Dự án tăng cường quyền kinh tế sẽ tiếp cận hàng nghìn phụ nữ dân tộc thiểu số
Tuyên dương 63 thầy, cô giáo người dân tộc thiểu số / 99% trẻ dân tộc thiểu số đến trường được tăng cường tiếng Việt
Nhằm nâng cao điều kiện phát triển kinh tế, tăng cường nhận thức của cộng đồng và các bên về thúc đẩy quyền bình đẳng giới, quyền kinh tế của phụ nữ, đặc biệt phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số tại 9 xã thuộc 2 huyện Quang Bình (Hà Giang) và Tam Đường (Lai Châu), Viện nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED), Tổ chức CARE tại Việt Nam đã thực hiện dự án “Tăng cường quyền kinh tế cho phụ nữ tại Việt Nam” (AWEEV) với mục tiêu tiếp cận 2.635 phụ nữ người dân tộc thiểu số tại 2 địa phương và các vùng lân cận.
AWEEV sẽ hỗ trợ Chương trình mục tiêu Quốc gia về Phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng miền núi và dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 – 2030.
Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam bên lề Hội thảo “Tham vấn xây dựng chiến lược truyền thông cho mạng lưới doanh nghiệp tổ chức xã hội, báo chí và truyền thông”, sáng 30/6, ông Nguyễn Hữu Thía, cán bộ Tổ Chức CARE Việt Nam cho rằng CARE Việt Nam đang xây dựng chiến lược truyền thông đi vào cụ thể các mạng lưới trực thuộc dự án, đó là mạng lưới báo chí, mạng lưới doanh nghiệp và mạng lưới xã hội.
“Chúng tôi xây dựng bước đầu việc khảo sát, tìm các thành viên trong mạng lưới. Phụ nữ dân tộc thiểu số đang bị ảnh hưởng rất nặng nề định kiến trong xã hội, ngăn cản sự tham gia của phụ nữ vào phát triển kinh tế.
Trong dự án này, chúng tôi xây dựng các hoạt động làm thay đổi định kiến trong cộng đồng, có các nam giới tiên phong đồng hành dự án, làm hạt nhân thay đổi định kiến trong cộng đồng. Đồng thời, có các sự kiện lan tỏa hành động tốt, xóa bỏ định kiến cũ đang ảnh hưởng tới phụ nữ’, ông Thía nói.
Tổ chức CARE Việt Nam mong muốn thông qua hoạt động truyền thông để thúc đẩy thay đổi định kiến giới trong cộng đồng. Truyền thông sẽ tham gia tích cực lan tỏa chủ đề về quyền kinh tế cho phụ nữ, để thấy phụ nữ có đủ năng lực, cơ hội để tạo ra sự thay đổi trong cộng đồng. Thông qua hoạt động truyền thông, nhận thức của cộng đồng về vấn quyền kinh tế của phụ nữ được nâng lên.
Bà Trần Thị Khánh Hòa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh: Dự án “Tăng cường quyền kinh tế cho phụ nữ tại Việt Nam” là dự thảo khung, rất cần đóng góp ý kiến mang tính thực tiễn.
Chiến lược truyền thông theo các mạng lưới báo chí, mạng lưới doanh nghiệp và mạng lưới xã hội có thể thực hiện hiệu quả trong 3 năm (2021 – 2030).
“Chúng tôi kỳ vọng đây là giai đoạn khởi điểm mang tính thí điểm để nâng cao nhận thức cho các bên liên quan, trong đó có đối tượng hưởng lợi trực tiếp là phụ nữ dân tộc thiểu số. Từ đó, đưa ra khuyến nghị cho nhà hoạch định chính sách”, bà Hòa nói.
Cũng theo bà Hòa, dự án hướng tới mục tiêu nhận thức về quyền kinh tế phụ nữ cần phải được chú trọng. Đứng trên phương diện phụ nữ, dự án không chỉ nâng cao năng lực cho phụ nữ miền núi mà là phụ nữ nói chung, vì những công việc không được trả lương của phụ nữ hiện nay, cả thành phố và nông thôn đều đang diễn ra.
“Gánh nặng trong công việc không được trả lương của phụ nữ cần được chia sẻ, tạo cho phụ nữ có thời gian làm kinh tế. Vì kinh tế trong gia đình không phụ thuộc một người, mà là sự chia sẻ của cả vợ chồng. Cơ hội để phụ nữ tham gia vào kinh tế đang gặp rào cản, hạn chế bởi nhiều định kiến áp đặt”, bà chia sẻ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo