Xăng giảm chín lần, giá cước không thể đứng im
Ngày 7-11, giá xăng dầu tiếp tục giảm, trong đó mỗi lít xăng 95, 92 và xăng sinh học E5 giảm khoảng 950 đồng/lít. Tính từ gần cuối tháng 8-2014 đến nay thì giá xăng đã chín lần giảm liên tiếp.
Trước đó, tháng 9-2014, Bộ GTVT đã đề nghị Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) và hiệp hội vận tải các địa phương giảm giá cước vận tải cho phù hợp. Gần đây, Bộ Tài chính lại tiếp tục đề nghị Bộ GTVT tiếp tục làm việc với các địa phương, các đơn vị liên quan, các doanh nghiệp (DN) vận tải hành khách, hàng hóa tính toán lại giá thành, kê khai lại giá cho phù hợp với biến động của chi phí nhiên liệu và các yếu tố đầu vào.
Taxi vẫn dòm ngó nhau
Thông tin từ hãng Vinasun cho hay giá cước hiện nay vẫn duy trì 11.000-12.000 đồng (giá mở cửa, tùy loại xe) và 16.500-18.500 đồng/km (tới kilomet thứ 30, tùy loại xe)… Hãng Mai Linh thì cho biết từ đầu tuần tới mới có thông tin chi tiết về việc điều chỉnh giảm giá cước taxi. Còn ông Nguyễn Duyên Hiếu, Giám đốc Công ty Vận tải Dầu khí Cửu Long (chủ hãng taxi Dầu khí), cho biết đơn vị đang tính toán điều chỉnh (trong đó có căn cứ bảng giá của các hãng khác). “Mức giảm cụ thể đang được cân nhắc và nếu thuận lợi thì trong hai ngày là có thể hoàn tất việc kiểm định đồng hồ cước” - ông Hiếu nói.
Theo quy định hiện nay, các hãng taxi được tự điều chỉnh (tăng hoặc giảm) giá cước taxi nhưng phải gửi hồ sơ thông báo đến Sở Tài chính, Sở GTVT và Cục Thuế TP. Sau ba ngày, nếu các cơ quan này không có ý kiến phản hồi thì DN được quyền thay đổi. Song khi muốn tăng hoặc giảm giá cước thì phải chờ cơ quan kiểm định “chỉnh” đồng hồ tính cước. Tính ra với khoảng 12.000 xe taxi, có thể phải gần nửa tháng sau các hãng taxi mới hoàn tất việc giảm giá cước.
Tại Đà Nẵng, ông Võ Thành Nhân (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh Bắc Trung Bộ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Đà Nẵng) cho hay taxi Mai Linh đang xem xét giảm giá từ 500 đến 800 đồng/km và sẽ chính thức điều chỉnh từ ngày 10-11. Cũng theo ông Nhân, Hiệp hội Taxi TP Đà Nẵng đã họp để bàn bạc về việc điều chỉnh giảm giá cước taxi trên địa bàn. Vì theo quy luật thị trường, cơ quan quản lý nhà nước chắc chắn sẽ có văn bản nhắc nhở nên Hiệp hội sẽ chủ động trước. “Trong cuộc họp thì tất cả hãng taxi trên địa bàn đều có tinh thần sẽ giảm giá cước. Trên cơ sở nhận định giá xăng sẽ còn giảm nữa nên ít nhất sẽ giảm 800 đồng/km” - ông Nhân báo tin.
Giá cước vận tải: Giảm 4%-5%
Theo ông Nguyễn Văn Bình (chuyên chở hàng từ Kiên Giang lên TP.HCM), một vài chủ xe tải loại lớn (trên 14 tấn) đã giảm giá cước từ 500.000 đồng/tấn xuống còn 480.000 đồng/tấn nhưng đội xe của ông vẫn không giảm giá. “Trước đây khi chưa siết quá tải, xe bốn tấn chúng tôi còn dám “ép” thành 4,5-5 tấn nhưng nay thì không. Lúc bị siết tải trọng, chúng tôi không tăng giá cước nên vừa qua khi giá xăng dầu giảm, chủ hàng cũng thông cảm, không đề nghị giảm giá” - ông Bình giải thích.
Ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty Lâm Vinh chuyên vận chuyển hàng container, lưu ý là giá xăng chiếm tỉ lệ lớn trong giá cước vận tải nhưng không phải cứ giá xăng dầu tăng là tăng giá cước và ngược lại. Ông phân tích: “Giá cước vận tải có “nhảy” hay không còn tùy thuộc vào từng nhóm khách hàng, khu vực vận chuyển. Có một nhóm khách hàng truyền thống khi thực hiện việc siết tải trọng, chúng tôi chia sẻ với họ bằng cách tính cước vận chuyển thấp hơn 5%-10% giá thị trường. Vậy nên lúc này khi giá dầu giảm thì có thể không giảm giá cước. Song với các khách hàng tính theo giá thị trường thì đương nhiên phải giảm giá cước và việc giảm 4%-5% đã được thực hiện cách nay vài ngày. Cụ thể, giá chở container cho một số nơi ở TP.HCM, Bình Dương… giảm 50.000-100.000 đồng/container”.
Tại Cần Thơ, ông Nguyễn Vũ Linh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khách sạn Du lịch Vận tải Vũ Linh, cho biết: “Công ty đã thống nhất điều chỉnh giảm giá vé toàn bộ các tuyến cố định với mức giảm trung bình khoảng 10% và áp dụng từ ngày 9-11. Đơn cử, tuyến Cà Mau - TP.HCM giá cũ là 200.000 đồng/vé nay giảm xuống còn 180.000 đồng/vé, tuyến Cần Thơ - Hà Nội từ 1 triệu đồng/vé giảm xuống còn 900.000 đồng/vé, tuyến Cần Thơ - Cà Mau giá 110.000 đồng giảm xuống còn 100.000 đồng”. Ông Nguyễn Ngọc Đáng, phụ trách điều hành Công ty Xe khách chất lượng cao Tuấn Hưng Chi nhánh Cần Thơ, cũng cho biết: “Dự kiến giá vé mới sẽ giảm so giá cũ khoảng 10%”.
Sáng 8-11, theo ghi nhận của PV tại Bến xe Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) thì các hãng xe chủ yếu chạy tuyến Vũng Tàu - TP.HCM đã có thông báo giảm giá vé. Theo ông Lê Hữu Tiến - Phó bến kiêm điều độ (Công ty Dịch vụ Bến xe tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), các hãng xe chạy tuyến cố định Vũng Tàu - TP.HCM đều đã giảm 5.000 đồng/vé. Sắp tới các hãng xe chạy tuyến về các tỉnh miền Tây cũng sẽ có phương án giảm. Riêng tuyến xe chạy Bắc-Nam thì trước nay ít tăng hoặc giảm giá theo giá xăng dầu.
Ông NGUYỄN VĂN THANH, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam (VATA):
Không muốn cũng phải giảm
Giá xăng dầu chiếm khoảng 40%-50% chi phí cấu thành giá cước vận tải, trong khi đó tính từ đầu năm đến nay giá xăng dầu giảm sâu (khoảng 12%) nên VATA đã đề nghị các DN vận tải giảm giá. Tuy nhiên, giảm bao nhiêu còn phải tính toán, cân nhắc và phải có độ trễ chứ không thể xăng dầu giảm giá là cước vận tải giảm ngay. Ngay cả khi giá xăng dầu tăng, VATA cũng đề nghị các DN tiết giảm chi phí chứ cực chẳng đã mới tăng giá. Cho nên nay giá xăng dầu giảm mạnh, nhà xe không giảm cũng không được vì khó có thể tồn tại trong môi trường vận tải cạnh tranh mạnh như hiện nay. Ngoài ra, trong các hợp đồng vận tải dài hạn, chủ xe và chủ hàng có thỏa thuận tỉ lệ tăng, giảm giá xăng dầu làm cơ sở điều chỉnh giá cước vận tải nên có muốn “đứng yên” cũng không được.
Giá hàng hóa chưa giảm tương ứng
Đại diện siêu thị Maximark (TP.HCM) cho biết mới đây mặt hàng thịt heo của Công ty Vissan giảm 2.000-3.000 đồng/kg, các loại rau củ cũng giảm giá nhẹ. Tuy nhiên, giảm với lý do gì thì siêu thị vẫn chưa có thông tin chính thức. Các mặt hàng tiêu dùng khác thì phải qua tuần siêu thị làm việc với các nhà cung cấp mới biết là có giảm hay không. Đại diện siêu thị Citimart quận 7 cho biết đến nay siêu thị vẫn chưa nhận được thông báo giảm giá từ các nhà cung cấp. Hiện chỉ có các chương trình khuyến mãi dành cho người tiêu dùng. Mỗi năm mỗi trượt giá nên nếu giá ổn định là tốt chứ mong giảm là rất khó.
Tại các chợ lẻ, các mặt hàng rau củ quả không có biến động về giá. Cụ thể, khoai tây Đà Lạt 45.000 đồng/kg, cà chua 10.000 đồng/kg, dưa leo 14.000 đồng/kg, xà lách còn 35.000 đồng/kg. Giá thịt heo các loại như thịt nạc, thịt đùi, thịt ba rọi vẫn dao động 85.000-100.000 đồng/kg…
Một DN trong ngành chế biến thực phẩm cho biết trong hợp đồng vận chuyển có điều khoản sau 15 ngày nếu giá đầu vào tăng/giảm thì DN mới được tăng/giảm. Trước đây khi giá xăng dầu, cước vận tải tăng 20%-30% thì DN cũng yêu cầu DN vận tải tăng chỉ 10%. Do đó dù giá xăng dầu giảm thì DN cũng chia sẻ có qua có lại với DN vận tải nên không yêu cầu giảm giá cước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 10/1/2025: Thị trường vàng tiếp tục đà tăng mạnh
Giá ngoại tệ ngày 10/1/2025: USD tăng mạnh phiên thứ ba liên tiếp
Giá heo hơi ngày 10/1/2025: Miền Bắc tiếp tục duy trì đà tăng
STARLUX mua thêm 5 máy bay vận tải A350F
Giá nông sản ngày 10/1/2025: Cà phê và hồ tiêu giảm sâu bất ngờ
Hàng Việt chiếm ưu thế trên thị trường Tết