Xây thêm đường cao tốc nối thẳng tới Long Thành
Theo kế hoạch của Bộ GTVT, tháng 5, đường cao tốc Bến Lức – Long Thành kết nối vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ sẽ được khởi công.
Thêm tuyến đường đến với Long Thành
Tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn đưa tin, đường cao tốc Bến Lức – Long Thành được coi là mảnh ghép cuối cùng để liên kết 4 tỉnh Long An, TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu bằng hệ thống đường cao tốc.
Dự án có tổng chiều dài 57,8 km đi qua 3 địa phương là Long An, TP.HCM, Đồng Nai, được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với tốc độ thiết kế 120km/giờ, gồm 8 làn xe (giai đoạn 1 xây dựng 4 làn xe).
Dự án có tổng mức đầu tư 31.320 tỉ đồng được vay từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Theo báo cáo của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) do hiện nay giá nhân công, giá vật liệu xây dựng tăng nên tổng mức đầu tư có thể tăng thêm 10.000 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư đã được duyệt.
Tuy nhiên, để đảm bảo tổng mức đầu tư đã duyệt, Bộ GTVT đã điều chỉnh vận tốc thiết kế, thay đổi một số vị trí cầu cạn thành nền đường đắp; đồng thời cầu Phước Khánh, Bình Khánh cũng phải thay đổi từ dầm thép sang dầm bê tông cốt thép. Khi điều chỉnh thiết kế, dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành đã giảm 8.464 tỉ đồng.
Sau khi hoàn thành, đường cao tốc Bến Lức – Long Thành sẽ tạo thành trục giao thông kết nối liên vùng giữa vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ để nối trực tiếp với hệ thống cảng biển Hiệp Phước, Cái Mép - Thị Vải và sân bay quốc tế Long Thành.
Nhiều dự án có đường nối đến Long Thành
Trước đó, ngày 2/1, Bộ GTVT, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đã tổ chức thông xe kỹ thuật, đưa vào khai thác tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành- Dầu Giây.
Đoạn tuyến đưa vào khai thác dài 20 km nằm trên tuyến đường cao tốc gồm 4 làn xe, tốc độ tối đa khi đi lưu thông là 100 km/h, tốc độ tối thiểu là 60 km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu là 80m.
Việc đưa 20 km đầu tiên của tuyến cao tốc vào khai thác nhằm giải quyết nhu cầu đi lại của người dân tăng cao trong dịp cuối năm, góp phần rút ngắn thời gian lưu thông đoạn đường 45 km từ TPHCM đi Long Thành, Đồng Nai từ 60 phút xuống chỉ còn 20 phút.
Tiếp đó, ngày 20/2, tỉnh Bình Dương đã khánh thành tòa nhà chính trị hành chính tập trung.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam cho biết, TP mới nằm ở vị trí rất thuận lợi để kết nối với vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, các tỉnh Tây nguyên, miền Tây Nam Bộ, và đặc biệt là kết nối với TP.HCM thông qua các trục đường giao thông lớn như đường Xuyên Á, đường Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, các tuyến vành đai ngoài sẽ kết nối đến sân bay quốc tế Long Thành, các cảng biển quốc tế.
Trong đó, tuyến Mỹ Phước – Tân Vạn là tuyến đầu tư xây dựng nhằm kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như cảng Thị Vải, sân bay Long Thành… Tuyến này dài 26,7 km, quy mô 6 làn xe với tổng vốn đầu tư 1.794 tỷ đồng.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng trên diện tích hơn 5.000ha, đây là cảng hàng không cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO, với chức năng trung chuyển trong khu vực Đông Nam Á, có khả năng cạnh tranh với các cảng hàng không lớn trên thế giới, tiếp nhận được máy bay loại A380-800 hoặc tương đương.
Về quy hoạch khu sân bay, từ nay đến năm 2014 là giai đoạn chuẩn bị đầu tư và thu xếp tài chính, khởi công vào năm 2015.
Giai đoạn 1 sân bay sẽ được đầu tư với tổng kinh phí hơn 6.740 triệu USD và chính thức vận hành, khai thác vào năm 2020, công suất đạt 25 triệu hành khách/năm và ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Giai đoạn 2 (đến năm 2030) cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ có ba đường cất hạ cánh, công suất 50 triệu khách và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Giai đoạn 3 (sau năm 2030) sẽ gồm bốn đường cất hạ cánh song song và bốn nhà ga, tổng công suất 100 triệu khách và 5 triệu tấn hàng hóa/năm...
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Trong tương lai cảng hàng không quốc tế Long Thành được phát triển thành khu hàng không dân dụng, trở thành lĩnh vực kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Cũng theo ông Thăng, cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo