Xăng giảm, nhà xe ì ạch giảm giá, xăng tăng nhà xe vội vàng tăng giá
Từ 21h tối qua (5/5), giá xăng tăng 1.950 đồng/lít. Kể từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ hai giá xăng tăng và điều này có tác động không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp (DN) vận tải. Theo các doanh nghiệp vận tải mức tăng gần 2 nghìn đồng/lít xăng khiến cho việc tăng giá cước vận tải là khó tránh khỏi.
Doanh nghiệp vận tải rục rịch tăng giá cước
Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, Hiệp hội sẽ sớm họp với các DN taxi thành viên tại Hà Nội để tính toán, cân đối phương án kinh doanh. Ông cho biết: “Với mức tăng 2 nghìn đồng/lít xăng, việc tăng giá là khó tránh khỏi và cũng hợp lý. Còn tăng ở mức nào là tùy thuộc từng DN, sự gồng gánh và cân nhắc bài toán kinh doanh của DN. Có thể cũng sẽ có những DN kìm nén, chấp nhận không tăng giá nhưng đồng nghĩa, họ sẽ phải bù lỗ trong một giai đoạn nhất định”.
Ông Nguyễn Thành Đô, Chủ nhiệm HTX Vận tải Thành Đô cho biết, trước tình hình cạnh tranh vận tải gay gắt như hiện nay, việc điều chỉnh giá cước phải tính toán thật kỹ, không thể cứ đầu vào tăng là tăng cước. Ông Đô nói: “Nếu không cân nhắc, tính toán linh hoạt, thì có khi tăng giá một ít lại mất nhiều thứ hơn. Nhưng nếu xăng dầu tăng mạnh quá, thì DN cũng không thể gồng mình chịu lỗ mãi được.”
Trong khi đó ông Nguyễn Công Hùng, Phó tổng giám đốc Taxi Mai Linh Đông Bắc Bộ cũng bày tỏ, dù thông tin tăng giá xăng đã râm ran vài ngày qua, nhưng mức tăng gần 2 nghìn đồng/lít thì đến tối 5/5 DN mới biết nên Mai Linh chưa có kế hoạch điều chỉnh giá cước. “Chúng tôi sẽ họp bàn, cân nhắc lại bài toán kinh doanh, lấy ý kiến lái xe trước khi có một điều chỉnh nào đó. Trong giai đoạn vận tải cạnh tranh ngày càng khốc liệt này, DN cần tính toán thận trọng”, ông Hùng nói.
Giá xăng giảm nhà xe ì ạch giảm giá
Cuối năm 2014, giá xăng giảm mạnh 2.050 đồng mỗi lít nhưng rất nhiều doanh nghiệp chậm điều chỉnh giá cước. Chỉ đến khi các sở ngành chức năng tiến hành thanh kiểm tra mạnh thì các doanh nghiệp mới đồng loạt giảm giá. Bộ Tài chính đã phải ra quyết định phạt tiền từ 20- 25 triệu đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải ô tô chậm giảm cước.
Ngày 6/1, giá xăng lại tiếp tục giảm với mức hơn 300 đồng/lít (giá xăng đã giảm tới 35% so với mức ở giai đoạn cao nhất). Tuy nhiên, giá cước vận tải vẫn giảm nhỏ giọt. Điều này hoàn toàn trái ngược với các giai đoạn trước, khi xăng chỉ cần tăng giá 500-1.000 đồng/lít là các DNVT, nhất là DN kinh doanh taxi, lập tức điều chỉnh tăng giá cước.
TheoSở Tài chính Hà Nội, trong số 69/114 DN taxi trên địa bàn Thủ đô đăng ký giảm giá cước, thì hơn 50 đơn vị giảm 200-500 đồng/km (2-5%); 15 đơn vị giảm 800-1.000 đồng/km (5-8%). Chỉ có vài trường hợp giảm 1.200-1.500 đồng/km (10-11%). Trong khi đó, các chuyên gia tính toán, hãng taxi phải giảm 1.200-1.300 đồng/km thì mới phù hợp. Tương tự, xe khách chạy tuyến Nam Định - Hà Nội có giá cước 70.000 đồng, thì phải giảm 7.000-8.000 đồng/vé mới hợp lý.
Thiết nghĩ, việc các doanh nghiệp tăng giá cước vận tải khi giá xăng dầu tăng là điều hợp lý. Tuy nhiên, thật khó chấp nhận khi các doanh nghiệp ì ạch việc chậm giảm giá cước, hoặc giảm giá nhỏ giọt khi giá xăng giảm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao