Xăng giảm giá 8 lần, chỉ 1 doanh nghiệp taxi giảm giá
Theo Cục Quản lý giá, tính đến thời điểm hiện nay, có 1 DN taxi tại Hà Nội đã giảm giá cước khoảng 300 đồng/km sau 8 lần giá xăng giảm từ đầu năm đến nay.
Mức giảm giá xăng dầu chưa đủ tác động giảm chi phí nhiên liệu?
Về giá cước taxi, theo tin từ Hiệp hội Taxi Hà Nội, lần điều chỉnh giảm giá cước taxi gần nhất vào thời điểm tháng 6-2013, tương ứng giá xăng là 24.110 đồng/lít, mức tăng 500 đồng/km (bình quân từ 11.500 đồng/km lên 12.000 đồng/km).
Riêng 3 hãng taxi: Mai Linh, Group, Vạn Xuân đến tháng 4-2014 điều chỉnh tăng thêm 1 lần so với thời điểm tháng 6-2013, với mức tăng từ 200- 1.000 đồng/km tùy loại xe (tương ứng giá xăng 24.900 đồng/lít).
Tính từ đầu năm 2014 đến nay, giá xăng đã điều chỉnh tăng 5 lần, giảm 8 lần. Mức giá xăng bình quân 10 tháng đầu năm 2014 là 24.469 đồng/lít, cao hơn thời điểm tháng 6-2013 là 359 đồng/lít (tương ứng 1,4%); so với thời điểm tháng 4-2014 thấp hơn 431 đồng/lít (1,7%).
Theo tính toán của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trong cơ cấu giá cước vận tải taxi, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 40- 45%, với biến động giá nhiên liệu bình quân 10 tháng đầu năm 2014 thì chỉ có 3 DN có điều kiện xem xét giảm giá cước là Mai Linh, Group và Vạn Xuân. Các DN khác mức giảm giá xăng dầu vẫn chưa đủ tác động giảm chi phí nhiên liệu đã tính trong giá cước.
Cục Quản lý giá cho biết, theo thông tin từ Hiệp hội Taxi Hà Nội, đến thời điểm hiện tại hãng taxi Group đã thực hiện giảm giá khoảng 300 đồng/km, tương ứng mức giảm khoảng 1,9%.
4 doanh nghiệp vận tải giảm giá
Về cước vận tải tuyến cố định, theo thông tin từ Hiệp hội Ô tô Việt Nam, tuyến vận tải ô tô từ bến xe ô tô miền Đông đi miền Trung hiện tại có 4 DN vận tải giảm giá cước với biên độ nhẹ, khoảng vài phần trăm (%), các tuyến khác chưa có động thái giảm giá.
Theo ý kiến của một số DN cho biết, do chi phí nhiên liệu thời gian vừa qua có giảm, tuy nhiên một số chi phí tăng như chi phí nhân công, sửa chữa, phương tiện… nên DN cần cân nhắc việc giảm giá.
Theo Cục Quản lý giá, hiện nay Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Giá cước vận tài ô tô hiện do đơn vị vận tải tự quy định phù hợp với thị trường và thực hiện kê khai giá cước với cơ quan quản lý Nhà nước, gồm Sở Tài chính, Sở GTVT và Cục Thuế, theo quy định.
Được biết, để tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá cước vận tải, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh tăng cường công tác kiểm soát việc chấp hành pháp luật Nhà nước về giá, trong đó có việc giám sát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp, kiên quyết dừng các trường hợp kê khai tăng giá không phù hợp với tác động của yếu tố đầu vào và mặt bằng giá cả thị trường.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh để có chỉ đạo kiểm soát việc kê khai giá cước phù hợp với biến động của giá xăng, dầu.
Theo Hải quan
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Cột tin quảng cáo