Xã hội

Xe cán bộ gắn biển số giả: Những lý giải 'không đụng hàng'

Một chiếc xe sử dụng biển số giả có thể bị nghi ngờ ngay về nguồn gốc. Việc chạy xe gắn biển số giả cũng là vi phạm các quy định của pháp luật. Thế nhưng, khi chiếc xe mang biển số giả ấy do những người có chức vụ sở hữu, thậm chí là cảnh sát giao thông, thì có rất nhiều cách giải thích “mới, lạ”.

 Gần đây, nhiều vụ việc các công chức có chức vụ như chủ tịch UBND thị trấn, trưởng BQL Khu kinh tế, đội phó đội CSGT huyện... đi xe có biển số giả bị phát hiện. Thậm chí, có chiếc xe được xác định thuộc sở hữu của công an tỉnh cũng ngang nhiên gắn biển số giả để lưu thông.

Những tưởng phát hiện xe biển số giả là thao tác nghiệp vụ căn bản của mỗi một cảnh sát giao thông, đặc biệt, khi đó là xe của người dân bình thường thì khó lòng mà lọt khỏi mắt của cơ quan chức năng này. Thế nhưng vì sao các trường hợp trên, đa phần là xế hộp (càng dễ nhận biết) có thể ung dung vi vu biển số giả cả năm trời mà không ai biết, trừ… người dân.
 
Từ tài xế tự ý gắn biển giả lên xe sếp
 
Vụ việc ồn ào mới đây nhất xảy ra ở tỉnh Hà Tĩnh khiến bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, ông Nguyễn Thanh Bình và phó Chủ nhiệm thường trực UB Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Tĩnh, bà Nguyễn Thị Gái phải chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy vào cuộc điều tra và sớm có kết quả báo cáo. Thậm chí Bộ Tài chính cũng đã phải vào cuộc yêu cầu báo cáo về vụ việc.
 
Chiếc xe Land Cruiser GX.R V8 do ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng BQL Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh đang sử dụng hơn một nay chưa đăng ký biển số. Thế nhưng nó vẫn xuất hiện trên đường phố với tấm biển đàng hoàng gắn số 38A – 00023.
 
 
Giải thích cho việc này, chủ xe, ông Tuấn nói đây là lỗi của tài xế chứ ông hoàn toàn không biết gì cho đến khi báo chí đưa tin. Ông Tuấn cho rằng vì mình không kiểm tra kỹ nên lầm tưởng cơ quan đã đưa xe đi đăng ký và đây là biển số được cấp, đồng thời, ông sẽ “chịu trách nhiệm một phần” vì liên đới với chiếc biển số giả kia.
 
Về phía lái xe, ông Tuấn cho biết đã “khiển trách” vì gắn biển số giả mà không báo cáo. Theo Đại tá Võ Trọng Hùng, Trưởng phòng CSGT Công an Hà Tĩnh, người tài xế này chỉ cho biết thông tin mua biển số giả ở địa bàn tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, cánh tài xế cho hay, việc gắn biển số cho một chiếc xe công, dù là biển giả hay biển thật, cũng không thể do tài xế quyết định.
 
Chiếc xe này sau đó đã được ông Tuấn gỡ bỏ biển số giả, trả lại cho ủy ban tỉnh. “Nếu sau này ủy ban cấp lại chúng tôi sẽ nhận”, ông Tuấn “làm rõ” thêm.
 
Đến con gắn biển giả cho xe cha
 
Chiều 16-7-2014, Trung tá Lê Hồng Anh, đội trưởng Đội CSGT huyện Hương Sơn, cho biết quá trình điều tra, xác minh nguồn gốc chiếc xe ô tô Mitsubishi biển số giả 37A-009.69 được đăng ký sở hữu của Công ty XNK Phathana, trụ sở tại thị xã Pakxane, tỉnh Bô Ly Khăm Xay, Lào.
 
Chiếc xe này được ông Nguyễn Kim Hào, Chủ tịch UBND thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, sử dụng làm dấy lên nghi ngờ cán bộ đi xe biển số giả.
 
 
 
Tuy nhiên, giải thích về chiếc xe này, ông Đặng Quốc Hùng cho biết mình thuê để đi lại, làm ăn bên nước bạn Lào, với hợp đồng 36 tháng. Khi về Việt Nam, con trai của ông Hùng lấy xe đi đám cưới nhưng không muốn dùng biển số nước ngoài nên đã tự ý tháo biển và lắp BKS 37A-009.69. Việc lắp biển số giả và nguồn gốc ở đâu thì ông Hùng không biết.
 
Sau đó, ông Hùng đem chiếc xe này cho ông Hào mượn. Khi báo chí phản ánh, ông Hùng đã lắp lại biển số Lào và trả lại cho công ty Phathana.
 
Trung tá Anh cho biết, tại thời điểm xác minh vụ việc, chiếc xe đã về đến Lào, con trai ông Hùng cũng không ở Việt Nam nên không có cơ sở để xử lý. Còn ông Hùng và ông Hảo do không có liên quan nên chỉ xử lý bằng bài học “kinh điển” có tên: rút kinh nghiệm.
 
Công an tỉnh xài hai xe một biển số
 
Chiếc biển số “hàng hiếm” 36B – 6789, được dân chơi xe đọc trại đi là “san bằng tất cả” khá nổi tiếng ở tỉnh Thanh Hóa. Lý do không chỉ bởi ý nghĩa của nó mà còn vì chiếc biển số này đồng thời được gắn trên… hai chiếc xe của công an tỉnh. Một là chiếc Lexus 350 màu đen và chiếc khác là Toyota Corolla màu trắng. 
 
Đại tá Lưu Thiện Minh, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa, cũng đã xác nhận hai chiếc xe biển xanh cùng mang biển kiểm soát 36B - 6789 mà dư luận phản ánh đều thuộc sở hữu của Công an tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, chiếc xe Toyota là biển thật, được đăng ký sử dụng vào tháng 11-2009. Còn chiếc Lexus 350 là chưa được cấp biển số.
 
 
Theo thiếu tá Trịnh Cao Cường, Đội phó Đội đăng ký, Phòng CSGT Công an Thanh Hóa, chiếc Lexus là xe nhập lậu, được UBND tỉnh thanh lý cho Công an. "Cho đến thời điểm này, chiếc xe màu đen vẫn chưa được đăng ký vì còn vướng mắc một số thủ tục", thiếu tá Cường khẳng định.
 
Theo Đại tá Trần Văn Thực, Chánh văn phòng Công an tỉnh Thanh Hóa, chiếc xe Toyota đã xuống cấp nên cơ quan đổi sang dùng chiếc Lexus. Vì biển số 36B - 6789 đã được sử dụng từ lâu, gắn liền với truyền thống công an tỉnh nên cơ quan muốn giữ lại. Nhưng khi hai chiếc xe nằm trong gara bảo dưỡng chờ đổi số thì bị người dân phát hiện.
 
Tuy nhiên, sự việc đã khiến dư luận khó chấp nhận vì rõ ràng khi chưa được cấp biển số mà đã tự ý gắn biển giả là vi phạm. Đại tá Minh cho biết phòng đang cho kiểm tra lại, nếu xe chưa có biển mà đeo biển giả thì sẽ tịch thu biển và xử phạt theo quy định.
 
Những ai dám xài biển số giả?
 
Đầu tháng 11-2013, từ một số cáo buộc về các sai phạm của đại uý Nguyễn Hồng Duẫn, đội phó Đội CSGT Công an huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh), người ta phát hiện cả hai vợ chồng đại úy Duẫn đều sử dụng xe máy lậu, gắn biển số giả lưu thông trong suốt thời gian dài.
 
Hai chiếc xe máy biển số giả của  gia đình đại úy Duẫn vẫn vô tư chạy trên đường trong thời gian dài
 
Theo đó, xe máy hiệu Nouvo LX đại úy Duẫn thường chạy và chiếc SCR của bà Nguyễn Thị Thu Hiền, vợ ông Duẫn đều gắn biển số giả. Trong khi dân tình ai cũng biết sự việc này thì trung tá Bùi Châu, đội trưởng Đội CSGT-Công an huyện nói vì đại úy Duẫn là anh em trong đơn vị, nên nếu bắt xe Duẫn kiểm tra thì rất khó coi.
 
Lãnh đạo Công an huyện Vũ Quang, đại tá Trần Đình Nhị, ban đầu tỏ ra ngạc nhiên với các cáo buộc. Song qua xác minh, ông Nhị xác nhận việc vợ chồng Đại úy Duẫn đi xe biển số giả là có thực. “Với tư cách là chỉ huy đơn vị, tôi đã yêu cầu đồng chí này làm báo cáo và sẽ kiểm điểm xử lý nghiêm túc. Theo tường trình, chiếc xe ông Duẫn đang đi là của ông cậu. Còn xe của vợ Duẫn đang sử dụng thì được mua từ một hiệu cầm đồ”.
Cũng là một cán bộ trong ngành CSGT, đại úy Đàm Quang Tuấn, Đội phó đội CSGT công an huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đã vô tư gắn biển số giả 29A-226.86 cho chiếc xế hộp hiệu Camry mới mua của mình.
 
 
Qua xác minh tại Phòng CSGT Hà Nội, biển số trên đã được cấp cho một chiếc Mercedes Benz, chủ sở hữu có hộ khẩu tại phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội. Ông Nguyễn Quang Sơn, Trưởng công an huyện Đồng Hỷ, nói: “Về mặt hành chính, chúng tôi yêu cầu ông Tuấn tháo biển số giả và chưa được sử dụng xe. Về phía đơn vị, chúng tôi đang yêu cầu đồng chí Tuấn làm bản kiểm điểm và sẽ có hướng xử lý".
 
Theo quy định tại điểm d, khoản 5, Điều 19 Nghị định 71/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ,  người vi phạm lỗi sử dụng biển số giả cho xe ô tô còn có thể bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng. Ngoài ra, với các cán bộ, công chức, tùy theo từng cơ quan, tổ chức sẽ có hình thức xử lý riêng.
 
Điểm lại các vụ việc trên, có thể thấy việc công chức, công an sử dụng biển số giả dù hi hữu nhưng có vẻ lại khá dễ dàng. Sự việc chỉ được điều tra, xác minh khi người dân tố giác và quá trình xử lý còn nhiều bất cập.
 
Lý do để phải gắn biển số giả có thực sự chỉ như những lời giải trình trên hay sâu xa hơn đó là hành vi coi thường pháp luật, tùy tiện sử dụng lợi thế trong ngành để tự gắn những biển đăng ký xe theo sở thích?
 
Nếu đơn giản chỉ là không cho gắn thì… gỡ và rút kinh nghiệm vì không trực tiếp liên quan, không nắm rõ tình hình mà chỉ “vô tình” vi phạm thì uy tín của các cơ quan công quyền nằm ở đâu khi chính một số cán bộ UBND, cảnh sát giao thông cũng sử dụng biển số giả? Họ sẽ trả lời với người dân thế nào khi chính họ là người thực thi pháp luật nhưng lại vi phạm pháp luật?
 
Theo Pháp luật TP.HCM
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo