Xã hội

Vụ "tra tấn" trẻ mầm non: Phải xem xét trách nhiệm của địa phương

"Rõ ràng nhà trẻ tư thục này nằm ở địa bàn phường Hiệp Bình Phước thì chính quyền phường này phải có phần trách nhiệm".

TS Trịnh Ngọc Thạch - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, Thanh thiên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết. 

Sau khi clip các bảo mẫu ở nhà trẻ tư thục Phương Anh thuộc địa bàn phường Hiệp Bình Phước, Q. Thủ Đức (TP. HCM) thẳng tay đánh trẻ bằng những cái tát thẳng vào mặt, dúi đầu các bé xuống đất… được đăng tải, hàng nghìn độc giả đã bày tỏ sự phẫn nộ với hai người phụ nữ liên tiếp tát vào mặt, ấn đầu trẻ xuống đất. PV Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS Trịnh Ngọc Thạch – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, Thanh thiên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
 
TS Trịnh Ngọc Thạch - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, Thanh nhiên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
 
PV: Ông có suy nghĩ gì khi xem clip các bảo mẫu “tra tấn” các em bé tại Nhà trẻ tư thục Phương Anh?
 
TS Trịnh Ngọc Thạch: Đây là những hành vi không thể chấp nhận được, một lối hành xử vô nhân tính không có bất cứ một lý do nào để lý giải cho hành vi vô văn hóa, phản giáo dục như vậy. Tôi được biết, họ mở nhà trẻ này kinh doanh trái phép, như vậy trong câu chuyện này có phần trách nhiệm của chính quyền địa phương. Nếu so sánh thì cũng như vụ việc từng xảy ra ở trung tâm thẩm mỹ Cát Tường, hoạt động không giấy phép mà vẫn tồn tại được liên tục nhiều tháng liền, rốt cuộc chỉ là rút kinh nghiệm chứ chẳng xử lý được trách nhiệm cụ thể với cá nhân nào, như vậy là không thể chấp nhận được.
 
PV: Thưa ông, đã có nhiều vụ việc các cháu bé bị hành hạ ở các nhà trẻ, tuy nhiên mới chỉ xử lý được trách nhiệm với từng cá nhân cụ thể trong vụ việc này, còn với cơ quan quản lý nhà nước thì chỉ “rút kinh nghiệm”. Cách xử lý như vậy không gắn được trách nhiệm cụ thể với từng địa phương, thưa ông?
 
TS Trịnh Ngọc Thạch: Rõ ràng nhà trẻ tư thục này nằm ở địa bàn phường Hiệp Bình Phước thì chính quyền phường này phải có phần trách nhiệm, xử lý cụ thể tới từng cá nhân thế nào thì phải rất rõ ràng, còn nếu cứ rút kinh nghiệm chung chung thì rất khó ngăn chặn những vụ việc tương tự. Không riêng với vụ việc này mà với nhiều việc khác ở các lĩnh vực khác cũng vậy thôi, nếu không gắn trách nhiệm với từng cá nhân của các cơ quan quản lý nhà nước thì sẽ “hòa cả làng”, mà trong một xã hội pháp quyền thì chúng ta không thể chấp nhận chuyện này.
 
Chúng ta có thể thấy ở nhiều quốc gia trên thế giới, một vị Thủ tướng, Bộ trưởng hay người đứng đầu một thành phố có thể phải từ chức trước mỗi sự việc rất cụ thể, nhưng ở ta mà bàn chuyện này thì khó hơn lên trời. Chúng ta luôn nói giáo dục là quốc sách, giáo dục phải được ưu tiên trong tiến trình đổi mới đất nước mà những sự việc đau lòng thế này vẫn cứ xảy ra đều đều thì không thể chấp nhận được. Suy cho cùng đây là lỗi quản lý nhà nước, chứ không thể đổ cho người dân.
 
Bảo mẫu này nhẫn tâm tát em bé (trong ảnh) 28 cái liền vào mặt, vào người. Ảnh cắt từ clip.
 
PV: Theo ông, việc các bảo mẫu đánh trẻ thậm tệ như vậy có làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm hồn trẻ, ảnh hưởng tới sự phát triển nhân cách của trẻ?
 
TS Trịnh Ngọc Thạch: Trẻ con cũng như những cây non, phải uống nắn từ nhỏ, phải nuôi dưỡng tâm hồn từng ngày thì sẽ tạo nên những nhân cách tốt. Mỗi ngày những đứa bé này phải sống cùng những cô bảo mẫu kia ít nhất 8 giờ đồng hồ, việc tiếp xúc có khi còn nhiều hơn cả bố mẹ đẻ, do đó những hành vi đánh, tát, dọa dẫm trẻ… là rất nguy hiểm. Tôi nghĩ những người coi trẻ không nhận thức được hành vi của họ lặp đi lặp lại liên tục như vậy sẽ tạo nên những “vết sẹo” hằn sâu trong tâm hồn trẻ. Và từ đó, trẻ có thể phải chịu đựng áp lực, lo lắng sợ hãi mỗi khi đến lớp, nếu nặng có thể bị trầm cảm, sốc tâm lý… mà hậu quả sẽ rất đáng tiếc.
 
PV: Ông có lời khuyên gì với các gia đình có trẻ nhỏ trước sự việc này?
 
TS Trịnh Ngọc Thạch: Vụ việc này một lần nữa cảnh báo cho nhiều gia đình phải hết sức thận trọng khi gửi con vào các cơ sở mầm non tư thục, dù biết rằng đây là chuyện khá khó khăn với nhiều gia đình lao động. Các gia đình có thể yêu cầu các cơ sở mầm non lắp đặt camera để có thể nhìn thấy con bất cứ khi nào qua điện thoại hoặc máy tính. Tôi nghĩ đã đến lúc cơ quan quản lý ở địa phương cũng phải kiểm soát chặt chẽ hơn bằng cách bắt buộc các cơ sở mầm non lắp camera để quản lý.

Trân trọng cảm ơn ông!
Giáo Dục Việt Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo