Phân tích

Vụ xăng dầu móc túi dân ngàn tỷ: Bộ nào "dám" đứng ra chịu trách nhiệm !

(DNVN) - Liên quan đến câu chuyện Bộ Công Thương-Tài chính 'đùn' trách nhiệm cho nhau vụ doanh nghiệp xăng dầu 'móc túi' dân ngàn tỷ vì có kẽ hở quản lý thuế, một vị Đại biểu Quốc hội cho rằng "nếu hai Bộ thực hiện nghiêm túc và đầy đủ trách nhiệm của mình thì sẽ không có ách tắc nào, không còn sự trì trệ, chờ đợi và đổ lỗi qua lại cho nhau như hiện nay".

Bộ thấy sai và... đã sửa

Trước khi bàn đến câu chuyện Bộ Tài chính và Bộ Công Thương 'đổ lỗi' cho nhau, chúng ta cần điểm lại nhiều vấn đề. Theo đó, sau khi dư luận phản ánh việc người tiêu dùng hàng ngày đang bị các doanh nghiệp xăng dầu đang dùng chính thứ họ kinh doanh là xăng dầu làm 'phương tiện móc túi' hàng tỷ đồng thì cả 2 Bộ Tài Chính - Công Thương đều lên tiếng trần tình.

Cụ thể, trong bản thông báo ngày 14/3 gửi cho báo chí, Bộ Công Thương cho biết, theo điểm b Khoản 2 Điều 40 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Bộ Tài chính được giao thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giá; chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở làm căn cứ điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước... có lẽ với cách giải thích này, Bộ Công Thương liệu đang muốn "nhắn nhủ" tới người tiêu dùng rằng họ không có trách nhiệm trong vấn đề này.

Cũng trong thông cáo đó, Bộ Công Thương cũng cho biết Bộ này đã và đang tiếp tục đề nghị và phối hợp với Bộ Tài chính sớm có giải pháp tài chính tổng thể xử lý hài hòa việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo lộ trình của các FTA theo cam kết hội nhập quốc tế trên cơ sở bảo đảm lợi ích của Nhà nước; các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất xăng dầu và các đối tượng tiêu dùng.

Đừng đổ lỗi cho nhau, thay vào đó hãy đặt tinh thần trách nhiệm lên trước, đặc biệt là mối quan tâm đến lợi ích của người dân.

Đối với Bộ Tài chính, trong thông cáo gửi báo chí gửi tới báo chí ngày 15/3 để 'trần tình' vụ việc, Bộ này đã thừa nhận có chuyện chênh lệch thuế nhập khẩu xăng dầu và cho biết đang nghiên cứu để điều tiết, khắc phục chênh lệch trong giá cơ sở (nếu áp dụng các mức thuế khác nhau)...

Lời hứa khắc phục ngay lập tức được thực hiện khi mà chỉ 3 ngày hôm sau Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 48/2016/TT-BTC về việc sửa đổi biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng dầu. Theo thông tư 48, kể từ ngày 18/3, Bộ Tài chính quyết định thay đổi  mức thuế nhập khẩu ưu đãi với một số mặt hàng xăng, dầu được như sau: Xăng khoáng và xăng sinh học là 20%; dầu diezel và dầu diezel sinh học là 7%; dầu madút là 7%; dầu hỏa là 7% và mặt hàng xăng máy bay và nhiêu liệu động cơ máy bay là 7%.

Theo đánh giá của dư luận, việc ban hành Thông tư sửa đổi biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng dầu đã cho thấy Bộ Tài chính đã nhận sai về mình và đang sửa sai để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp xăng dầu và người tiêu dùng.

Bản thân Bộ Tài chính cũng thừa nhận rằng trước thực tế mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) cao hơn mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt tại một số FTA, thì việc thuế nhập khẩu tính trong giá cơ sở điều hành giá bán lẻ xăng dầu tính theo mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) là không còn phù hợp.

Vì vậy, để khắc phục sự chưa hợp lý này, cùng với việc điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng với phương án xác định mức thuế nhập khẩu tính trong giá cơ sở điều hành giá bán lẻ xăng dầu theo mức bình quân gia quyền của các Biểu thuế (MFN và FTA), tỷ trọng xăng dầu nhập khẩu từ các nước ký Biểu thuế FTA được xác định theo quý (dùng số liệu của quý trước để tính cho quý sau) do Tổng cục Hải quan tổng hợp, xác định qua hệ thống hải quan điện tử.

 

Nhưng trách nhiệm thì "đùn" cho nhau

Những tưởng câu chuyện đang dần khép lại và vấn đề thắc mắc còn lại là việc truy thu số tiền 'đóng oan' của người dân cho doanh nghiệp sẽ được như thế nào thì trong cuộc trả lời với báo chí mới đây, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) sau khi được phóng viên hỏi trách nhiệm của việc chậm đưa ra mức thuế xuất nhập khẩu mới (từ MFN sang bình quân gia quyền) làm căn cứ tính giá cơ sở để điều hành giá xăng dầu trong nước đã phát biểu "Bộ Công Thương mới là Bộ được giao chủ trì quyết định".

Nhận được thông tin này sau khi báo chí đăng tải, ngày 23/3, đại diện Bộ Công Thương ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước đã ký văn bản gửi Bộ Tài chính nhấn mạnh đại diện Bộ Tài chính chưa hiểu đúng về chức năng phối hợp xây dựng chính sách và điều hành giá xăng dầu.

Tại văn bản, đại diện Bộ Công thương khẳng định, "Bộ Tài chính mới là nơi chịu chủ trì quyết định mức thuế nhập khẩu mới để tính giá cơ sở điều hành xăng dầu". Đồng thời cũng cho rằng, phát biểu của Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Phạm Đình Thi liên quan tới điều hành thuế xăng dầu thuộc trách nhiệm và do Bộ Công thương chủ trì quyết định là không đúng.

“Phát biểu của ông Phạm Đình Thi là chưa hiểu đúng chức năng, nhiệm vụ của hai Bộ và quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ (ban hành năm 2014) trong việc chủ trì, phối hợp xây dựng chính sách về thuế suất thuế nhập khẩu và điều hành xăng dầu”, văn bản của Bộ Công thương khẳng định.

 

Để dẫn giải cho lập luận của mình, công văn của Bộ Công Thương cũng trích lục lại Điều 36 và điểm b, Khoản 2 Điều 40 - những quy định cụ thể của Nghị định 83 về quản lý mặt hàng xăng dầu, cho thấy trách nhiệm chính trong điều hành thuế xăng dầu là thuộc về Bộ Tài chính, chứ không phải Bộ Công Thương. 

Cụ thể theo các điều khoản này, “Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu ổn định với từng chủng loại xăng dầu” và: “Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở (với các mặt hàng xăng dầu)”.

Đối với trách nhiệm của mình, công văn của Bộ Công Thương cũng chỉ rõ điểm đ, Khoản1, Điều 40 của Nghị định 43 thì Bộ này là đơn vị chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá bán các mặt hàng xăng dầu" theo điểm đ, Khoản 1, Điều 40 của Nghị định 83. “Bộ Công thương đã tuân thủ theo đúng chức năng, nhiệm vụ của Bộ và quy định của Nghị định số 83/NĐ-CP”, văn bản do Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Võ Văn Quyền ký nhấn mạnh. 

Về phía Bộ Tài chính, sau khi Bộ Công thương phản ứng, đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng đã có chỉ đạo các đơn vị liên quan để làm rõ hơn sự việc và sớm thông tin với báo chí.

Cần có 'người thứ 3' đứng ra làm trọng tài

 

Theo nhìn nhận của các vị chuyên gia, rõ ràng dư luận không quan tâm đến việc 2 Bộ Tài chính-Công Thương đổ lỗi cho nhau, cũng như kết quả ai thắng ai thua trong vụ việc này mà vấn đề là được dư luận chờ đợi ở đây là ai sẽ là người chịu trách nhiệm trong việc người tiêu dùng bị móc túi hàng nghìn tỷ đồng chênh lệch thuế xăng dầu, và việc các nhà quản lý sẽ làm gì với số tiền mà người dân đã 'đóng oan' đó.

Về vấn đề này, trả lời trên báo Bizlive, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn ĐBQH TP. HCM) cho rằng trong quản lý nhà nước có những lĩnh vực chỉ một bộ là giải quyết được mà giao cho 2,3 bộ quản lý thì không hợp lý. Nhưng cũng có những lĩnh vực đòi hỏi sự tham gia của nhiều Bộ, khi đó phải có sự phối hợp, phân công hợp lý. Nếu không có sự phối hợp và phân công hợp lý thì sẽ dẫn đến tình trạng đùn đẩy, ách tắc, chờ đợi lẫn nhau, đổ lỗi cho nhau.

Theo ông Nghĩa, trong trường hợp giá xăng dầu, trước hết phải nói là không chỉ có hai Bộ có trách nhiệm nhưng khi hai Bộ này còn lướng vướng thì trách nhiệm còn có Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng. "Chúng ta chỉ có 1 Đảng, nếu không giải quyết được vấn đề đó chứng tỏ Chính phủ chưa làm hết trách nhiệm của mình", ông Nghĩa nói với báo chí.

Theo đại biểu Nghĩa, để giải quyết khúc mắc giữa Bộ Tài chính-Công Thương thì chẳng có gì có khăn cả. Hai bộ, ông này nói thế này, không kia nói thế khác thì cần người thứ ba đứng ra, tức là Phó Thủ tướng phụ trách vấn đề này phải đứng ra để mời hai Bộ ngồi lại, chỉ một cuộc họp buổi sáng là xong, là giải quyết được. “Việc làm này hoàn toàn đúng chức năng, nhiệm vụ của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng là sự điều hành phối hợp của các Bộ. Hai Bộ đang tranh cãi nhau thì phải có Chính phủ. Không nên để nhân dân phải chờ đợi!”, đại biểu Nghĩa nhấn mạnh.

Tuy vậy, đại biểu Nghĩa vẫn cho rằng nếu hai Bộ thực hiện nghiêm tục và đầy đủ trách nhiệm của mình thì sẽ không có ách tắc nào ở đây cả, không còn sự trì trệ, chờ đợi và đổ lỗi qua lại cho nhau như hiện nay. “Cuối cùng phải nói đến tinh thần trách nhiệm. Không cần phải đưa quy định luật pháp vào, phải đặt tinh thần trách nhiệm lên trước, đặc biệt là mối quan tâm đến lợi ích của người dân. Không có gì không giải quyết được. Để chậm chạp như vậy các bộ trưởng phải xem lại trách nhiệm của mình đối với nhân dân”, đại biểu Nghĩa bức xúc.

 

Chuyện giao cho một Bộ chủ trì không làm giảm nhẹ trách nhiệm của bộ còn lại. "Anh không chủ trì cũng không thể cứ chờ đợi anh kia. Anh cũng là một Bộ phụ trách, có quyền lực, và chịu trách nhiệm với nhân dân trong lĩnh vực cùng phụ trách. Nếu bộ chủ trì không làm đúng trách nhiệm thì Bộ kia phải nhắc nhở", đại biểu Nghĩa phân tích.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khẳng định, nếu cả hai Bộ đùn đẩy trách nhiệm thì Chính phủ phải đứng ra làm trọng tài và xử lý cái sai cụ thể của từng Bộ theo quy định. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần tìm ra hướng xử lý đảm bảo quyền lợi của người dùng xăng dầu. Lối làm việc tắc trách như vậy sẽ còn gây thiệt hại cho người tiêu dùng”.

Ông Long phân tích, theo Nghị định 83 thì Bộ Tài chính là cơ quan chịu trách nhiệm về thuế và giá xăng dầu nhưng Bộ Công Thương lại là đơn vị cuối cùng quyết định giá xăng dầu. Bộ Tài chính đưa ra giá nhưng Bộ Công Thương phải có sự thống nhất. Khi không có sự thống nhất giữa hai Bộ, Bộ Công Thương phải báo cáo với Chính phủ để Chính phủ có hướng xử lý. Vì thế, không thể nói, trách nhiệm của việc doanh nghiệp bỏ túi hàng nghìn tỷ đồng xăng dầu là trách nhiệm của riêng Bộ Tài chính hay Bộ Công Thương được”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo