Xe máy phải kiểm định khí thải mới được lưu hành: Không dễ thực thi
Đề án kiểm định khí thải đã từng thất bại
Trước đó, từ tháng 6/2010, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án kiểm soát khí thải môtô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố. Theo đó, giai đoạn 2010-2013 triển khai tại Hà Nội và TP HCM, giai đoạn 2013-2015 triển khai tại các thành phố loại 1, loại 2.
Và nếu theo đúng lộ trình thì đề án kiểm soát khí thải xe máy đã bước vào giai đoạn 2, tức là giai đoạn 2013-2015 sẽ kiểm định khí thải từ 80-90% xe máy tại hai thành phố thí điểm là Thành phố.HCM và Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay đề án vẫn chưa triển khai được vì liên quan đến đa số người dân ở các thành phố lớn với đủ mọi đối tượng, thành phần, lứa tuổi và có nhận thức khác nhau.
Chính vì thế, khi Dự thảo Đề án kiểm soát khí thải môtô, xe gắn máy tham gia giao thông tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ được Bộ Giao thông Vận tải đưa ra hôm 19/5, dư luận lại trở nên "nóng" vì con tem kiểm định khí thải. Theo đó, bên cạnh quan điểm nhìn nhận đây là một động thái tích cực nhằm giảm thiểu tác hại của các loại khó thải độc hại đối với môi trường và đời sống của người dân thì cũng xuất hiện các ý kiến cho rằng, câu chuyện kiểm soát khí thải xem chừng vẫn còn rất khó vì... không có tính khả thi.
Còn nhiều vướng mắc
Phần lớn ý kiến cho rằng việc kiểm định khí thải xe máy hiện vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhiều người đang rất thắc mắc liệu đề án sẽ đi vào ngõ cụt bởi đề án này đã từng thất bại.
Theo ý kiến của nhiều người dân, nếu áp dụng mức khí thải tiêu chuẩn bắt buộc phải đạt thì có thể phải gần như phần lớn xe máy hiện nay phải được bảo dưỡng, thay thế một số phụ tùng như xu-gáp, bộ chế hoàn khí... Với mức giá thị trường hiện nay, thông thường, phí bảo dưỡng, sửa chữa được ước tính từ vài chục tới vài trăm nghìn đồng đối với xe số; và có thể lên tới hàng chục triệu đối với các loại xe tay ga.
Có thể, với những khách hàng sử dụng các dòng xe đời mới thì việc bảo trì xe sẽ không phải là vấn đề quá lớn. Tuy nhiên, đối với những người có xe cũ hoặc quá cũ thì không dễ để họ bỏ ra một số tiền không nhỏ để thay thế phụ kiện đáp ứng chuẩn khí thải. Ở các thành phố lớn hiện nay, lượng người sử dụng xe máy cũ không phải là con số nhỏ, vậy nên đây cũng là một vấn đề cần phải cân nhắc.
Hơn nữa, nhiều người cho rẳng, thủ tục kiểm tra khí thải xe máy mất khoảng 10 phút/xe. Nếu phát hiện bộ phận nào là nguyên nhân gây nên khí thải vượt mức cho phép thì nhân viên kiểm định sẽ tư vấn với người sử dụng xe để thay thế. Như vậy, sẽ rất tốn thời gian và công sức của người dân.
Cũng có nhiều ý kiến nhận định, việc kiểm định căn cứ vào "tuổi thọ" của xe là một phương án thiếu cơ sở khoa học. Người dân cho rằng, nội dung dự thảo đề án nêu rõ lộ trình kiểm định khí thải lần lượt đối với các xe 10 năm, rồi 7 năm và 5 năm sử dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, thông số để phân tích xe giảm chất lượng không thể dựa vào thời gian sử dụng hoặc số kilômet lưu hành.
Theo kinh nghiệm của một số nhân viên bảo hành xe máy tại Hà Nội cho biết, nếu áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải thì có đến hơn 50% số xe máy mang đi kiểm tra sẽ phải bảo dưỡng, thay thế một số phụ tùng như xupáp, bộ chế hòa khí, lọc gió,... Chi phí ước tính từ vài chục ngàn tới hàng triệu đồng, nhất là các xe máy cũ. Những người sử dụng xe máy cũ chủ yếu là người nghèo, liệu họ có chịu bỏ ra số tiền lớn để thay thế phụ tùng, đáp ứng tiêu chuẩn khí thải?
Không phải dễ thực thi
Thông tin về Dự thảo Đề án, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, các xe máy sau khi kiểm định khí thải xong sẽ được dán tem hoặc giấy chứng nhận, nếu không xuất trình được những loại chứng nhận này sẽ bị xử phạt hành chính đối với người điều khiển xe gắn máy không thực hiện kiểm định, xe không đảm bảo tiêu chuẩn về khí thải.
Thế nhưng, câu hỏi được đặt ra đối với một thực tế thường gặp là nếu con tem kiểm định dán trên các xe bị bong ra thì làm sao để có thể "dán lại" và cho xe chạy như thường. Vì nguyên tắc tem kiểm định phải không được bong tróc, không có dấu hiệu cạy hoặc bị dán lại. Vậy nếu vô ý mang xe ra tiệm đi rửa, vệ sinh xe mà vô tình làm con tem bong ra ngoài thì chủ phương tiện liệu có phải cất công đi kiểm định lại để được dán tem lên xe một lần nữa (mặc dù tem cũ vẫn còn hạn)?
Và một trong những điều khiến nhiều chuyên gia đăng kiểm băn khoăn là đến nay vẫn chưa có chế tài hoặc mức phạt nào nếu người dân không chịu đưa xe đi kiểm định... khói. Trước đây, Chính phủ cũng đã có nghị định có hướng dẫn xử lý các loại xe tải, xe buýt... xả khói đen mù mịt ra môi trường. Tuy nhiên, ở cấp các đội CSGT quận, huyện thì chưa có thiết bị đo khí thải để xử lý. Như vậy, trong trường hợp không có chế tài xử phạt thì liệu có lý do nào để người sử dân chủ động mang xe đi kiểm định khí thải trong khi họ vừa bị mất một khoảng thời gian, công sức, vừa mất chi phí?
Theo một số chuyên gia, nếu lấy tuổi xe để đi kiểm định là thiếu khoa học, bởi thông số để xác định xe giảm chất lượng không thể dựa vào thời gian sử dụng.Với một chiếc xe mua cùng một thời điểm, người hành nghề xe ôm sẽ có tần suất sử dụng cao gấp cả trăm lần so với những người làm việc văn phòng. Việc quy định xe máy đăng ký biển số ở Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM,... sẽ phải kiểm tra khí thải, thì rất nhiều xe mang biển số các tỉnh, thành khác đến đây sử dụng sẽ giải quyết như thế nào, làm sao để kiểm tra?
Vấn đề quan trọng nữa là chế tài với những xe không đạt tiêu chuẩn khí thải ra sao, nhất là với những xe quá cũ, giá trị không còn lớn và cũng là xe thải ra nhiều khí thải độc hại. Làm sao để người sử dụng phải đi sửa chữa, thay thế phụ tùng?
Về phía cơ quan kiểm định, nếu giao cho các trung tâm đăng kiểm thêm nhiệm vụ kiểm tra khói xe máy, liệu có quá tải? Hiện riêng kiểm định xe ô tô cũng đã quá tải rồi. Nếu xã hội hóa với sự tham gia của các nhà sản xuất, lắp ráp và các đại lý bán, sửa chữa xe, liệu có kiểm soát được tiêu cực?
Chẳng hạn, các đại lý bán xe máy đều có dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa, có sẵn nhân viên kỹ thuật và thiết bị kiểm tra. Nếu xe không đạt chuẩn khí thải, họ có thể sửa chữa, thay thế phụ tùng cho xe. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát chặt chẽ, có thể nhân viên sẽ yêu cầu khách hàng thay thế phụ tùng tuy chưa cần thiết, hoặc nâng giá dịch vụ, phụ tùng, hay thông đồng với khách hàng rằng xe đạt chuẩn,...
Về phía khách hàng, từ trước đến nay vốn tự nguyện chăm sóc, bảo hành xe. Nay bắt buộc phải thêm chuyện kiểm tra khói, dán tem thì có đem xe đến không?
Ngoài ra, theo các chuyên gia giao thông, một trong những điểm khiến đề án này chưa khả thi chính là việc quy định xe máy có đăng ký biển số ở TP Hà Nội và TP.HCM thì sẽ phải kiểm tra khí thải. Bởi ngoài số lượng xe này còn có rất nhiều xe đến từ các tỉnh, thành khác.
Lâu nay, người dân vốn vẫn đang kêu chuyện “phí chồng phí, thuế chồng thuế” mà sau này lại đưa ra việc kiểm soát khí thải họ lại mất thêm một loại phí thì phản ứng sẽ thế nào? Vì vậy, để nhận được sự đồng thuận của dân về việc này cũng không phải chuyện dễ dàng.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan trước khi ra quyết định thực hiện ở 5 thành phố lớn là Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ về đề án kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy (gọi chung là xe máy) tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố. Theo số liệu của các cơ quan chức năng, số lượng xe máy đang lưu hành trên cả nước đã vượt trên 40 triệu chiếc, trong đó có trên 50% là xe cũ. Trong đó, đến năm 2018, tại Đà Nẵng có khoảng 400.000 xe máy phải đi kiểm định và tính cả 5 thành phố, con số xe máy kiểm định lên tới gần chục triệu chiếc. Thời gian áp dụng từ 1/7/2017 đối với Đà Nẵng. Tại 4 thành phố còn lại sẽ theo lộ trình, từ 1/7/2018 kiểm soát đối với xe trên 10 năm sử dụng; từ ngày 1/7/2019 kiểm soát đối với các xe còn lại. Xe máy sau khi kiểm định đạt tiêu chuẩn sẽ được dán tem kiểm định, khi đó xe mới đủ điều kiện tham gia giao thông.
|
End of content
Không có tin nào tiếp theo