặc tấn công 2 sân bay lớn nhất của Việt Nam, đại diện Bộ Ngoại giao cho biết, mọi hành động tấn công mạng cũng như mọi hành động tin tặc cần phải bị lên án và nghiêm trị.

Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 4/8, liên quan đến vụ việc hacker được cho là của Trung Quốc đã tấn công hệ thống thông tin và website một số hãng hàng không của Việt Nam ở sân bay Nội Bài và sân bay Tây Sơn Nhất, để lại những thông tin về tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa, Người phát ngôn khẳng định: “Mọi hành động tấn công mạng cũng như mọi hành động tin tặc cần phải bị lên án và nghiêm trị.

Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã kịp thời triển khai các biện pháp cần thiết để bảo đảm an ninh, an toàn và hoạt động bình thường tại các sân bay. Các cơ quan an ninh mạng của Việt Nam cũng đã vào cuộc điều tra vụ việc. Các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Ngoại giao Việt Nam mong muốn và sẵn sàng hợp tác quốc tế chặt chẽ trong việc phòng chống các hành vi tin tặc dưới mọi hình thức".

Trước đó, tại buổi họp báo Chính phủ vào chiều 2/8, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cũng đã thông tin về sự việc này.

Ảnh minh họa.

Theo đó, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, vụ hacker xảy ra vào 16h00 ngày 29/7 và trước thời điểm bị tấn công khoảng 2 giờ, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT - Bộ TT&TT) đã gửi cảnh báo và sau khi sự cố xảy ra các đơn vị của Bộ TT&TT, Trung tâm VNCERT, Vụ An toàn thông tin đã trực tiếp cử cán bộ kỹ thuật có mặt tại hiện trường tham gia cùng Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam, Cục An ninh mạng (Bộ Công an) và các tổ chức, doanh nghiệp khác xử lý khẩn cấp để khắc phục kịp thời sự cố. Đến chiều 1/8 tất cả máy tính ở sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất đã hoạt động lại bình thường.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã ban hành kịp thời các văn bản gửi tất cả các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, tổng công ty lớn tăng cường kiểm tra, giám sát, rà soát bảo đảm an toàn thông tin và VNCERT cũng ban hành 2 văn bản hướng dẫn kĩ thuật cụ thể.

Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền Thông nhấn mạnh, sự cố này cho thấy ta cần tăng cường các biện pháp để bảo đảm an toàn thông tin. Đảng, Chính phủ mà trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản chỉ đạo, chủ trương về chính sách, kế hoạch, đề án cụ thể. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 898/QĐ-TTg ngày 27/5/2016 (Đề án 898) phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin trong giai đoạn 2016-2020 và các cơ quan, tổ chức khi triển khai cần kết hợp hài hòa giữa việc đầu tư trang thiết bị xây dựng và ban hành các quy trình quản lý, vận hành, tập huấn, diễn tập, khôi phục sau khi có sự cố xảy ra.

Trong môi trường mạng phát triển như thế này, chúng ta không chắc chắn rằng những cuộc tấn công như thế còn diễn ra nữa hay không và không ai trong chúng ta có thể ngăn chặn triệt để được các cuộc tấn công này. "Tôi nhấn mạnh “triệt để mọi cuộc tấn công”. Trong tương lai, các mối nguy cơ tiềm ẩn như thế này ngày càng cao và liên quan đến nhiều nguyên nhân phức tạp khác, vì vậy không có sự an toàn tuyệt đối nên chúng ta càng phải nâng cao cảnh giác, phải đầu tư cả con người, cả kỹ thuật để bảo đảm an toàn thông tin", ông Tuấn nói.

Ngoài ra, theo ông Tuấn, về việc thông điệp hacker đưa ra mang màu sắc chính trị. Đây là thông điệp từ nhóm hacker tự xưng là 1937CN đến từ Trung Quốc. Về nguyên tắc, ta phải tìm ra thủ phạm với đầy đủ bằng chứng buộc tội và ngay trên diễn đàn của mình nhóm hacker này cũng lên tiếng bác bỏ những cáo buộc về vụ tấn công. Như vậy, để đưa ra kết luận cuối cùng về nguồn gốc của cuộc tấn công này, cần phải có sự điều tra kỹ lưỡng về mặt kỹ thuật. Trong khi các cơ quan, đơn vị chức năng đang tìm kiếm thủ phạm, làm rõ nguyên nhân, chúng ta cần bình tĩnh, thận trọng, tránh suy diễn.

 

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo