Vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%
Sáng nay 2/6, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tiếp tục Phiên họp thường kỳ tháng 5/2016, tập trung thảo luận tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng qua, cũng như các giải pháp để bảo đảm các mục tiêu năm 2016 mà Quốc hội thông qua.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày trước Chính phủ cho thấy, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,54% so với tháng trước và tăng 1,88% so với tháng 12/2015. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 5 tăng 2,28%, bình quân 5 tháng tăng 1,59%. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm tăng 1,78% so với cùng kỳ năm trước.
Lãi suất huy động VND tương đối ổn định; lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm. Tính đến ngày 20/5/2016, tổng phương tiện thanh toán ước tăng 5,88% so với tháng 12/2015 (cùng kỳ năm 2015 tăng 3,64%); tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 4,52% (cùng kỳ tăng 4,26%).
Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi nhưng chậm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 tăng 2,4% so với tháng trước; tính chung 5 tháng đầu năm tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 9,2%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2015; nếu loại trừ yếu tố giá, tăng 7,8%.
Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước; duy trì được xuất siêu (5 tháng xuất siêu 1,36 tỷ USD, bằng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu).
Các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và các lĩnh vực xã hội khác được quan tâm và đạt nhiều kết quả. Công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế-xã hội trong 5 tháng đầu năm còn nhiều khó khăn, thách thức. Lạm phát 5 tháng đã tăng 1,88%, trong khi sức ép về tăng giá còn rất lớn.
Sản xuất nông nghiệp và thủy sản vẫn gặp nhiều khó khăn. Tiến độ thu NSNN đạt thấp hơn cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể vẫn còn ở mức cao. Tai nạn giao thông, nhất là số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tính riêng trong tháng 5/2016 vẫn còn cao (số người chết tăng 2,54% so với tháng 5/2015).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số nhóm giải pháp như kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô (về kiểm soát tình hình giá cả thị trường, tiền tệ, tín dụng; cân đối thu chi NSNN); khắc phục khó khăn, thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế; thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu.
Tại phiên họp, Thủ tướng nhìn nhận, tình hình vẫn còn nhiều khó khăn. Sức ép lạm phát còn lớn, có khả năng ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, tăng trưởng của cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều thấp hơn so với cùng kỳ. Lĩnh vực văn hóa, xã hội còn có nhiều vấn đề bức xúc.
Trước tình hình đó, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần quyết liệt thực hiện nhiệm vụ năm 2016, không thay đổi mục tiêu và đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận, làm rõ các hạn chế, khó khăn để đề ra các biện pháp tháo gỡ, khắc phục nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra yêu cầu cần phải thực hiện đồng thời hai mục tiêu là vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%. Trong các giải pháp, cần tập trung tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kê khai sai thuế, Công ty Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 D2D bị phạt hơn 865 triệu đồng
Ra mắt liên minh đổi mới đối tác AI tạo sinh
Hai thách thức lớn doanh nghiệp phải đối mặt khi bán sản phẩm ra thị trường toàn cầu
Giá vàng thế giới tăng nhẹ trước thềm cuộc bầu cử Mỹ
Giá ngoại tệ ngày 5/11/2024: Đồng USD giảm giá trước bầu cử Tổng thống Mỹ
Doanh nghiệp Việt cung cấp giải pháp số sáng tạo tại thị trường Trung Đông