Pháp luật

Web lừa tiền: Như nấm sau mưa

“Dịch vụ internet hiện nay phát triển mạnh, thanh toán trực tuyến cũng ngày càng phổ biến, kéo theo đó là những website đăng nhập thông tin, ăn cắp tài khoản, giả mạo trang thanh toán điện tử bùng phát như nấm sau mưa”, một chuyên gia công nghệ thông tin đã nói như vậy về tình trạng giả mạo website để lừa đảo trong thời gian gần đây.

Nhận diện các website giả mạo

Mới đây nhất, Công ty CP bán lẻ kỹ thuật số FPT đã tá hỏa khi có 2 khách hàng lên đến tận công ty để đòi nhận điện thoại iPhone 5. Họ cho biết đã đặt mua và thanh toán qua mạng.

Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu thì công ty phát hiện 2 khách hàng này đã mua hàng qua trang web sieuthifpt.net và đã chuyển khoản tiền mua máy là 10,4 triệu đồng.

Đây là trang web giả mạo rất giống với trang web chính thức của FPT từ thương hiệu, địa chỉ, mã số thuế của FPT. Trang web này niêm yết giá bán điện thoại rất rẻ, chỉ bằng một nửa so với giá thị trường.

Công ty CP VNG vừa qua cũng liên tục nhận được phản ánh của khách hàng về tình trạng nhiều website lừa đảo, gây thiệt hại cho người sử dụng internet.

Các website giả mạo tập trung vào các sản phẩm game, sản phẩm Zing của VNG nhằm đánh cắp thông tin tài khoản hoặc lừa khách hàng nạp tiền vào tài khoản giả...

Khi người dùng đăng nhập vào những website này, tài khoản sẽ bị đánh cắp, đồng thời tiền xu ảo cũng sẽ được chuyển vào tài khoản của kẻ lừa đảo. Không chỉ vậy, kẻ lừa đảo tiếp tục dùng danh nghĩa của nạn nhân để tiếp cận, lừa đảo bạn bè của họ.

Trong một số trường hợp, những kẻ lừa đảo còn tạo văn bản giả cơ quan chức năng chứng nhận website để tăng tính thuyết phục. Đặc điểm thường thấy của những website lừa đảo này là giao diện đăng nhập giống hệt các sản phẩm game, cũng như dịch vụ của VNG nhưng địa chỉ liên kết hoàn toàn không phải.

Thống kê sơ bộ cho thấy có đến hàng trăm website lừa đảo các dịch vụ của VNG như Nhanqua.net, Hopqua.org, Nhanqua.com.vn, Quazingme.net, hopquazing.com, payxu.come.vn, quazingme.net, payzing.vn… Thậm chí, những kẻ lừa đảo còn gọi điện thoại đến khách hàng thông báo trúng thưởng và yêu cầu phải đóng trước phí để được nhận giải thưởng, khuyến mãi.

Công ty VTC thì cảnh báo về việc xuất hiện website có tên là 23dzo.tk, trang web này cố ý tạo ra các nền và stock giống hệt bên website của VTC: http://23dzo.go.vn. Trang web giả mạo này đã lừa nhiều người dùng đăng nhập vào và mua các vật phẩm ở đây để chiếm đoạt tiền.

Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cũng cho biết địa chỉ http://tongdai900.clanteam.com đã mạo danh website Viettel, đưa ra những thông tin sai về chương trình khuyến mãi nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Đại diện VNG đã khuyến cáo khách hàng: “Không dùng Zing ID đăng nhập vào những website không rõ nguồn gốc. Khi khách hàng trúng giải, sẽ không có việc nhân viên VNG gọi điện yêu cầu khách hàng bỏ ra bất cứ chi phí nào để được nhận khuyến mãi, giải thưởng”.

Ông Ngô Quốc Bảo - Giám đốc Trung tâm phát triển kinh doanh Công ty CP bán lẻ kỹ thuật số FPT cũng cảnh báo: “Chúng tôi đang phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra những công ty, cá nhân có hành vi lừa đảo này. Để tránh mua nhầm hàng nhái, hàng kém chất lượng và bị lừa mất tiền, chúng tôi khuyến cáo khách hàng nên cảnh giác và kiểm tra kỹ thông tin cửa hàng trước khi giao dịch”.

Một số dấu hiệu nhận biết email giả mạo

+ Các câu chào chung như “Dear Customer”.

+ Thường kèm các thông tin đe dọa về tài khoản của người sử dụng và yêu cầu phải có hành động ngay, ví dụ như “hãy trả lời trong vòng 5 ngày, nếu không chúng tôi sẽ đóng tài khoản của bạn” hoặc “hòm mail của bạn đã đầy, hãy nhấp vào liên kết dưới đây để cập nhật tài khoản email của bạn”...

+ Yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân.

+ Những đường link khả nghi: đường link dài hơn bình thường dẫn đến một địa chỉ lạ, sai chính tả cũng có thể là dấu hiệu của lừa đảo. Sẽ an toàn hơn nếu bạn sử dụng địa chỉ của trang web trong trình duyệt, hơn là truy cập vào bất kỳ đường link nào trong email.

 

 

Hà Chi (Theo TNO)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo