Xã hội

WHO đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo an toàn giao thông

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Tổ chức Y tế Thế WHO vừa tổng kết Dự án An toàn giao thông đường bộ 2010 - 2014 tại Việt Nam.

 Đây là một phần trong chương trình an toàn giao thông đường bộ toàn cầu do Quỹ Bloomberg Philanthropies tài trợ. Thực hiện chương trình gồm các đối tác quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới WHO, Hiệp hội An toàn giao thông đường bộ toàn cầu, Đại học Johns Hopkins và các cơ quan liên quan tại Việt Nam dưới sự điều phối của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia từ năm 2010.

Dự án hỗ trợ cho 5 tỉnh là Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Quảng Ninh với 2 mục tiêu chính là: phòng chống người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sau khi sử dụng rượu, bia và khuyến khích đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn.
 
Khuyến khích toàn dân đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn.
 
Trong 5 năm qua, dự án đã đào tạo được trên 3000 cảnh sát giao thông và các cán bộ liên quan về công tác tuần tra kiểm soát và an toàn giao thông nói chung. Để hỗ trợ lực lượng cảnh sát giao thông kiểm soát vấn đề lái xe uống rượu hiệu quả, 120 máy đo nồng độ cồn theo tiêu chuẩn quốc tế đã được trang bị cho 5 tỉnh tham gia dự án. Ngoài ra,  dự án đã xây dựng và triển khai 5 chiến dịch tuyên truyền an toàn giao thông về phòng chống uống rượu bia và lái xe và 2 chiến dịch về đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn. Thông điệp từ những chiến dịch này được đánh giá đạt tới trên 60% dân số toàn quốc. 
 
Đánh giá về kết quả của dự án, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết: "Những hỗ trợ của Dự án này đã góp một phần quan trọng giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả Chiến lược Quốc gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Ông Hùng cũng cho biết thêm, những kết quả quan trọng của dự án như mô hình kiểm soát lái xe sử dụng rượu bia theo kinh nghiệm Quốc tế, hay kinh nghiệm trong việc xây dựng và triển khai chiến dịch tuyên truyền an toàn giao thông sẽ được tiếp tục duy trì và mở rộng trong thời gian tới tại Việt Nam.  
 
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông.
 
Theo số liệu thu thập trong những tháng đầu của dự án tại Hà Nam và Ninh Bình cho thấy: trên 20% số lái xe có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép (0.25mg/L với người đi mô tô/xe gắn máy và 0mg/L đối với người điều khiển phương tiện cơ giới khác). Tuy vậy, cùng với những hỗ trợ của Dự án, nỗ lực của địa phương trong công tác tuyên truyền và tuần tra kiểm soát xử ly‎ vi phạm, tỉ lệ lái xe vi phạm quy định nồng độ cồn đã giảm xuống dưới 10%  trong năm 2014.
 
 “Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp trọng tâm trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là công tác phòng chống uống rượu, bia và lái xe và sử dụng mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy. Chúng tôi mong muốn được tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ quan của Trung ương và địa phương, nhất là Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhằm giảm thiểu số người chết và bị thương do tai nạn giao thông tại Việt Nam” Quyền trưởng đại diện WHO tại Việt Nam Jeffery Kobza nói./.
 
Hoàng Tuấn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo