Vua bánh kẹo ‘tặng’ 4.700 tỷ cận Tết, lãnh đạo vẫn ‘chạy làng’
“Tặng” 4.700 tỷ cận Tết
Cuối năm 2014, đầu năm 2015 là khoảng thời gian “vua bánh kẹo” Kinh Đô có hàng loạt quyết định gây sốc. Sau thương vụ “khủng” thâu tóm Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam – Vocarimex, Kinh Đô khiến dư luận xôn xao khi bán 80% mảng bánh kẹo cho đại gia Mỹ.
Cổ đông Kinh Đô vừa tạm quên thương vụ “bán nồi cơm”, Kinh Đô lại khiến tất cả những ai quan tâm tới chứng khoán sốc nặng một lần nữa khi công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị ngày 26/1/2015.
Theo đó, Hội đồng quản trị Kinh Đô đã thông qua việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về chính sách cổ tức đặc biệt cho cổ đông năm 2015. Dự kiến, cổ đông sẽ nhận được tiền mặt với tỷ lệ lên tới 200%. Điều đó có nghĩa với mỗi cổ phiếu sở hữu, cổ đông KDC sẽ có cơ hội nhận được cổ tức 20.000 đồng.
Với số lượng cổ phiếu trên 235 triệu đơn vị đang lưu hành, số tiền mặt chi trả cổ tức của KDC dự kiến trên 4.700 tỷ đồng.
Đây thực sự là thông tin gây sốc vì mức cổ tức trung bình trên thị trường chỉ đạt khoảng 30%. Một số công ty “phá” rào cũng chỉ đạt tới mức cổ tức 120%. Nhưng tỷ lệ 120% này bao gồm cả tiền mặt và cổ phiếu thưởng.
Trước thông tin dự chi cổ tức khủng năm 2015 được công bố từ sáng 27/1. Ngay lập tức, nhà đầu tư đổ xô “săn” KDC khiến cổ phiếu này tăng trần, tăng 3.200 đồng/CP lên 49.800 đồng/CP. KDC giúp vốn hóa thị trường của công ty Kinh Đô có thêm 821 tỷ đồng.
Cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 200% được Kinh Đô đánh giá là “đặc biệt”. Sở dĩ Kinh Đô rộng tay là vì công ty vừa hoàn tất việc bán 80% cổ phần tại Kinh Đô Bình Dương cho Tập đoàn Mondelēz International thu về gần 8.000 tỷ đồng.
Kinh Đô cho biết sẽ trích hơn 300 tỷ đầu tư cho mì gói và dành phần lớn số tiền cho các thương vụ M&A trong ngành thực phẩm thiết yếu.
Lãnh đạo “chạy làng”
Thông thường, khi sắp công bố tin “khủng”, lãnh đạo các công ty niêm yết thường “đi trước một bước”, mạnh tay mua vào. Thế nhưng, điều ngược lại đã xảy ra ở Kinh Đô. Ngay trước và sau thời điểm công bố thông tin, một vài lãnh đạo cấp cao của Kinh Đô lại bán ra số lượng lớn cổ phiếu KDC mà họ nắm giữ.
Đầu tiên, ông Võ Long Nguyên, Trưởng ban Kiểm soát Kinh Đô đã bán ra thành công 21.300 cổ phiếu KDC. Kể từ 26/1, thời điểm giao dịch kết thúc, vị lãnh đạo cấp cao này không còn là cổ đông của Kinh Đô nữa.
Sau đó, Phó Tổng giám đốc Trần Quốc Việt cũng công bố bán ra thành công 50.000 cổ phiếu KDC. Sau giao dịch, số cổ phiếu KDC còn lại trong tài khoản của ông Việt chỉ là 30.327 đơn vị. Phiên cuối cùng ông Việt bán ra KDC là 27/1 – thời điểm KDC tăng trần khi được tin chia cổ tức với tỷ lệ 200% hỗ trợ.
Tiếp nối ông Việt, một Phó Tổng giám đốc khác là ông Trần Tiến Hoàng đăng ký bán ra 62.000 cổ phiếu. Nếu bán thành công, ông Hoàng sẽ chỉ còn nắm giữ 52.000 cổ phiếu KDC. Thời gian dự kiến từ 2/2 đến 3/3/2015.
Có thể thấy, cả 3 vị lãnh đạo kể trên đều bán đi phần lớn cổ phiếu KDC của mình. Thông tin các lãnh đạo đồng loạt bán ra khiến cổ phiếu KDC ít nhiều bị ảnh hưởng.
Tiếp đà tăng trần với dư mua trần khá lớn nhưng tới phiên 28/1, KDC bất ngờ bị nhà đầu tư quay lưng. Kết quả là KDC giảm 800 đồng/CP xuống 49.000 đồng. Và như vậy, vốn hóa thị trường của “vua bánh kẹo” bốc hơi 205 tỷ đồng trong ngày giao dịch 28/1.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ, một mặt hàng của Việt Nam được hưởng lợi lớn
Giá vàng ngày 10/11/2024: Vàng SJC rớt mốc 86 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn duy trì mức 85 triệu
Giá heo hơi ngày 10/11/2024: Thị trường heo hơi chuyển biến tích cực
Xuất khẩu thủy sản tăng tốc trở lại, tự tin vượt mục tiêu 10 tỷ USD
Giá ngoại tệ ngày 10/11/2024: Đồng USD tiếp tục xu hướng tăng
Nhiều lô hàng bị 'nghẽn' do hệ thống chập chờn, Tổng cục Hải quan phản hồi gì?