Pháp luật

Xây sai phép nhưng hợp quy hoạch, xử lý sao?

Đang có sự bất hợp lý trong việc xử phạt công trình sai phép và công trình không phép.

Theo Nghị định 23/2009 về xử phạt vi phạm trong xây dựng và Thông tư 24/2009 của Bộ Xây dựng, công trình xây sai phép phải bị tháo dỡ để thực hiện cho đúng giấy phép.

 

Nhưng trên thực tế, không ít lần các cơ quan chức năng lại chùn tay trong việc buộc những công trình lớn phải tháo dỡ phần xây dựng sai phép (nhất là khi vẫn phù hợp quy hoạch).

 

“Quá lãng phí mà cũng vô lý”

 

“Công trình xây dựng sai phép mà vi phạm quy hoạch thì chắc chắnphải tháo dỡ ngay để bảo vệ quy hoạch. Chủ đầu tư có muốn xin điều chỉnh cũng không được. Điển hình là các trường hợp bị cắt ngọn ở quận 1 vừa qua. Nhưng với trường hợp vẫn phù hợp quy hoạch, thật sự chúng tôi rất khó xử khi buộc chủ đầu tư phải tháo dỡ toàn bộ phần sai phép” - một cán bộ có thẩm quyền trong ngành xây dựng bộc bạch về việc xử phạt các cao ốc xây dựng sai phép tại TP.Hồ Chí Minh.

 

Ông nêu tình huống: Theo quy hoạch, khu vực này được xây tới 15 tầng nhưng chủ đầu tư lúc đầu chỉ xin phép xây dựng 12 tầng. Trong quá trình thi công, chủ đầu tư không điều chỉnh giấy phép mà lại xây luôn 13 tầng. Chiếu theo quy định, cơ quan quản lý phải yêu cầu tháo dỡ tầng 13 do xây lố giấy phép.

 

“Nghịch lý ở chỗ sau đó chủ đầu tư cũng được cho điều chỉnh giấy phép và xây lại với quy mô này. Như vậy, việc tháo dỡ sẽ gây lãng phí lớn mà cũng rất vô lý dù hợp luật” - ông bày tỏ.

 

Theo ông, nếu so sánh và đánh đồng hai loại vi phạm (một bên phù hợp, một bên không phù hợp quy hoạch) thì sẽ có sự khập khiễng vì tính chất, hậu quả trong hai trường hợp này hoàn toàn khác biệt.

 

 

 

Về việc một số nhà ở riêng lẻ xây sai phép bị đập, cắt ngọn thời gian qua, ông cho biết hầu hết đều là những trường hợp vi phạm quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng. Còn trường hợp sai phép mà vẫn nằm trong giới hạn quy hoạch thì rất hiếm khi bị cưỡng chế mặc dù cũng có quyết định xử phạt buộc tháo dỡ.

 

Không phép lại xử nhẹ hơn sai phép

 

Liên quan tới vấn đề này, ông Quách Hồng Tuyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.Hồ Chí Minh, cho biết thêm: Đang có sự bất hợp lý trong việc xử phạt công trình sai phép và công trình không phép.

 

“Theo Nghị định 23, khi vi phạm điều kiện khởi công công trình (không có giấy phép xây dựng), chủ đầu tư bị phạt tiền và phải bổ sung giấy phép. Trong khi đó, xây sai phép thì bị yêu cầu tháo dỡ dù vẫn có thể điều chỉnh” - ông Tuyến nhận xét.

 

Tại một hội thảo góp ý cho Nghị định 23, có ý kiến cho rằng xây dựng không phép là vi phạm nghiêm trọng, phải xử phạt nặng hơn xây dựng sai phép.

 

Lúc đó Bộ Xây dựng trả lời: Chủ đầu tư xây dựng không phép tức là không biết luật nên cần được tạo điều kiện. Còn người đã xin phép xây dựng tức hiểu luật mà vẫn làm sai, do vậy cần phải phạt thật nặng.

 

Tuy đưa ra lý lẽ như vậy nhưng trong vụ xử lý sai phép tại dự án đảo Kim Cương (quận 2, TP.Hồ Chí Minh) vừa qua, chính Bộ Xây dựng lại tự mâu thuẫn khi đề nghị cho chủ đầu tư được điều chỉnh thiết kế cho phù hợp thực tế.

 

Điều đó cho thấy Bộ cũng rất khó xử trong việc yêu cầu thực hiện nghiêm quy định do mình đưa ra. Nhưng tha thì lại không có cơ sở pháp lý, do đó hiện Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân Thành phố “đẩy qua đẩy lại” trong việc xử phạt như thế nào đối với công trình này.

 

Thực tế trên cho thấy nên chăng Bộ Xây dựng cần xem hợp quy hoạch là tiêu chí quan trọng nhất được xét đến khi xử lý xây dựng sai phép. “Nên phạt tiền thật nặng đối với hành vi xây dựng không phép hay sai phép, còn việc buộc tháo dỡ trong trường hợp phù hợp quy hoạch thì cần xem xét lại, bởi điều đó quả thật gặp nhiều khó khăn” - ông Quách Hồng Tuyến góp ý.

 

Một số công trình, dự án từng được “tha” tại TP.Hồ Chí Minh

- Cao ốc Pacific, quận 3: Giấy phép xây dựng cho ba tầng hầm, chủ đầu tư xây thành năm tầng hầm và sau đó được phép giữ theo hiện trạng.

- Cao ốc 258 Bến Chương Dương (nay là đại lộ Võ Văn Kiệt): Xây sai phép từ tầng 1-20 với tổng diện tích sai phép khoảng 430 m2. Chủ đầu tư tháo dỡ khoảng 1/3, xin tồn tại phần còn lại và được đồng ý.

- Cao ốc của Tập đoàn Bảo Việt (233 Đồng Khởi, quận 1): Xây sai phép gần 300 m2. Thành phố đồng ý cho tồn tại nhưng yêu cầu bố trí thành mảng xanh.

- 600 căn nhà tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng xây sai kiến trúc mặt tiền so với nhà mẫu.

Theo PL TP.HCM

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo