Tạo cơ chế cho doanh nghiệp hợp tác đào tạo nghề
Lan tỏa tinh thần kết nối trong phát triển nhân lực logistics / Thúc đẩy tiềm năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Những rào cản cần tháo gỡ
Trong những năm gần đây, việc hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong việc đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có trình độ kỹ năng nghề đã được quan tâm thúc đẩy, tuy nhiên việc thực hiện vẫn còn nhiều vấn đề cần được tháo gỡ.
Theo ý kiến của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, nhằm tạo điều kiện hợp tác giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp Luật Giáo dục Nghề nghiệp đã quy định, doanh nghiệp được giảm thuế khi tham gia đào nghề, nhưng thực tế việc bóc tách các khoản chi phí liên quan đến đào tạo là khá phức tạp, số tiền được giảm cũng không nhiều. Việc đặt hàng đào tạo cũng không hấp dẫn được doanh nghiệp khi còn những rào cản về chi phí, cung cấp trang thiết bị, hoặc phải tuyển dụng sinh viên ra trường không đáp ứng yêu cầu chuyên môn,… Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, số lượng tuyển dụng vị trí việc làm rất ít thì cơ sở đào tạo không đủ khả năng và điều kiện tổ chức lớp đào tạo nghề kéo dài tới vài năm.
Nguyên nhân của những tồn tại trên, một phần đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 31/2015/NĐ-CP ngày 24/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Báo cáo số 227/BC-LĐTBXH ngày 31/12/2021, trong đó xác định là do hạn chế về cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện về phát triển kỹ năng nghề, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động.
Chưa có cơ chế hiệu quả để kết nối, gắn kết đồng hành các bên liên quan giữa Nhà nước- Nhà trường- Doanh nghiệp trong việc đảm bảo hệ sinh thái kỹ năng nghề cho nâng tầm kỹ năng lao động, trong xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia làm cơ sở cho chuẩn hóa và phát triển kỹ năng nghề… Vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động cũng chưa được thực hiện đầy đủ, doanh nghiệp chưa thể hiện tính dẫn dắt hoạt động phát triển kỹ năng nghề.
Vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp
Nhằm thúc đẩy đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và hình thành hội đồng kỹ năng ngành, nghề các cấp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã dự thảo Đề án “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam”, trong đó: Thúc đẩy sự tham gia, đồng hành của các bên liên quan với vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao và chuẩn hóa trình độ kỹ năng nghề gắn với việc đánh giá, cấp chứng chỉ Kỹ năng nghề quốc gia (KNNQG) cho người lao động.
Bên cạnh đó, ban hành quy định pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý để cộng đồng doanh nghiệp tham gia với vai trò dẫn dắt trong xây dựng tiêu chuẩn KNNQG. Đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG gắn với đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề của người lao động.
Khuyến khích và triển khai các chính sách để các bên liên quan cùng đồng hành gồm gia đình, cộng đồng, doanh nghiệp và người lao động cùng tham gia phát triển chương trình đào tạo để tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động theo các hình thức, phương thức linh hoạt, đa dạng.
Tăng cường trách nhiệm thống kê, thông tin về nhu cầu việc làm, kỹ năng người lao động tại doanh nghiệp, tham gia công tác dự báo nhu cầu kỹ năng tương lai theo ngành, lĩnh vực. Cần hình thành hội đồng kỹ năng ngành, nghề ở 3 cấp độ nhằm thiết lập cơ chế kết nối thực chất, hiệu quả giữa các bên liên quan,cộng đồng doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đào tạo.
Cùng đó, thực hiện chuyển đổi mô hình “học một lần dùng cả đời” sang “học tập suốt đời” gắn với đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG và gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, có sự tham vấn, khuyến nghị của hội đồng kỹ năng ngành, nghề các cấp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo