WEF: Kinh tế toàn cầu trước các nguy cơ mới
Mặc dù Hội nghị Davos năm nay diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động tiêu cực, nhưng các thống đốc ngân hàng trung ương và nhà hoạch định chính sách tham dự hội nghị vẫn hướng tới triển vọng của kinh tế toàn cầu năm 2015.
"Bối cảnh toàn cầu mới" là chủ đề của chương trình nghị sự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 45 vừa mới diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ. "Bối cảnh toàn cầu mới" mô tả về một thế giới với sự phức tạp, độ kết nối ngày càng lớn, cùng với những đổi thay nhanh chóng về địa-chính trị.
Hội nghị đánh giá thế giới đang có những biến chuyển sâu sắc về chính trị, kinh tế, xã hội và công nghệ. Dù đang trong thời kỳ phục hồi nhưng sự phục hồi này còn chưa bền vững và nhiều rủi ro, đặc biệt là tác động của căng thẳng địa-chính trị, giá dầu và đồng USD biến động khó lường.
Trong bối cảnh toàn cầu mới
WEF kỳ này diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng ở mức 3,3% trong năm 2014 và 3,8% trong năm 2015. Kinh tế thế giới đang dần thoát khỏi giai đoạn suy thoái, trong đó nền kinh tế Mỹ dẫn đầu về phục hồi. Cuộc khủng hoảng ở châu Âu đã dịu bớt với nợ của các hộ gia đình đang có chiều hướng giảm.
Một số quốc gia, đặc biệt là Tây Ban Nha, Ireland và Latvia, đã đạt được những tiến bộ đáng kể về cải cách cơ cấu, khôi phục tài chính công và hệ thống ngân hàng. Thâm hụt tài chính tại các quốc gia Eurozone cũng có thể sẽ giảm xuống dưới 3% vào năm 2015.
Giới phân tích cho rằng việc giá dầu giảm và các ngân hàng trung ương duy trì mức lãi suất thấp (thậm chí tiến hành nới lỏng định lượng) sẽ tạo cơ hội cho tăng trưởng toàn cầu.
Tuy nhiên, với chính sách tiền tệ toàn cầu không đồng bộ, những biến động của đồng franc (Thụy Sĩ) trước thời điểm diễn ra Hội nghị WEF năm nay, cũng có thể tạo ra sự bất ổn trên thị trường tiền tệ, nhất là đối với các nền kinh tế mới nổi. Trong khi đó, dòng vốn rất khó có thể kiểm soát, chưa kể đến các tác dụng phụ không mong muốn do các chính sách mới của ECB hay Fed.
Cũng như khi diễn ra Hội nghị Davos 2014, những mối lo ngại dai dẳng như tình trạng thiếu việc làm, các cuộc khủng hoảng tài chính... cũng không hề giảm bớt trong giới chính trị gia, các nhà kinh tế và giới kinh doanh tham dự hội nghị năm nay.
Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde nhận xét, một số nền kinh tế chủ chốt vẫn còn phải vật lộn với tình trạng giảm phát và vẫn còn đó hơn 200 triệu người thất nghiệp. Các nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ bị mắc kẹt trong một giai đoạn tăng trưởng chậm kéo dài và ít tạo thêm được việc làm.
Báo cáo rủi ro toàn cầu được WEF công bố trước thềm hội nghị cũng cho thấy, vấn đề địa - chính trị ngày càng ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu trong năm 2015 khi chiếm tới ba trong tốp 10 rủi ro hàng đầu có thể xảy ra và hai trong số 10 rủi ro hàng đầu xét theo khía cạnh tác động tiềm tàng.
Trong những thập niên sau “chiến tranh lạnh”, rủi ro địa chính trị thường không được đề cập nhiều trong các chương trình nghị kinh tế, song cuộc xung đột ở Ukraine đã làm thay đổi điều đó. Hội nghị WEF 2015 - diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây trượt dốc, các cuộc xung đột tiếp tục gây bất ổn ở Trung Đông và một số khu vực khác trên thế giới - đã chỉ ra 10 nguy cơ hàng đầu thế giới trong các năm tới, trong đó có nguy cơ xung đột quốc tế; tình trạng thời tiết cực đoan;
Thất bại của hệ thống quản trị quốc gia; thất nghiệp; thất bại trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu; khủng hoảng nguồn nước; gian lận hay đánh cắp dữ liệu; và khoảng cách giàu - nghèo gia tăng.
Triển vọng năm 2015
Mặc dù Hội nghị Davos năm nay diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động tiêu cực, nhưng các thống đốc ngân hàng trung ương và nhà hoạch định chính sách tham dự hội nghị vẫn hướng tới triển vọng của kinh tế toàn cầu năm 2015.
Các khách mời tham dự một phiên thảo luận về chủ đề triển vọng kinh tế toàn cầu đã chỉ ra những yếu tố giúp kinh tế thế giới khởi sắc: Đó là gói kích thích của ECB, giá dầu giảm, những thay đổi căn bản ở Brazil, Trung Quốc, Nhật Bản và cuối cùng là đà tăng trưởng mạnh của kinh tế Mỹ.
Ông Benoit Coeure, thành viên Hội đồng điều hành ECB, cho rằng quyết định mới đây của ECB về gói nới lỏng định lượng (QE) đã đặt nền móng cho chính sách kích thích kinh tế mạnh mẽ ở Eurozone. Tuy nhiên, ông cho rằng sau khi ECB đã thực hiện nhiệm vụ của mình, giờ đây thách thức nằm ở chỗ các chính phủ phải đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu phức tạp và mạnh mẽ hơn để tăng sản lượng của nền kinh tế hay tạo ra việc làm.
Các đại biểu khác cũng hoan nghênh gói QE của ECB, nhưng cũng nhấn mạnh sự cần thiết của cải cách song hành với chính sách tiền tệ, bao gồm những cải cách trên thị trường lao động và cải cách về tài khóa để tăng lực cầu trong nền kinh tế. Phó giám đốc điều hành của IMF Min Zhu nhận định QE tạo điều kiện cho tái cấu trúc và đầu tư.
Trong khi đó, giá dầu giảm là một lực đẩy lớn cho tăng trưởng ở hầu hết các nền kinh tế và sẽ “bôi trơn” quá trình tái cấu trúc. Đây là trường hợp của Brazil, mặc dù hoạt động sản xuất dầu khí của nước này đang ngày càng lớn mạnh.
Bộ trưởng Tài chính Brazil Joaquim Levy cho biết, Brazil đang chuyển từ chính sách tăng thu nhập của những người nghèo nhất (vốn là trọng tâm của chính sách kinh tế trong thập niên vừa qua) sang tăng đầu tư ở cả khu vực công và tư nhân với mục tiêu là đưa Brazil trở thành một thị trường năng động hơn, dễ kinh doanh hơn.
Nhật Bản cũng đang triển khai chương trình trong đó bao gồm nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh mẽ, sắp xếp lại chính sách tài khóa và tái cấu trúc nhằm đặt nền móng cho việc tăng trưởng 2% trong năm 2015. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda khá tự tin về triển vọng tăng trưởng của không chỉ Nhật Bản mà cả Trung Quốc, nơi những cải cách đang được thực hiện.
Và thêm nữa, kinh tế Mỹ đang vận hành tốt và là động lực của nhu cầu trên toàn cầu. Tuy nhiên, ông Zhu cảnh báo rằng phần lớn tăng trưởng của Mỹ đến từ chi ngân sách và người tiêu dùng, trong khi đầu tư tư nhân vẫn khá chậm chạp.
Còn Thống đốc Ngân hàng Trung ương nước Anh Mark J. Carney cho rằng, công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng nhưng khó đoán định đối với kinh tế toàn cầu nói chung và đối với khu vực tài chính nói riêng (thông qua hệ thống giao dịch và thanh toán).
Theo Thời báo Ngân hàng
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo