Xăng dầu tăng giá làm khó doanh nghiệp vận tải
Theo Bộ Tài chính, giá xăng dầu thế giới từ sau ngày điều chỉnh 11-4 nhìn chung có xu hướng tăng dẫn đến giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành nên DN buộc phải tăng giá bán.
Kể từ 12 giờ ngày 22-4, giá xăng RON 92 đã được các doanh nghiệp (DN) điều chỉnh tăng 210 đồng/lít, nâng giá bán lẻ mặt hàng này lên 24.900 đồng/lít. Đây là lần tăng giá xăng thứ ba với tổng mức tăng 3 lần là 690 đồng/lít từ đầu năm đến nay.
Ngoài tăng giá xăng RON 92, các mặt hàng dầu khác cũng có mức tăng lần lượt như sau: dầu diesel tăng 170 đồng/lít, dầu hỏa tăng 130 đồng/lít. Riêng dầu ma dút giảm mỗi lít 70 đồng. Theo Bộ Tài chính, giá xăng dầu thế giới từ sau ngày điều chỉnh 11-4 nhìn chung có xu hướng tăng dẫn đến giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành nên DN buộc phải tăng giá bán.
Thực tế, nhìn vào bảng giá xăng dầu do Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cung cấp có thể thấy giá xăng RON 92 trên thị trường Singapore từ ngày 10-3 đến 16-4 có xu hướng biến động rõ nét. Cụ thể, trong suốt thời gian từ ngày 13-3 đến 14-4, bình quân giá xăng RON 92 tại thị trường Singapore giảm từ 118,06 USD/thùng xuống 115,62 USD/thùng.
Nếu quan sát giá theo ngày, cũng dễ nhận thấy giá xăng từ mốc 118,14 USD/thùng vào ngày 10-3 đã giảm xuống 114,29 USD/thùng vào ngày 20-3, sau đó tăng trở lại và tiếp tục giảm xuống 112,85 USD/thùng vào ngày 3-4. Như vậy, bất chấp chu kỳ tăng giảm của giá thế giới, giá xăng trong nước vẫn tăng 180 đồng/lít vào ngày 19-3 và không hề có đợt giảm nào cho đến ngày tăng giá mới nhất với 210 đồng/lít.
Ông Nguyễn Văn Thạc, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Nam Định, cho rằng giá xăng hiện được điều hành tăng ở biên độ khá nhỏ, chỉ loanh quanh từ 200-300 đồng/lít nên tác động trước mắt đến giá đầu vào không lớn.
“Tuy nhiên đó chỉ là lý thuyết, còn thực tế áp lực trước mắt đổ lên các DN vận tải bởi phải mua xăng dầu với giá đắt nhưng chưa chắc đã đàm phán tăng giá cước vận tải ngay được” - ông Thạc phân tích.
Hiện một số DN vận tải trên địa bàn đã tăng cước ở mức khá “nhẹ” từ 5%-6% với lý do Bộ Giao thông Vận tải siết tải trọng xe nhưng thực tế DN phải tăng khoảng 35% mới bù đắp đủ chi phí và nếu tính cả giá xăng thì cước còn cao hơn nữa.
Còn ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa đường bộ Hải Phòng, cho biết hiện tại, DN vận tải đã phải tăng cước trung bình 20%-30% sau khi có lệnh siết xe quá tải.
“Nay giá dầu tăng thêm 170 đồng/lít tuy ảnh hưởng không lớn so với việc hạ tải nhưng chắc chắn sẽ gây khó khăn cho các DN” - ông Tiến nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines