Xăng dầu xin ưu đãi đủ thứ rồi… chủ động tăng giá
Nếu giá cơ sở tăng trên 5 -8% so với giá bán lẻ hiện hành, doanh nghiệp gửi đăng ký giá tới cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (liên bộ Tài chính - Công Thương) trước thời gian điều chỉnh 2 ngày làm việc.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo đối với Bộ Công thương khi hoàn thiện Nghị định thay thế Nghị định 84 trong đó có đề cập đến phương án tần suất điều chỉnh giá là 15 ngày, tức mỗi tháng có thể điều chỉnh giá bán 2 lần.
Như vậy với việc điều chỉnh này doanh nghiệp hoàn toàn chủ động trong việc điều chỉnh giá và điều này khiến người tiêu dùng cảm thấy lo ngại hơn. Bởi trong mọi con đường xin cơ chế, các doanh nghiệp xăng dầu đều hướng tới việc điều chỉnh tăng giá bán.
Đơn cử như việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đã không ít lần giá xăng dầu thế giới giảm, song dù trích quỹ bình ổn, giá xăng dầu trong nước vẫn ngược chiều với thế giới.
Lần gầy đây nhất là ngày 1/11, giá dầu thế giới đã giảm mạnh xuống dưới 95 USD mỗi thùng. Cụ thể, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 12 trên sàn giao dịch hàng hóa New York đã giảm 1,77 USD, tương ứng với mức giảm 1,8%, xuống còn 94,61 USD mỗi thùng.
Tính chung cả tuần cuối tháng 10, đầu tháng 11, giá dầu thô đã giảm 3,3%, xuống mức thấp nhất kể từ ngày 21/6 cho tới nay.
Cũng trên sàn giao dịch hàng hóa New York, kết thúc phiên 1/11, giá xăng giao tháng 12 giảm gần 4 cent, tương ứng với mức 1,6%, xuống 2,54 USD mỗi gallon. Như vậy, giá xăng đã giảm 0,8% trong cả tuần.
Thế nhưng, giá xăng dầu trong nước vẫn ngược chiều với thế giới. Việc cố giữ giá này được ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) lý giải rằng: do giá xăng dầu thế giới dao động rất nhỏ nên chưa thể điều chỉnh được nhiều.
"Mặc dù tuần qua, giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm, nhưng chưa đến mức để phải giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước", ông Quyền nhấn mạnh.
Cùng với việc sử dụng Quỹ bình ổn thì hàng loạt ưu đãi khác cũng được Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) kiến nghị lên cơ quan hữu trách.
Cụ thể Petrolimex kiến nghị Bộ Tài chính, Cục hải quan không thu phí chậm nộp thuế trong các trường hợp phát sinh chênh lệch thuế, hay xin cơ chế đặc thù tạm nhập tái xuất xăng dầu.
Như vậy cùng với vàng, điện, than, xăng dầu được xem là mặt hàng có tính chất đặc thù về nguồn cung. Hàng loạt ưu đãi cũng được đưa ra, đến bước cuối là doanh nghiệp được tự ý quyết về giá.
Cũng trong xu thế xin ưu đãi, ngày 7/11 Đảng uỷ khối doanh nghiệp Trung ương còn đề xuất 4 giải pháp về tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) lên Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, kiến nghị cần giao quyền rộng rãi hơn đối với DN hoạt động kinh doanh trong xăng dầu, điện, than... được tự chủ, tự chịu trách nhiệm về giá trong hoạt động sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường trong lúc đang độc quyền.
Theo đánh giá của Đảng uỷ khối doanh nghiệp Trung ương, tính đến hết Quý III-2013, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN nói chung, các đơn vị trong khối DN Trung ương vẫn gặp nhiều khó khăn; phần lớn các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong khối chưa đạt được kết quả theo kế hoạch về doanh thu, lợi nhuận và nộp NSNN.
Đảng uỷ khối DN Trung ương cũng đề nghị, hiện nay phần lớn các tập đoàn, tổng công ty có phần vốn ghi trong giấy phép hoạt động sản xuất kinh doanh đều thấp hơn điều kiện thực tế và quá nhỏ, vì vậy Chính phủ và các bộ, ngành cần có sự đánh giá điều chỉnh và tăng vốn điều lệ để phù hợp với tình hình thực tế của DN.
Điều này có vẻ như trái với thông tin trước đó khi Petrolimex công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2013.
Theo đó, trong báo cáo gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ngày 16/8, Petrolimex cho biết, 6 tháng đầu năm 2013 lợi nhuận hợp nhất trước thuế thu nhập doanh nghiệp của tập đoàn đạt 898 tỷ đồng.
Thế nhưng trong điệp khúc xin tăng giá thì vẫn là câu chuyện doanh nghiệp đang phải bù lỗ. Chính điều này khiến dư luận đặc câu hỏi: sao không phá thế độc quyền, lúc đó các DN phải cạnh tranh sòng phẳng bằng giá bán?
Theo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo