‘Vua vàng’ Việt Nam 'làm xiếc' với hàng trăm tỷ thế nào?
Phước Sơn và Bồng Miêu là hai mỏ vàng lớn nhất Việt Nam do tập đoàn Besra Việt Nam quản lý. Mặc dù sản lượng lớn, xuất khẩu nhiều nhưng số thuế mà Besra nộp vào ngân sách Nhà nước lại không đáng là bao. Một phần do Besra tìm mọi cách trốn thuế. Phần còn lại, số thuế phải nộp, Besra để tình trạng nợ đọng kéo dài.
Độc chiêu
Công ty Besra Việt Nam thuộc Tập đoàn Besra Cancada điều hành 2 công ty con là Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu và Công ty TNHH khai thác vàng Phước Sơn.
Hai công ty con điều hành Bồng Miêu và Phước Sơn, hai mỏ vàng lớn nhất tỉnh Quảng Nam. Trong khi đó, thuế suất áp dụng cho hai mỏ vàng này có chênh lệch lớn nên Besra Việt Nam dễ dàng “phù phép” sản lượng vào tại hai mỏ để giảm thiểu số thuế phải nộp.
Cụ thể, mỏ vàng Bồng Miêu được cấp giấy phép cách đây 16 năm, thời điểm mỏ nhận được ưu đãi thuế tài nguyên ở mức 3%, thuế thu nhập doanh nghiệp là 18% và có ưu đãi tuyệt đối: Vừa được xuất khẩu, vừa được tiêu thụ nội địa.
Trong khi đó, mỏ vàng Phước Sơn có giấy phép cách đây 6 năm, đang phải áp mức thuế tài nguyên là 15% giá trị sản phẩm khai thác, thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 40% lợi nhuận thu được và chỉ được xuất khẩu chứ không được tiêu thụ trong nước.
Với mức thuế suất chênh lệch này, nhiều người đặt ra câu hỏi liệu có hay không việc vàng của Phước Sơn được chuyển sang Bồng Miêu để được hưởng mức thuế tài nguyên chỉ bằng 1/5 so với mức thuế mà vàng Phước Sơn đang phải nộp. Và câu hỏi này không quá khó để trả lời.
Theo tài liệu Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, tháng 11/2013, mỏ vàng Phước Sơn đã chuyển vàng cho mỏ vàng Bồng Miêu. Việc chuyển vàng này diễn ra suôn sẻ trong im lặng.
Sự việc chỉ được phát hiện khi Nhà máy Vàng Bồng Miêu đang dừng khai thác để sửa chữa nhưng liên tục xuất hóa đơn bán hàng cho các cửa hàng, doanh nghiệp vàng trong nước với doanh thu lên đến hơn 188 tỷ đồng.
Sau khi Cục Thuế tỉnh Quảng Nam yêu cầu Công ty Vàng Bồng Miêu chứng minh nguồn gốc thì phát hiện số vàng trên được Công ty Vàng Phước Sơn chuyển cho Bồng Miêu bằng một “hợp đồng cho vay” nhưng không nêu cụ thể số lượng.
Điều đáng nói, hoạt động cho vay vàng này không được Công ty Vàng Phước Sơn xuất hóa đơn cho cơ quan thuế như quy định.
Với độc chiêu chuyển vàng từ nơi thuế suất cao với ít ưu đãi tiêu thụ sang nơi có thuế suất thấp với nhiều ưu đãi tiêu thụ, Besra Việt Nam đã “tiết kiệm” được khoản thuế không nhỏ. Mặc dù cho tới nay, vẫn chưa tính được chính xác số thuế mà Besra Việt Nam đã “tiết kiệm” được nhưng rõ ràng ngân sách Nhà nước đã thất thoát số tiền không hề nhỏ.
Chây ỳ nộp thuế, trả nợ
Ngay cả khi dùng “độc chiêu” để “tiết kiệm” thuế thu nhập doanh nghiệp, Besra Việt Nam vẫn không chịu nộp hết số thuế đã được hạch toán.
Tính đến đầu tháng 8/2014, tổng sản lượng vàng mà Besra Việt Nam khai thác tại hai nhà máy vàng Bồng Miêu và Phước Sơn 6,9 tấn nhưng doanh nghiệp này đang nợ thuế lên đến 297,8 tỷ đồng. Đây là số nợ thuế được căn cứ trên khối lượng vàng mà Công ty này đã xuất bán ra nước ngoài.
Không chỉ nợ thuế, Besra Việt Nam còn chậm trễ thanh toán nhiều khoản nợ khác. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, cho biết, công ty Vàng Phước Sơn đang nợ các khoản ở huyện lên hằng trăm tỷ đồng. Riêng, khoản nợ ngân sách huyện 4 tỷ đồng đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng.
Ngoài ra, Besra Việt Nam cũng đang nợ các khoản bảo hiểm xã hội gần 9 tỷ đồng, vay của một chi nhánh ngân hàng tại Quảng Nam 5 triệu USD, đến hạn trả nợ chưa thu hồi được.
Nghịch lý ở chỗ, dù bị tố gian lận thuế, chây ỳ thanh toán nợ nhưng ông chủ của mỏ vàng lớn nhất Việt Nam lại tiếp tục đưa ra yêu sách xin miễn thuế và phí hơn 300 tỷ đồng.
Besra Việt Nam liên tục “than nghèo kể khổ”. Theo Besra Việt Nam, từ năm tài chính 2010 đến hết năm tài chính 2014, Tập đoàn Besra đã thua lỗ 37,9 triệu USD.
Ông David Seton, Chủ tịch Besra cho biết do giá vàng thế giới giảm 30% kể từ cuối năm 2012 nên doanh nghiệp gặp khó. Việc tăng thuế tài nguyên liên tục và tính tổng trên doanh thu chứ không tính trên lợi nhuận, cộng với thời tiết khí hậu khắc nghiệt, hàm lượng vàng giảm khiến hoạt động kinh doanh không được tốt.
Tuy nhiên, theo Lương Đình Đường, Cục phó Cục Thuế Quảng Nam cho biết: “Cty Vàng Bồng Miêu rất được Nhà nước ưu ái, xuyên suốt từ đầu đến cuối chỉ nộp thuế 3%. Còn, Cty Vàng Phước Sơn phải nộp thuế tài nguyên theo sự điều chỉnh của pháp luật là hiển nhiên mà Cty đã chấp nhận. Do vậy, nói như trên là không đúng và công ty đã cố tình không nộp thuế cho Nhà nước”.
Gian nan đòi nợ
Cục thuế Quảng Nam đã có những động thái quyết liệt đòi nợ thuế Besra Việt Nam. Quảng Nam đã ban hành lệnh cưỡng chế. Đứng trước lệnh cưỡng chế, chiều 23/7, lãnh đạo Besra Việt Nam chính thức công bố ngừng hoạt động 2 nhà máy sản xuất vàng lớn nhất nước.
Lãnh đạo Besra Việt Nam tỏ thái độ thiếu hợp tác. Ngày 7/8, Besra Việt Nam tổ chức họp báo để nói về tình hình nợ nần và những khúc mắc với truyền thông Việt Nam trong thời gian qua.
Ông David Seton, Chủ tịch Tập đoàn Besra Inc đổ lỗi cho báo chí. Ông cho rằng thông tin báo chí đăng tải đã khiến hai nhà máy vàng của tập đoàn buộc phải đóng cửa và hơn 1.000 lao động bị mất việc làm. Ông nhấn mạnh phản ánh của báo chí trong thời gian qua là chưa chính xác.
Ông David Seton thậm chí còn khẳng định hai công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu và Công ty TNHH vàng Phước Sơn đã luôn trả đầy đủ các khoản thuế đến hạn.
Tuy nhiên, trước những chứng cớ xác đáng của Cục thuế Quảng Nam, ông David Seton phải chính thức rút lại các cáo buộc của mình với báo chí Việt Nam. Đồng thời cho biết Tập đoàn sẽ thường xuyên tổ chức họp báo để thông báo tình hình hoạt động của công ty trong thời gian tới.
Thế nhưng, sau buổi họp báo, Besra Việt Nam cũng không có nhiều hành động thiện chí. Tại buổi họp báo thường kỳ do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức diễn ra cuối tháng 8, nhiều động thái “lạ” của Besra Việt Nam được tiết lộ.
Ông Ngô Bốn, Cục trưởng Cục thuế tỉnh Quảng Nam cho biết, lãnh đạo 2 công ty thiếu hợp tác trong việc trả nợ thuế. Hiện trong tài khoản ngân hàng của 2 công ty vàng này mở không có tiền, dòng tiền làm ra đã được Tập đoàn này rút đi hết.
Theo ông Ngô Bốn, hiện nay Công ty mở tài khoản tại nhiều ngân hàng nên phong tỏa tài khoản này thì họ sử dụng tài khoản khác, cơ quan thuế rút hóa đơn thì doanh nghiệp này lại vận chuyển qua đường hàng không.
“Với tình hình thế này, tiếp đến Cục Thuế tỉnh sẽ tiến hành tịch thu tài sản của 2 Cty vàng này để cưỡng chế thuế. Phải có động thái sớm để thu cho bằng được tiền thuế của Tập đoàn Besra” – Ông Bốn khẳng định.
Ông Nguyễn Chín, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam cho biết, sắp tới sẽ có đoàn kiểm tra tình hình hoạt động tại 2 doanh nghiệp này.
Có vẻ như hành trình đòi nợ thuế “vua vàng” Việt Nam của Cục thuế Quảng Nam vẫn còn nhiều gian nan.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines
Thị trường cho thuê văn phòng cạnh tranh gay gắt
Giá xăng giảm trước kỳ nghỉ Tết
Thương lái gom hàng hoa phục vụ Tết
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh