Xăng “cõng” 3.000 đồng thuế môi trường vì muốn hạn chế sử dụng?
Chính phủ đang khuyến khích sử dụng xăng sinh học, tăng thuế bảo vệ môi trường xăng hóa thạch tạo sự chênh lệch giá. Do đó tăng thuế bảo vệ môi trường là thích hợp, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết.
Việc tăng thuế bảo vệ môi trường lên 300% đối với xăng áp dụng từ 1/5 tới đây khiến dư luận bức xúc vì một trong những lý do được đề cập tới liên quan đến việc bù đắp khoảng 84% khoản hụt thu ngân sách do giảm thuế nhập khẩu.
Tại tọa đàm được tổ chức vào chiều 16/3, mặc dù không đề cập trực tiếp đến lý do bù thu ngân sách song ông Phạm Đình Thi đã nêu ra 4 lý do để chứng minh “tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là cần thiết, thích hợp”.
Cụ thể, ông Thi cho biết, Việt Nam đang áp dụng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng là 35% trong khi theo cam kết tại Hiệp định thương mại tự do trong nội khối ASEAN (ATIGA), Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA), Việt Nam phải cắt giảm và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng xăng dầu vào năm 2024.
Lý do thứ 2 là giá xăng dầu từ Quý III/2014 liên tục giảm, cùng với giá giảm xăng dầu có lợi cho nền kinh tế khi đầu vào sản xuất kinh doanh giảm tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
“Tuy nhiên khi giá giảm cầu tăng lên, đối với xăng dầu là mặt hàng khi sử dụng gây tác động xấu tới môi trường. Đây là lý do cần điều chỉnh thuế môi trường xăng dầu”, ông Thi phân tích.
Lý do thứ 3 là giá xăng dầu so với các nước trong khu vực thấp hơn khoảng 1.000-7.000 đồng/lít nên theo ông Thi, để hạn chế xăng dầu “chảy ra” các nước láng giềng, xảy ra tình trạng buôn lậu phải đảm bảo tránh sự chênh lệch quá đáng.
Lý do thứ 4 là Chính phủ đang khuyến khích sử dụng xăng sinh học, tăng thuế bảo vệ môi trường xăng hóa thạch nhằm tạo chênh lệch giữa xăng sinh học và hóa thạch.
Thuế môi trường đối với xăng tăng lên 300%, thuế môi trường đối với mặt hàng dầu hỏa lại giữ nguyên mặc dù tác động, ảnh hưởng đến môi trường gần như tương đồng nhau. Lý giải về điều này, vị đại diện Vụ chính sách thuế cho biết, nguyên nhân do xăng đang được sử dụng lượng lớn và trên diện rộng còn dầu hỏa thì ngược lại.
“Lượng xăng đang sử dụng tới gần 7 triệu nghìn lít trong khi dầu hỏa đang sử dụng 62 triệu lít, dầu hỏa sử dụng chưa được 1/10, dầu hỏa cũng chủ yếu dùng để thắp sáng, cho các vùng sâu vùng xa khi điện còn thiếu. Đây cũng là nhu cầu thiết yếu của người dân đặc biệt vùng sâu vùng xa nên quyết định không điều chỉnh”, ông Thi phân tích.
“Do đó tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng lên mức 3.000 đồng/lít là thích hợp”, ông Thi kết luận.
Theo BizLIVE.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nghiên cứu cơ chế khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào thị trường Mỹ
Việt Nam - Nhật Bản bắt tay mở rộng thị trường, vượt qua thách thức toàn cầu
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững
Thị trường nông sản: Giá gạo xuất khẩu tiếp tục biến động
Cột tin quảng cáo