Thị trường

Xăng gánh tới 8.000 đồng/lít thuế môi trường: Bộ Tài chính nói gì?

(DNVN) - Theo lý giải của Bộ Tài chính, trong bối cảnh hội nhập, thuế nhập khẩu sẽ về còn 0-5% nên yêu cầu sẽ cần phải thay đổi cơ cấu thu ngân sách mà việc tăng sắc thuế môi trường là một trong những giải pháp.

Trao đổi trên báo Hải Quan về đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường (BVMT) mới được đưa ra trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường, ông Vũ Khắc Liêm - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, đây là động thái chủ động để ứng phó với việc thuế nhập khẩu xăng, dầu giảm mạnh trong giai đoạn tới.

Theo vị này, hiện Bộ Tài chính mới chỉ đang trong giai đoạn xin ý kiến các bộ ngành, địa phương về điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường. Sau khi có khung, mức tăng cụ thể như thế nào sẽ do Ủy ban Thượng vụ Quốc hội quyết định.

Theo ông Liêm, khoảng 10 năm trước đây, thu thuế phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động xuất nhập khẩu với các loại thuế là thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng hiện nay, việc hội nhập sâu rộng đã khiến các phần thu thuế trước kia bị hụt dẫn đến cơ cấu thu bị thay đổi.

Lấy dẫn chứng đối với xăng, dầu, ông Liêm cho biết, theo cam kết tại Hiệp định Thương mại tự do trong nội khối ASEAN (ATIGA), Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA), Việt Nam phải thực hiện lộ trình cắt giảm mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, trong Biểu thuế ATIGA, mức thuế nhập khẩu đối với các loại dầu là 0%, các loại xăng về 8% vào năm 2021, về 5% vào năm 2023 và 0% vào năm 2024. Trong Biểu thuế ACFTA, mức thuế đối với một số loại dầu về 5% và 8% vào năm 2016. Trong Biểu thuế AKFTA, mức thuế đối với các loại dầu về 0%; các loại xăng về 10% vào năm 2018 và về 8% vào năm 2021.

Theo ông Liêm, căn cứ vào các mốc trên, Nhà nước cần phải điều chỉnh các sắc thuế khác, trong đó có thuế bảo vệ môi trường để thay thế thuế nhập khẩu phải cắt giảm dần theo cam kết quốc tế để đảm bảo sự ổn định của chính sách thuế. Mặt khác, giá bán lẻ xăng, dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN, châu Á nói chung nên việc dùng thuế nội địa bù đắp thuế nhập khẩu cũng giúp giá xăng duy trì sự ổn định, phù hợp với mức giá của các nước xung quanh nhằm hạn chế tình trạng buôn lậu xăng, dầu.

Theo quy định hiện hành, mức thuế bảo vệ môi trường đang được áp dụng cụ thể đối với các mặt hàng xăng, dầu đã bằng hoặc gần bằng mức trần trong khung thuế. Như vậy, trường hợp cần thiết phải điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu để phù hợp với chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ là rất khó. Do đó, việc điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường để làm cơ sở điều chỉnh mức thuế cụ thể trong giai đoạn tới là hết sức cần thiết.

Như tin đã đưa, Bộ Tài chính mới đây vừa công bố Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường để lấy ý kiến rộng rãi. Theo Dự thảo, mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu được kiến nghị tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với hiện nay.

Cụ thể, đối với xăng (trừ xăng etanol) mức thuế dự kiến sẽ tăng từ 1.000 - 4.000 đồng/lít lên 3.000 - 8.000 đồng/lít. Riêng xăng E5 và E10 cũng được đề xuất áp mức từ 2.500 - 7.2000 đồng/lít.

 

Đối với dầu diezel, mức thuế sẽ đánh 3.000-6.000 đồng/lít thay vì 500 - 2.000 đồng như hiện hành. Mỗi kg dầu ma dút cũng có thể sẽ phải chịu thuế tối đa gấp 3 lần hiện nay, tức là tăng 900 - 4.000 đồng, trongg khi đó dầu hỏa sẽ chịu mức thuế từ 300 - 2.000 đồng.

Thông tin này ngay lập tức bị dư luận phản ứng, đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải vì việc đánh thuế này được đánh giá là ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp, đặc biệt là quyền lợi của người dân.

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo