Hi-tech

Web “mai mối” khởi nghiệp công nghệ: số phận mong manh

Năm nay, hoạt động của các trang web chuyên về các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ có dấu hiệu chựng lại. Nguồn thu nhập không bền vững đã đẩy các trang web này vào thế phải đóng cửa hoặc tạm ngưng hoạt động để hoạch định lại chiến lược kinh doanh.

Đuối sức

Sau một năm hoạt động ở thị trường Việt Nam, TechinAsia (TIA), trang web có vốn đầu tư từ Singapore chuyên thông tin về các nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đã thông báo ngừng hoạt động. Quyết định này của TIA gây bất ngờ khi làn sóng khởi nghiệp đang diễn ra khá sôi nổi tại Việt Nam so với thời điểm trang web này gia nhập thị trường.
 
Ông Đỗ Anh Minh, đại diện TIA Việt Nam, cho biết nguyên nhân của việc ngưng hoạt động là do nguồn thu ở thị trường Việt Nam không như mong đợi. Thu nhập chính của TIA là từ việc tổ chức chương trình Startup Asia, kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành công nghệ với nhà đầu tư, các công ty có nhu cầu tìm kiếm các nhóm trẻ trong chiến lược đổi mới... “Ở Việt Nam, chúng tôi sẽ không đạt được mức doanh thu kỳ vọng ít nhất trong vòng ba năm tới”, ông nhận định. Theo một nguồn tin chưa kiểm chứng, doanh thu các sự kiện Startup Asia của TIA ở các thị trường khác như Indonesia, Nhật Bản hay Singapore là vào khoảng vài trăm ngàn đô la Mỹ cho một sự kiện.
 
Không chỉ TIA, khá nhiều trang web có mô hình tương tự ở thị trường trong nước cũng đóng cửa sau một thời gian hoạt động. Theo quan sát của TBKSTG, trang action.vn đã ngừng cập nhật tin tức từ hồi đầu năm nay, các trang padonra.vn hay gik.vn cũng đã ngưng cập nhật nội dung gần năm tháng qua.
 
Gần đây nhất là trang twenty.vn, tiến độ cập nhật nội dung của trang web thử nghiệm này đang chậm lại, chỉ khoảng 3 bài/tuần so với 5-6 bài như trước kia. Bà Lê Huỳnh Kim Ngân, chủ quản trang web, cho biết nguyên nhân là do twenty.vn đang trong giai đoạn tái cơ cấu, dự kiến đến tháng 11 sẽ hoàn thành. Không chia sẻ nhiều về kế hoạch sắp tới, bà Ngân chỉ cho biết mô hình kinh doanh của các trang web như twenty.vn, TIA, action.vn... ở thị trường Việt Nam phải thay đổi liên tục để tìm hướng đi hiệu quả hơn.
 
Nguyên nhân sâu xa
 
Việc hàng loạt trang web về các doanh nghiệp công nghệ ở Việt Nam đóng cửa hoặc dừng hoạt động đặt dấu hỏi về độ lớn của thị trường, hay do mô hình kinh doanh của các trang web chưa thực sự hiệu quả.
Theo ông Minh, một số công ty công nghệ có doanh thu không hề thua kém các công ty trong các ngành nghề truyền thống trên sàn chứng khoán. Ví dụ Công ty cổ phần Dịch vụ trực tuyến FPT có doanh thu năm 2013 hơn 800 tỉ đồng, hay VNG là hơn 2.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, không có nhiều doanh nghiệp công nghệ như vậy ở Việt Nam. Bên cạnh đó, ngoài Vingroup, FPT, rất ít công ty quan tâm đến các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Ông Minh cho rằng thị trường cần một thời gian nữa để chín muồi. “Chúng tôi kỳ vọng là hai đến ba năm nữa”, ông nói.
 
Tuy nhiên, chỉ nói nguyên nhân do thị trường chưa sẵn sàng là chưa đủ. Một vị là người đồng sáng lập một trang web chuyên về khởi nghiệp (không muốn nêu tên) cho rằng nguyên nhân chính là do mô hình kinh doanh chưa phù hợp.
 
Theo vị này, các trang web về tin tức nói chung, về khởi nghiệp nói riêng, có ba nguồn thu chính là từ quảng cáo, tổ chức sự kiện và trả tiền tác quyền (trong trường hợp các trang web khác đăng lại tin bài). Trong đó, hình thức thứ ba là không phù hợp ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, việc đóng cửa của TIA mới đây cho thấy hình thức thứ hai cũng thất bại.
 
Nguồn thu từ bán quảng cáo thật ra cũng không dễ dàng. Theo vị này phân tích, độc giả của các trang web như TIA, action.vn, twenty.vn... là những người có kiến thức chuyên sâu, các sinh viên yêu thích công nghệ và khởi nghiệp. Điều này giúp các trang web nắm rõ tình hình khởi nghiệp ở Việt Nam và dùng nó để kết nối với các nhà đầu tư cá nhân hay các quỹ đầu tư mạo hiểm. Nhưng trên thực tế, không có nhiều trang web khai thác được doanh thu từ hình thức “mai mối” này, trong khi việc chào bán quảng cáo cũng không bền vững vì lượng độc giả khiêm tốn so với các trang web tin tức hiện có trên thị trường. “Các doanh nghiệp có doanh thu như VNG, FPT hay Appota sẽ không chọn các trang web về khởi nghiệp để quảng bá hình ảnh vì không ai muốn quảng cáo tới đối tượng đã biết về mình. Còn các nhà khởi nghiệp thì không có nhiều nhóm có khả năng trả chi phí”, vị này nói.
 
Thách thức của các trang web về các nhà khởi nghiệp là phải mở rộng đối tượng người đọc để tăng độ phủ, nhưng điều này đòi hỏi nguồn tài chính đầu tư cho phần nội dung. Trên thực tế, không có nhiều trang web có nguồn tài chính dồi dào.
 
Nhìn chung, các trang web về các nhóm khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam đang phải đương đầu với câu chuyện tìm kiếm lợi nhuận trước khi thị trường chín muồi. Giống như các nhà khởi nghiệp mà họ đang hỗ trợ, số phận của các trang web này cũng rất mong manh.
Theo TBKTSG
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo