Xã hội

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh

Hội thảo về chủ đề này nhằm tiếp thu các góp ý của các nhóm khách thể nhằm xây dựng những qui định cụ thể, đơn giản, dễ thực hiện.

Sáng 8/12, tại Hà Nội diễn ra hội thảo “Xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh". Hội thảo do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội và Khoa Quốc tế-Đại học Quốc gia Hà Nội đồng tổ chức.

Mục đích của hội thảo nhằm tiếp thu các góp ý của đại diện các nhóm khách thể nhằm xây dựng những qui định cụ thể, đơn giản, dễ thực hiện nhưng lại cơ bản, thiết thực, vừa đảm bảo được quyền của mỗi công dân nhưng cũng làm rõ được nghĩa vụ củ mỗi cá nhân trước cộng đồng, xã hội.

Hội thảo qui tụ gần 200 đại biểu là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực văn hóa, quản lý của các cơ quan hành chính trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, khu dân cư, nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tại hội thảo, ngoài các bài tham luận, các đại biểu đã tham gia thảo luận các vấn đề liên quan tới văn hóa ứng xử tại cơ quan hành chính, bệnh viện và trường học, văn hóa ứng xử tại các doanh nghiệp và văn hóa ứng xử tại nơi dân cư và nơi công cộng và việc xây dựng các hệ thống quy tắc nhằm điều chỉnh các hành vi ứng xử đó.

Ông Nguyễn Khắc Lợi-Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội cho biết: “Hệ qui tắc ứng xử là một yêu cầu hết sức quan trọng mà nó là một yêu cầu lớn trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Nếu như chúng ta có thể xây dựng mô hình gia đình văn hóa, các thực hiện nếp sống văn minh thì cái đó tạo ra một môi trường, nhưng về xây dựng con người thì trọng tâm là văn hóa ứng xử.”

Các đại biểu cũng tập trung phân tích về sự xuống cấp văn hóa ứng xử trong cộng đồng, những hiện tượng tiêu cực gần đây trong ứng xử đã đặt ra những vấn đề đáng báo động về văn hóa ứng xử ở Hà Nội.

Phát biểu tại hội thảo, bên cạnh việc bày tỏ sự lo ngại sẽ mất đi cái tiếng người Hà Nội thanh lịch, TS. Lê Thị Bích Hồng – Phó Vụ trưởng Vụ VH –VN Ban Tuyên giáo TƯ còn chia sẻ tâm tư của một người tâm huyết với Hà Nội: “Tôi có cảm giác rất buồn. Mình hòa trong đó, là công dân ở đó mà mình tự thấy buồn. Những cái xung quanh, những cái hiện hữu, những cái mắt thấy tai nghe về văn hóa trong công sở, văn hóa ở đường phố, văn hóa ở mọi giai tầng xã hội, tại sao tôi lại thấy nó thiếu thế.”

PGS.TS Phạm Quang Long-Giám đốc sở VHTT&DL Hà Nội cho rằng: “Hiện nay những khía cạnh tiêu cực của văn hóa ứng xử đang làm phiền lòng nhiều người, thậm chí làm tổn hại đến hình ảnh của một cộng đồng dân cư, một địa phương, thậm chí là một dân tộc”. Ông Long cũng cho biết: “Xây dựng những nguyên tắc ứng xử không có nghĩa là chúng ta bắt đầu từ số không – xây dựng mới toàn bộ những qui tắc đó mà đúc kết từ những nguyên tắc mang tính truyền thống kết hợp với việc điều chỉnh, bổ sung, xây mới phù hợp với nhu cầu của đời sống”.

Hội thảo đã đi đúng vào những vấn đề đang gây ra những bức xúc trong xã hội thành những vấn đề cần giải quyết mà mục tiêu của cuộc hội thảo này là khơi dậy, đánh thức ý thức trách nhiệm của toàn xã hội nhằm tạo ra những chuyển biến trong nhận thức của từ cơ quan công quyền, các cấp lãnh đạo, trách nhiệm xã hội của các cơ quan chuyên môn, của nhân dân nói chung nhằm làm cho văn hóa ứng xử của toàn xã hội của địa bàn Hà Nội chúng ta vận động theo hướng tốt hơn.

“Xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” là hội thảo đầu tiên về chủ đề Xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử của thành phố Hà Nội, là sự kiện mở màn cho hàng loạt các hoạt động tiếp theo kéo dài đến năm 2015 nhằm triển khai có hiệu quả chương trình của Thành ủy về “Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011-2015”./.

 

 

Hồng Lĩnh (Theo VOV)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo