Xây nhà trên hành lang thủy lợi, chính quyền nói không biết
Ngày 08/10/2014 UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5168/QĐ-UBND, phê duyệt chỉ giới hành lang bảo vệ công trình thuỷ lợi sông Nhuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo Quyết định này, chỉ giới hành lang bảo vệ công trình thuỷ lợi sông Nhuệ tỷ lệ 1/500 do Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội lập và hoàn thành thành trong tháng 9/2014, được Sở NN&PTNT thôn thẩm định, tuyến đê sông Nhuệ đi qua địa bàn các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông và các huyện Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hoà với chiều dài 62km. Cụ thể, điểm đầu từ vị trí cống Liên Mạc (Bắc Từ Liêm), điểm cuối hết địa phận hành chính Hà Nội thuộc huyện Ứng Hoà. Đây là công trình thuỷ lợi cấp I.
Về phạm vi bảo vệ công trình được xác định, từ cống Liên Mạc đến hết địa bàn quận Nam Từ Liêm dài 14km: Những đoạn sông hình thành bờ đê, phạm vi bảo vệ tính từ chân mái ngoài bờ đê trở ra là 5m; riêng đối với đoạn quy hoạch để xây dựng bể lắng bùn cát, phạm vi bảo vệ tính từ chân mái ngoài bờ đê trở ra là 25m. Những đoạn sông không hình thành bờ đê, phạm vi bảo vệ tính từ tim sông trở ra phía không hình thành bờ đê là 50m.
Mới đây, báo Doanh nghiệp Việt Nam có nhận được phản ánh của người dân về việc hai ngôi nhà tại số 315 và 406 đường K2, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội xây dựng không phép. Qua tìm hiểu thực tế của PV, hai ngôi nhà trên đều được xây từ 2-2,5 tầng kiên cố. Nhìn từ ngoài vào, ngôi nhà tại số 406 như một biệt thự, cổng cửa thiết kế khá cầu kỳ. Xung quanh là những căn nhà tạm, phòng trọ để cho thuê, cửa hàng buôn bán, xưởng cơ khí…
Đáng nói hơn, hàng trăm công trình ở khu vực này dù là nhà cao tầng hay nhà tạm thì đều là công trình xây dựng trái phép. Vi phạm nghiêm trọng diễn ra ngang nhiên từ rất lâu trên đất quy hoạch hành lang sông Nhuệ đã gây nhiều bức xúc trong dư luận. Trong vai người đi tìm mua đất, PV được một người dân cho biết lâu nay chính quyền địa phương không quản lý, hầu như thả lỏng cho các hộ dân ở đó (khu vực quy hoạch hành lang sông Nhuệ-PV) xây sửa, thậm chí tự gắn biển số nhà.(?!)
Để làm rõ vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Sơn-Phó Chủ tịch UBND phường Cầu Diễn. Ông Sơn cho biết: Trên tuyến đường K2 đại bộ phận, dân cư sinh sống rất đông từ khi thành lập thị trấn vào năm 1982. Phía bên trái nghĩa là phía Đông của đường K2, là diện tích đất được cơ quan Nhà nước giao cho các đơn vị, doanh nghiệp từ những năm 50-60, sau đó sử dụng một phần và cấp cho cán bộ công nhân viên xây nhà tập thể, nhà tạm để ở.
Phía Tây K2 giáp sông Nhuệ có những khoảng đất lưu không gần sông, cũng do nhiều năm trước đây nhiều trường hợp cá nhân tự chiếm dụng, qua nhiều năm sinh sống, phát triển thành nhiều hộ.Theo ông Sơn, những trường hợp này huyện Từ Liêm không cấp được giấy chứng nhận do nhà, đất ở nằm trong quy hoạch hành lang sông Nhuệ, không hợp thức hóa được cũng như không được phép xây dựng.
“Những năm trước đây, nhiều trường hợp không làm được nhà kiên cố. Tính từ thời điểm tháng 4/2014 khi tôi về nhận công tác tại địa bàn khi phường mới được thành lập, các trường hợp vi phạm chúng tôi đã xử lý. Tuy nhiên, với trường hợp hai ngôi nhà số 315 và 406 K2 Cầu Diễn thì chúng tôi chưa phát hiện thấy. Sau khi nhận được phản ánh, chúng tôi sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra lại. Nếu vi phạm thì chính quyền sẽ xử lý thông qua hình thức phạt hành chính hoặc khôi phục hiện trạng như ban đầu. Không có chuyện không xin được giấy phép thì lại tìm cách xây trái phép”, ông Sơn khẳng định.
Hai ngôi nhà xây dựng trái phép diễn ra ngang nhiên như vậy mà chính quyền lại không phát hiện được hay cố tình lờ đi? Có hay không sự buông lỏng, dung túng đằng sau của chính quyền địa phương trong sự việc này?
Trả lời thêm về vấn đề này, ông Đỗ Nhâm – Thanh tra Xây dựng phường Cầu Diễn cho rằng: Với quan điểm cán bộ chuyên môn và góc độ quản lý của chính quyền, những trường hợp này phải được xác nhận lại. Cũng theo ông Nhâm, đặc thù dân cư đã ở ổn định nhiều năm, hai ngôi nhà đó có thể xuống cấp nên người dân tiến hành cải tạo, sửa chữa. Vị thanh tra này cũng khẳng định sẽ xác minh lại công trình xem thuộc gia đình nhà ai, xây ở thời điểm nào, nếu là sửa chữa, cải tạo thì cũng nên “tạo điều kiện cho họ”.
“Có thể công trình xây dựng ở vào thời điểm chúng tôi chưa về nhận công tác. Chứ công trình to như thế mà bảo không kiểm soát, giám sát được thì quá vô lý”, ông Nhâm nói.
Sông Nhuệ không chỉ là nơi cung cấp nguồn nước cho việc sản xuất nông nghiệp mà còn là nơi thoát lũ của Hà Nội. Phạm vi bảo vệ công trình trên địa bàn quận Nam Từ Liêm là khá lớn, nếu tình trang các hộ dân ngang nhiên lấn chiếm, xây dựng không phép tiếp tục diễn ra, thậm chí “đua nhau” liên tiếp xây lên nhiều ngôi nhà cao tầng khác thì con sông Nhuệ còn bị “bức tử” đến bao giờ?
Liệu có phải chính quyền đã thờ ơ trước những chỉ đạo quyết liệt từ UBND Thành phố trong Năm trật tự và văn minh đô thị? Nhiều người dân muốn xây dựng sửa chữa ngôi nhà của mình để ở không được, tại sao lại có những ngôi nhà cao tầng sừng sững mọc lên trong khu quy hoạch bờ đê sông nhuệ? Chính quyền quận Nam Từ Liêm nói gì về điều này Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục cung cấp thông tin cho bạn đọc xung quanh sự việc này...
End of content
Không có tin nào tiếp theo