Xăng dầu lại lên cơn sốt
Nhiều DN cho biết đã không còn nguồn để trích quỹ bình ổn xăng dầu. Trong khi thị trường đã ghi nhận một số đại lý xăng dầu tư nhân ngừng bán hàng vì nhiều lý do...
Sẽ “chảy máu” xăng dầu
Giá xăng dầu lại đang “nhảy múa” khi những diễn biến dồn dập trên thị trường dầu mỏ thế giới tác động mạnh đến giá NK xăng dầu. Giá giao dịch tại thị trường NK xăng dầu chính của các DN VN là Singapore, trong ngày 1.3 xăng A92 lên mức 131,91USD/thùng, dầu hỏa 133,87USD/thùng, dầu DO 134,79USD/thùng, dầu madút 736,30USD/tấn.
Trong ngày 4.3, trao đổi với phóng viên Lao Động, đại diện một số DN xăng dầu đầu mối đều khẳng định họ vẫn lỗ nặng trên giá bán. Đặc biệt với mặt hàng xăng, đại diện Tổng Cty xăng dầu Quân đội khẳng định: Giá xăng A92 đang lỗ ở mức 1.200đ/lít, không tính lợi nhuận định mức (300đ/lít), tương tự dầu madút cũng lỗ 1.200đ/lít, dầu diesel lỗ 800đ/lít...
Các giá này đều đã trừ đi mức trích quỹ bình ổn giá như quy định của Bộ Tài chính (1.400đ/lít xăng; 1.350đ/lít dầu...), nhưng giá cơ sở vẫn cao hơn giá bán lẻ 1.300-1.400đ/lít. Chưa kể, mức lỗ từ năm ngoái còn gần 100 tỉ đồng, từ đầu năm đến nay, kinh doanh xăng dầu vẫn tiếp tục lỗ.
Trong khi đó, đại diện TCty Xăng dầu VN (Petrolimex) cũng xác nhận: DN đang lỗ lớn, nhưng nếu so với các quy định hiện hành thì mức chi phí trên thực tế còn lớn hơn nhiều. Hiện chi phí định mức từ năm 2007 đến nay vẫn giữ mức 600đ/lít, bao gồm cả vận chuyển từ tổng kho đến đại lý, chi phí hao hụt...
Chỉ riêng chi phí của DN đầu mối đã hết 300đ/lít. Việc duy trì mức giá bán thấp hơn so giá tính toán cơ sở khiến giá xăng dầu tại VN đang thấp hơn so với một số nước trong khu vực, dẫn đến tình trạng “chảy máu” xăng dầu.
Đã có dấu hiệu găm hàng
Trong khi các DN đầu mối đang như “ngồi đống lửa” thì thị trường xăng dầu cũng đang “nóng” từng ngày. Theo ghi nhận ban đầu, trong một vài ngày gần đây, tại một số địa phương đã có dấu hiệu một số cây xăng tư nhân, các đại lý cấp 2 đã ngừng bán hàng hoặc bán cầm chừng.
Tại Thừa Thiên - Huế, thời gian qua, nhiều đại lý, cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã xin Sở Công Thương cho phép được tạm ngừng bán xăng dầu vì thua lỗ bởi nhiều lý do, trong đó có việc chiết khấu quá thấp - ông Võ Phi Hùng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết ngày 4.3.
Các cây xăng nói trên chủ yếu nằm ở các địa phương: Xã Quảng An, xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền; xã Phong Chương, xã Điền Hoà, huyện Phong Điền; phường Hương Sơ, thành phố Huế... Còn lý do mà các cửa hàng xăng dầu này nêu ra với khách hàng của mình là “mất điện”, “nhân viên bận họp”, hoặc chỉ ghi là “nghỉ bán”...
Trước đó, ông Hùng cũng đã yêu cầu những cửa hàng, cây xăng có xin phép được ngừng bán là “không được ngừng bán với bất cứ lý do nào trong khi chờ UBND tỉnh và các sở, ban ngành họp để giải quyết những khó khăn, vướng mắc về giá cả, chiết khấu...”.
Theo lãnh đạo nhiều đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, việc thua lỗ lâu nay của các cửa hàng, đại lý là có thật do giá cả xăng dầu thế giới liên tục biến động, các đơn vị đầu mối nhập về với giá cao, dẫn đến tiền chiết khấu cho các đại lý giảm (như thời điểm này, giá chiết khấu của PVoil cho các đại lý chỉ còn 170 đồng/lít).
Khảo sát tình hình kinh doanh xăng dầu tại các trạm xăng dầu tại TP.Hồ Chí Minh tối 4.3 cho thấy, hầu hết các cửa hàng kinh doanh tại khu vực trung tâm thành phố vẫn hoạt động bình thường.
Lượng khách hàng đến mua xăng dầu tại các cửa hàng không có hiện tượng tăng đột biến. Tuy nhiên, vẫn có cửa hàng xăng dầu đóng cửa với lý do hết xăng. Lúc 20 giờ, tại đại lý bán lẻ xăng dầu của DN tư nhân TM&VT Lan Anh ở góc đường Âu Cơ - Lũy Bán Bích, quận Tân Phú đã ngừng kinh doanh và treo biển báo hết xăng.
Khi được hỏi các DN đầu mối quản lý ra sao về hệ thống đại lý của DN mình, liệu có tình trạng nghỉ bán hàng tương tự như đã xảy ra lác đác tại một số địa phương, đại diện Petrolimex khẳng định: Hơn 4.000 cửa hàng trực thuộc và các đại lý trong hệ thống Petrolimex đều vẫn đảm bảo cung ứng liên tục.
“Mặc dù lỗ, nhưng chúng tôi vẫn duy trì bán hàng liên tục, không một đại lý nào trong hệ thống Petrolimex nghỉ bán hoặc bán cầm chừng. Chúng tôi sẵn sàng đảm bảo nguồn cung trong mọi tình huống” - đại diện Petrolimex nói.
TCty Xăng dầu Quân đội cho biết: Hiện các cây xăng thuộc TCty vẫn sẵn sàng 24/24h. Tuy nhiên, vị đại diện TCty thừa nhận: “Là DN nhà nước thì không thể để đứt nguồn cung, song mới đây chính Cty đã phải thu hẹp lại, cắt bớt một số đại lý lấy hàng của TCty vừa để cắt lỗ, vừa tăng cường giám sát trong hệ thống.
Về lâu dài, ông khuyến cáo, để không bị động trước diễn biến bất lợi của giá thế giới, Nhà nước cần có cơ chế điều hành giá xăng dầu hợp lý. Nên quy định mức giá từ 25.000đ/lít trở xuống để DN tự quyết, trên 25.000đ/lít, Nhà nước hãy can thiệp để xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường.
Theo Lao động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Tỷ giá ngoại tệ ngày 26/11/2024: USD tăng nhẹ
Giá vàng ngày 26/11: Vàng miếng, vàng nhẫn đồng loạt lao dốc
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 26/11/2024: Thị trường miền Nam giảm nhẹ
Giảm phát thải carbon, bước đệm vào nền kinh tế xanh toàn cầu
Chính thức: Hộ cá nhân có doanh thu dưới 200 triệu đồng được miễn thuế VAT