Xây mới cầu Chương Dương: Việc cực chẳng đã
(ĐVO) Liên quan tới ý tưởng thay thế cầu Chương Dương (Hà Nội), PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, nước ta không có thói quen chăm lo, bảo trì công trình, nên ngành giao thông vận tải đang phải chịu khổ vì những hậu quả do việc đó để lại.
Việc cầu Chương Dương xuống cấp, theo TS Trần Chủng, không thể đổ lỗi cho quá trình xây dựng cầu, vì thời điểm xây là những năm 80, lúc đó đất nước đang thời kỳ khó khăn, thép làm cầu được thu gom từ nhiều cầu dã chiến ngày xưa, và phần thừa của quá trình xây dựng cầu Thăng Long. Sau một thời gian khai thác khó tránh khỏi tác động nhất định tới kết cấu dầm cầu phía dưới.
“Cần xem xét thỏa đáng, cái gì có thể sửa chữa, khắc phục được thì nên sửa. Như cầu Long Biên xây dựng đã hơn trăm năm, chúng ta vẫn sửa được. Mới dùng được mấy chục năm mà cứ hỏng lại phá xây mới, phủ nhận tất cả là rất không nên. Phải đánh giá hết xem lỗi ở đâu, có khắc phục được không, chứ không phải theo ý kiến cứ thấy vài hiện tượng hư hỏng thì quyết định thay thế nó”, ông Chủng thẳng thắn nhìn nhận.
Về quan điểm xây lại vì cầu quá xấu, theo ông Chủng, dù nó có xấu thì cũng là tiền của dân, là dấu ấn một thời của xây dựng, giao thông, nên nếu còn khắc phục được thì nên khắc phục, ngoài ra có thể hạn chế các loại phương tiện tải trọng lớn qua lại…
Theo chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thủy, cầu Chương Dương được thiết kế chỉ khoảng 7.000 phương tiện/ngày, tuy nhiên, trong nhiều năm liền lưu lượng phương tiện qua cầu lên tới trên 20.000 phương tiện/ngày, sự quá tải đó làm ảnh hưởng tới chất lượng cầu là đương nhiên. Tới nay nó đã hoàn thành sứ mệnh của mình.
“Theo tôi, nếu được thì đại tu, sửa chữa, còn xây mới thì “cực chẳng đã” mới làm, vì xây mới chi phí sẽ rất tốn kém, điều kiện hiện nay chưa phù hợp để làm cầu mới”, TS. Thủy nêu quan điểm.
Theo ông, việc xây mới để cầu đẹp hơn cũng tốt, nhưng cần cân nhắc kỹ, vì tiền thuế của dân phải được sử dụng hợp lý. TS. Thủy dẫn trường hợp hầm Thủ Thiêm ở TP.Hồ Chí Minh (hơn 2.000 tỷ đồng), mà theo ông là một đầu tư sai lầm. Vì chi phí lớn, trong khi nước ta còn nghèo, chi phí xây hầm Thủ Thiêm có thể làm được 2, 3 cầu loại như cầu Rồng của Đà Nẵng, còn nếu làm như cầu Chương Dương phải được 4, 5 cái.
Về quan điểm xây cầu mới đẹp hơn cho tương xứng với tầm vóc Thủ đô, theo ông Thủy, Hà Nội chưa có cầu đẹp là tầm nhìn chưa tốt, các cầu như Vĩnh Tuy, Thanh Trì được làm đơn giản chỉ để đi, “nồi đồng cối đá”, chứ chưa có dấu ấn kiến trúc, cảnh quan, giờ thấy Đà Nẵng làm bao nhiêu cầu đẹp mới sực tỉnh.
“Tôi nghĩ ý tưởng là tốt, nhưng giờ chi phí rất lớn. Nên chăng có phương án nào đó để nâng cấp cầu cũ, tôi hơi tiếc cầu Chương Dương vì có giá trị lịch sử nhiều. Dù cầu Chương Dương được xây theo phương án nào, nhưng nếu người thi công tốt thì tuổi thọ của nó cũng không phải ngắn, như cầu Long Biên tới nay cũng đã hơn 100 năm vẫn tốt, và cách xây dưng cũng gần giống nhau”, TS. Thủy nêu quan điểm.
Đoàn Vân
End of content
Không có tin nào tiếp theo