Vượt khó để khởi nghiệp thành công
Cuộc sống của Austen Allred (Utah, Mỹ) đã thay đổi sau vụ đánh bom tại Boston (Mỹ) tháng 4 năm ngoái. Khi ấy, Allred 23 tuổi. Anh cùng người bạn đại học - Garrett Thornburg phát triển một phần mềm cho máy tính và smartphone có tên Grasswire, giúp mọi người tạo và chia sẻ tin tức nhanh chóng.
Khi nghe về vụ tấn công ở Boston, Allred quyết định tung ra sản phẩm sớm. Chưa đầy 2 ngày, họ đã phải đóng cửa do nhu cầu quá lớn, với hơn 17.000 người truy cập cùng lúc.
Allfred quyết định tới Thung lũng Sillicon (California) để huy động vốn nâng cấp Grasswire. Tuy nhiên, lộ phí ít ỏi lại là cả một vấn đề. Anh chia sẻ trên BBC: "Tôi đi xem giá thuê nhà và thấy rằng mình chẳng có đủ tiền để thuê bất cứ một căn nào". Do đó, anh quyết định ngủ trong xe mỗi tối, tắm ở một trung tâm từ thiện và ăn súp đóng hộp cho đến khi nhận được khoản tài trợ vào cuối tháng 8.
Kathryn Minshew (28 tuổi, New York) thì cho rằng những người khởi nghiệp thường coi nhẹ tầm quan trọng của việc huy động vốn từ người thân và bạn bè.
Năm 2011, cô ra mắt The Muse - một website tư vấn và tìm kiếm việc làm. Khi ấy, vốn tự có của Minshew chỉ là 5.000 USD. Nhưng sau đó, cô đã có thêm 70.000 USD từ các nhà đầu tư mạo hiểm và 40.000 USD của người thân và bạn bè.
Limor Suss (New York) cũng tiết lộ đã huy động được khoảng 20.0000 USD từ những người thân thiết. Số tiền này giúp cô khởi động hai dự án kinh doanh.
Suss cho rằng mọi người vẫn có thể khởi nghiệp thành công dù không xuất thân trong một gia đình giàu có. Nhưng dù sao, cuộc sống dư dả cũng sẽ đem lại cho bạn rất nhiều lợi ích. Cô đã từng tới một trường tư, và nhận thấy hầu như ai cũng có việc kinh doanh riêng. "Đó như là chuyện thường ngày vậy", cô nói.
Trong khi đó, với nhiều người, rắc rối khi huy động vốn khởi nghiệp lại nằm ở trở ngại về tâm lý. Duane Jackson - người sáng lập công ty phần mền kế toán Kashflow (Anh) sống trong một làng trẻ ở London từ năm 10 tuổi và đã từng ngồi tù. Anh đã sáng lập Kashflow trong một căn phòng chật hẹp của người bạn gái. Hồi đầu, Jackson chẳng hề có bàn để máy tính hay danh thiếp. Sau đó, anh mới nhận được nguồn tài trợ từ một tổ chức từ thiện của Anh.
Jackson cho biết nhiều người nghĩ rằng với xuất phát điểm như ông thì không thể kinh doanh được. Chính điều này đã ảnh hưởng tới sự tự tin của họ. Mọi người thường quan niệm kinh doanh chỉ dành cho "những người bước ra từ Oxford hay Cambrigde".
Rik Lomas (28 tuổi) - đồng sáng lập trường dạy lập trình Steer (Anh) cũng có xuất thân khá khiêm tốn. Mãi đến năm 16 tuổi, anh mới có máy vi tính.
Lomas nói: "Nhiều người không thể biết được rằng khi xuất thân trong tầng lớp lao động, việc có một chiếc máy tính khó khăn đến thế nào". Lomas đã phải mất 2 năm để thuyết phục mẹ mua cho mình một chiếc máy tính. "Cuối cùng bà cũng nhượng bộ và mua cho tôi chiếc rẻ nhất có thể", Lomas chia sẻ.
Christopher Pruijsen (20 tuổi, Hà Lan) đã gặp rất nhiều doanh nhân trẻ từ mọi lĩnh vực, trong vai trò là giám đốc phát triển kinh doanh cho Nacue (Hiệp hội doanh nhân Cao đẳng và Đại học Anh). Anh tin rằng chỉ cần có tài, bạn sẽ luôn được trao cơ hội.
Lĩnh vực trọng nhân tài điển hình là công nghệ. "Nếu ai đó giỏi về công nghệ, họ có thể dễ dàng thoát nghèo", Pruijsen cho biết.
Allred cũng đồng tình với quan điểm trên, dù phải ngủ trong ôtô suốt ba tháng. "Những doanh nhân giỏi sẽ luôn biết cách xoay xở mọi việc", anh kết luận.
End of content
Không có tin nào tiếp theo